Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá - Ảnh 1
Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá - Ảnh 2

“Nhìn lại những năm qua, đặc biệt là năm 2023, chúng ta thấy được một bức tranh thế giới, cả về địa chính trị cả về nền kinh tế, rất phức tạp và có những chuyển động nhiều chiều khác nhau.

Về địa chính trị, căng thẳng, xung đột và bất ổn đã gia tăng, trong đó đặc biệt là  cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột Nga-Ukraine dai dẳng và không có hồi kết, xung đột ở Trung Đông mới bùng phát và những âm ỉ còn tồn tại ở khu vực châu Phi. Những xung đột này không chỉ ảnh hưởng tới môi trường an ninh mà còn làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, tạo ra những áp lực rất mới khi mà kinh tế thế giới vừa bước ra khỏi đại dịch và còn nhiều khó khăn chưa phục hồi.

Vấn đề địa chính trị dẫn đến việc kinh tế thế giới có những sự chuyển động nhiều chiều. Trong khi kinh tế còn bất ổn, năm 2023 đã có một số tín hiệu về phục hồi và kiểm soát lạm phát, nhưng tính bất ổn, tính khó lường vẫn còn ở trước mắt, tính bền vững của sự phục hồi là chưa có. Môi trường đầu tư khác đi đã  gây ra sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng, để tạm ứng phó với những rủi ro. Có thể thấy rằng việc đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung ứng được đặt rất cao. Vậy, bảo đảm tính bền vững của chuỗi cung ứng là gì?

Thứ nhất, không dồn trứng vào một giỏ. Dù thị trường lớn đến mấy mà chỉ phụ thuộc vào một hay hai thị trường thì bất cứ lúc nào cũng có thể đứt gãy.

Thứ hai, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn. Các nhà đầu tư đang tìm cách giảm rủi ro và tìm đến những thị trường tin cậy hơn, bạn bè hơn.

Thứ ba, liên quan đến những xu hướng và mô hình phát triển mới, nhất là số, công nghệ và xanh. Nơi nào có thể đón được cả về chính sách lẫn môi trường hấp thụ thì đầu tư sẽ đến chỗ đó. Tiêu chuẩn về công nghệ, tiêu chuẩn về phát triển xanh và giảm khí carbon hiện nay không còn là vấn đề của môi trường hay công nghệ, mà đã trở thành một yếu tố của thị trường.

Với những chuyển động như vậy, trong năm 2023, năm 2024 và những năm tới, đối ngoại của Việt Nam nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng có những điểm mà từ kết quả đạt được của năm 2023 chúng ta có thể thấy.

Một là, kết hợp với những kết quả trong nước, đặc biệt là kiểm soát dịch và phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng loạt triển khai các hoạt động ngoại giao, để nối lại quan hệ và môi trường hợp tác. Việc nối lại này là rất quan trọng, đặc biệt là nối lại những đứt gãy về chuỗi cung ứng, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chính, những bạn hàng, bạn đầu tư chính của Việt Nam đều gặp khó khăn. Việc đạt được tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 681 tỷ USD, và thu hút 36,6 tỷ USD vốn FDI, vào năm 2023, dù chưa đạt được mức trước đại dịch, nhưng chính là một nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam.

Hai là, ngành đối ngoại, cùng với các bộ, ngành khác đã thực hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ là lấy kinh tế làm trọng tâm của năm 2023 và tất cả các hoạt động của các cấp đều phải tập trung vào khai thác kinh tế. Trong năm qua, Việt Nam tiếp đón gần 50 đoàn cấp cao của các nước, qua đó ghi nhận những thỏa thuận quan trọng về mặt kinh tế.

Liên quan đến những xu thế chuyển đổi mới của thế giới, trong đó có chuyển đổi số, xanh và công nghệ, Việt Nam đã chủ động và tranh thủ một cách tích cực. Việt Nam đã tích cực phát triển hạ tầng xanh, hạ tầng chất lượng, hay tham gia vào các sáng kiến về kinh tế thương mại đầu tư, ngoài các FTA đã có, ở cấp độ cao hơn, trong đó có Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tuyên bố Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), hay việc hợp tác với Mỹ trong việc chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực liên quan đến sản xuất chip, chất bán dẫn và đất hiếm, cam kết từ COP26 đến COP28 về giảm khí phát thải. Những nỗ lực này đã tạo ra những nguồn lực mới cho đầu tư và phát triển của Việt Nam và minh chứng cho một Việt Nam đang chuyển đổi đúng hướng”.

Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá - Ảnh 3

“Tình hình kinh tế thế giới năm 2024 không thể dự đoán. Xung đột giữa các quốc gia vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, tiềm ẩn những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt.

 Các chuyên gia và doanh nghiệp dự báo bối cảnh năm 2024 vẫn khó khăn, nhiều bất trắc và luôn có những yếu tố không lường trước được. Do đó, điều quan trọng của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam là sự thích ứng cao. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng, khó đoán trước, rủi ro, thì sự thích ứng và chống chịu là điều quan trọng cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã kịp thời và nỗ lực trong việc đưa ra các giải pháp phù hợp và thích ứng với bối cảnh kinh tế thế giới. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong các nghị quyết của Chính phủ đầu năm nay như Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, cho thấy sự quyết liệt và chủ động của Chính phủ trong việc điều hành kinh tế. Bên cạnh đó, đã có những trọng tâm được đề ra như tiếp tục thúc đẩy việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế.

Năm 2023, mặc dù tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm cao trong khu vực nhưng vẫn chưa đạt được mức như mục tiêu đề ra. Do đó, năm 2024 là năm cần phải tăng tốc, cần phải có sự chủ động từ đầu.

Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan. Tuy nhiên, các nhóm giải pháp cần giữ vững và phục hồi được các động lực tăng trưởng. Cụ thể, cần thúc đẩy đầu tư tư nhân, số lượng doanh nghiệp thành lập mới phải tăng thêm, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường phải giảm đi. Đầu tư nước ngoài phải được thúc đẩy, đặc biệt là các dự án chất lượng cao, các dự án có giá trị lớn trong các lĩnh vực và ngành nghề mà Việt Nam khuyến khích phát triển.

Bên cạnh đó, cải cách thể chế cũng cần được thúc đẩy, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành không phù hợp, tăng cường đối thoại với các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp để nhanh chóng khắc phục khó khăn. Thúc đẩy đầu tư hạ tầng, đầu tư công cũng quan trọng.

Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp tương đối toàn diện. Nếu thực hiện tốt các giải pháp này thì chắc chắn sẽ mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại Việt Nam.

Có một điểm mới trong năm 2024 đó là ngay từ những ngày đầu năm, Chính phủ đã ban hành trở lại Nghị quyết 02, cho thấy thông điệp rõ ràng của Chính phủ về ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 và những năm sắp tới. Do đó, đây là vấn đề quan trọng, phải được ưu tiên của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và chính quyền các cấp.

Những giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là nhóm giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Khi môi trường kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính thuận lợi, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ thì chi phí kinh doanh ở Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với các nước và Việt Nam mới trở thành điểm đến hấp dẫn  các nhà đầu tư.

Việc phát triển theo định hướng kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu đã được thực thi, hàng hóa của Việt Nam trong một số nhóm ngành hàng công nghiệp nặng xuất khẩu sang EU đã phải thực hiện cơ chế khai báo. Một số nhóm ngành hàng xuất khẩu khác của Việt Nam vào các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật thì tiêu chuẩn xanh ngày càng cao hơn. Ngược lại, những dự án đầu tư vào Việt Nam cũng nhu cầu được tiếp cận được nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án chất lượng cao, công nghệ cao. Như vậy, sản phẩm của họ mới vào được các thị trường quan trọng và khi tiếp cận được nguồn năng lượng xanh thì họ mới có thể tiếp cận được với nguồn vốn có giá rẻ.

Thực tế, một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 có chiều hướng giảm không chỉ bởi lạm phát, thị trường mà còn bởi mức độ chuyển đổi xanh chậm so với các nước trong khu vực. Các ngành hàng cần phải nhìn nhận được các nguy cơ và thách thức trong việc chậm chuyển đổi xanh để có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Như vậy, xu hướng chuyển đổi xanh trong các hoạt động doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung là xu thế tất yếu. Các doanh nghiệp phải coi đây là một  phần trong kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn”.

Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá - Ảnh 4

“Trong năm 2023, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề trong nửa đầu năm do nhu cầu xuất khẩu cũng như nhu cầu thương mại thấp. Bước sang nửa cuối năm 2023, tình hình đã được cải thiện, trong đó thị trường chất bán dẫn của Việt Nam bắt đầu xoay chuyển và điều này đã giúp ích cho Việt Nam rất nhiều. Vì vậy, vấn đề ở đây chính là mối quan hệ trực tiếp giữa thương mại và sản xuất.

Một trong những cách mà Việt Nam có thể khắc phục tình trạng này đó chính là đa dạng hóa thị trường của Việt Nam. Hiện nay, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là rất đa dạng, vì vậy, bất cứ điều gì xảy ra với nhu cầu ở thị trường đó, chẳng hạn như nhu cầu thấp, sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam cũng như ngành sản xuất. Vì vậy, nếu Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường khác như các thị trường ở Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ Latinh, sẽ giảm thiểu được những rủi ro hoặc giảm tính dễ bị tổn thương thay vì chỉ tập trung ở một thị trường duy nhất.

Ngoài ra, Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, sản phẩm công nghệ chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 30 - 40% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, nếu có bất cứ tác động tiêu cực nào tác động đến việc sản xuất các sản phẩm công nghệ, việc xuất khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Để giảm thiểu tính dễ bị tổn thương cũng như rủi ro trong việc xuất khẩu, Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. Lĩnh vực mà Việt Nam có thể đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu đó chính là nông nghiệp, bởi Việt Nam đã có rất nhiều sản phẩm nông sản đa dạng  có thể xuất khẩu. Ví dụ, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn và đây một lĩnh vực mà Việt Nam có thể xem xét việc tập trung đầu tư vào đa dạng hóa các loại gạo thông qua việc cải thiện năng suất nuôi trồng, từ đó có thể nâng cao việc xuất khẩu gạo. Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta không nên đánh giá thấp sức mạnh của nông sản. Ví dụ như, Hoa Kỳ là nước sản xuất nông nghiệp lớn với các sản phẩm như ngô, cam và thịt bò và thịt lợn, do đó, đây là một ngành rất quan trọng mà Việt Nam cũng nên xem xét đa dạng hóa sản phẩm.

Đối với năm 2024, tôi kỳ vọng hoạt động thương mại sẽ được cải thiện cũng như thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam sẽ bứt phá mạnh mẽ trong năm nay. Bên cạnh đó, việc lãi suất được dự đoán sẽ giảm ở Mỹ sẽ cải thiện nhu cầu và cải thiện nhiều hoạt động ở Việt Nam cũng như sẽ tạo điều kiện thuận lợi về mặt xuất khẩu và ngành sản xuất. Ngoài ra, tôi nghĩ lượng khách du lịch đến Việt Nam trong năm 2024 cũng sẽ cải thiện, du khách sẽ tiếp tục đến du lịch tại Việt Nam và xem Việt Nam là một điểm đến du lịch hàng đầu. Đó chính là những lĩnh vực mà tôi thấy sẽ có nhiều cải thiện hơn nữa trong năm 2024”.

Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá - Ảnh 5

“Để nắm bắt được những xu hướng phát triển trong thời gian tới, chuyển đổi xanh đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, chuyển đổi xanh cũng có những yêu cầu rất khắt khe và  rất nhiều thị trường trên thế giới cũng đang có những yêu cầu rất cao đối với sản xuất các sản phẩm sạch và bền vững, trong đó có thị trường châu  Âu - một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tham gia cuộc chơi này và đây là lúc mà chúng ta cần phải hành động.

Bên cạnh đó, về các nguồn lực tài chính, các tổ chức tín dụng đang sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp về các khoản vay xanh, các tổ chức kinh tế cũng như các nước đang phát triển cũng đang có rất nhiều tài trợ dành cho Việt Nam. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xanh.

Trên thực tế, chúng ta đã đề cập về tầm quan trọng của chuyển đổi xanh cũng như những lợi ích mà chuyển đổi xanh mang lại, tuy nhiên hành động thực tế vẫn còn thiếu. Theo một khảo sát gần đây của chúng tôi, có 88% người tiêu dùng trên toàn thế giới đều có thói quen kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và nguồn sản phẩm trước khi họ quyết định mua. Tôi hy vọng rằng thông tin này sẽ giúp cho các doanh nghiệp có những quyết định rõ ràng trong quá trình chuyển đổi xanh của mình.

Trong quá trình chuyển đổi xanh, Việt Nam cần hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như siêu nhỏ, bởi đây là những doanh nghiệp đang gặp  rất nhiều khó khăn liên quan đến tiếp cận nguồn tài chính phục vụ cho công tác chuyển đổi xanh. Vì vậy, Chính phủ cần phải có những chính sách, định hướng, cũng như các thể chế tài chính rõ ràng để giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận được những nguồn vốn giá rẻ và phù hợp một cách thuận lợi để họ có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh”.

Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá - Ảnh 6

“Tôi nghĩ rằng điều kiện kinh tế toàn cầu sẽ không được cải thiện nhiều trong năm tới, ít nhất là trong nửa đầu năm nay. Điều chúng tôi mong đợi, từ ấn phẩm về triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới vừa công bố ngày 10/1/2024, là trên thực tế, nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại một chút, mềm mại hơn một chút, trước khi phục hồi và mạnh lên vào năm 2025. Điều này có nghĩa là đối với thế giới, năm 2024 vẫn sẽ là một năm đầy thử thách.

Về cơ bản, cả thế giới đang trải qua những thách thức này chứ không chỉ riêng Việt Nam. Với những gì chúng ta đã thấy trong vài năm qua, nền kinh tế Việt Nam thực sự đã phát triển khá tốt so với phần còn lại của thế giới, nhưng năm 2024 sẽ vẫn tốt hơn năm ngoái một chút nhưng không cao bằng năm ngoái. Chúng tôi mong muốn tăng trưởng cuối cùng quay trở lại mức 6,5 - 7%.

Kinh tế Việt Nam thường được thúc đẩy bởi cả nhu cầu nội địa và nhu cầu xuất khẩu. Dự kiến nhu cầu xuất khẩu sẽ phục hồi một cách vừa phải, điều này là một dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Về phía nội địa, Chính phủ hy vọng nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ phục hồi một cách vừa phải trong năm nay.

Chính phủ đã đầu tư vào nhiều dự án công cộng và tư nhân, bao gồm đầu tư tư nhân trong nước. Quan trọng là Chính phủ phải áp dụng chính sách để giúp ngành bất động sản phục hồi khỏi tình trạng suy thoái hiện tại. Vấn đề của ngành bất động sản đang ảnh hưởng đến đầu tư, đầu tư tư nhân và ngành xây dựng. Giải quyết vấn đề của ngành này sẽ giúp phục hồi ngành đầu tư và nói chung, hy vọng sẽ giúp tăng trưởng kinh tế trong các ngành khác như xây dựng, thiết kế và kiến trúc.

Ngành nông, lâm nghiệp luôn là động lực tăng trưởng kinh tế ổn định. Đây là một ngành rất nhỏ nhưng lại tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cao cho người dân ở nông thôn. Nếu muốn thấy ngành nông nghiệp thực sự nở rộ và mang lại nhiều lợi ích hơn cho tăng trưởng kinh tế thì điều rất quan trọng là phải tăng cường công nghệ hiện đại hơn, nâng cấp hơn, thúc đẩy kinh doanh nông nghiệp nhiều hơn và thúc đẩy tăng trưởng năng suất cao hơn trong ngành. Nhờ  vậy, sau đó nó có thể trở thành một yếu tố đóng góp quan trọng hơn nhiều cho tăng trưởng kinh tế.

Và như tôi đã đề cập, đối với đầu tư tư nhân, chúng tôi rất khuyến khích giải quyết các thách thức của ngành bất động sản, hy vọng nếu những thách thức đó được giải quyết hoặc các chính sách được triển khai để giải quyết những thách thức này sẽ giúp ngành bất động sản bắt đầu phục hồi. Với điều đó, nó sẽ tạo ra nhiều đầu tư hơn, tạo ra nhiều việc làm trong ngành bất động sản, ngành xây dựng và cả những lĩnh vực liên quan.

Trong tương lai, một trong những điều Chính phủ có thể làm là tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính và đầu tư công cho nền kinh tế để hỗ trợ tổng cầu, cung cấp thêm các chương trình đào tạo và xây dựng năng lực cho người lao động để cải thiện kỹ năng của họ. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng Việt Nam nên cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không chỉ tập trung vào ba thị trường chính như hiện tại là Mỹ, EU và Trung Quốc.

Vì vậy, nếu Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu đến nhiều quốc gia hơn ở châu Á, Nam Á, châu Mỹ Latinh, thì điều đó sẽ giúp xây dựng sự bền vững mới cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai dài hạn”.

Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá - Ảnh 7

“Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, trước hết chúng ta phải thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các động lực tăng trưởng hiện có, bao gồm đầu tư, xuất - nhập khẩu. Trong đó, để  hoàn thiện và phát triển  các động lực này thì thể chế, chính sách đóng vai trò quan trọng.

Về động lực tăng trưởng mới, Việt Nam nên tập trung vào một số  lĩnh vực mới: kinh tế số; kinh tế tuần hoàn; công nghệ cao, chất bán dẫn. Với lợi thế về đất hiếm, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, lợi thế về nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật, đặc biệt hai nước đã cam kết và hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, thì đây là những động lực không chỉ trong năm nay mà còn trong những năm tới.

Tuy nhiên, đây là những lĩnh vực mới, dù ở bất kỳ quốc gia nào kể cả Mỹ hay Trung Quốc, thì Chính phủ cũng phải đóng vai trò là “bà đỡ và nuôi dưỡng” nền kinh tế. Trong thời gian đầu, Chính phủ có thể hỗ trợ về thể chế, tài chính, nguồn nhân lực để các lĩnh vực mới có đủ căn cứ, cơ sở để hình thành và phát triển.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng khi thực thi lại chưa thực sự hiệu quả. Thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát từng chính sách và có lộ trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; đồng thời, phải gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chính sách. Ví dụ về giải ngân vốn đầu tư công, đến tháng 11/2023 vẫn còn 21 bộ, ngành, cơ quan trung ương, 33 địa phương không phân bổ hết vốn.

Trong năm 2024, có một số chính sách cần thực hiện đột phá, nhất là chính sách về giải ngân vốn đầu tư công, từ đó lan tỏa sang đầu tư ngoài nhà nước, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lên nên kinh tế thế giới có biến động hay suy yếu thì sẽ tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam. Thực tế trong năm 2023, một trong bốn động lực tăng trưởng là xuất khẩu đã bị ảnh hưởng mạnh bởi kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo còn suy giảm hơn năm 2023, nên Chính phủ cần có những giải pháp, chính sách cụ thể để thúc đẩy kinh tế trong nước, đặc biệt là xuất nhập khẩu. Cần phải tìm kiếm thị trường mới, thị trường ngách.

Cuối năm vừa qua Chính phủ đã có giải pháp hiệu quả đó là xuất khẩu chính ngạch rau, hoa quả sang Trung Quốc. Chúng ta cần phải có những giải pháp tương tự như vậy trong năm 2024 để tìm kiếm thị trường và tháo gỡ khó khăn cho xuất - nhập khẩu”.

Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá - Ảnh 8

“Theo tổ chức du lịch thế giới, trên toàn cầu tính trung bình cho đến nay ngành du lịch mới hồi phục được 94%. Có một số khu vực trên thế giới đã đạt hoặc vượt mức khách du lịch trước đại dịch là Trung Đông. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương mới chỉ đạt tốc độ phục hồi là 63%. Việt Nam đạt được 70%.

Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phục hồi hoàn toàn và vượt mức trước dịch. Tôi nhìn thấy tính khả thi của mục tiêu này thông qua việc các thị trường lớn trên thế giới đang mở lại, đặc biệt là những thị trường khách du lịch lớn của Việt Nam như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (khu vực Đông Bắc Á chiếm hơn 30% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam). Các thị trường lớn như Ấn Độ sẽ tăng trưởng mạnh. Chúng ta sẽ đẩy mạnh kết nối hàng không giữa Việt Nam và Ấn Độ. Cùng với đó, môi trường du lịch toàn cầu đã “ấm lên” rất nhiều. Khả năng Việt Nam vượt con số 18 triệu lượt khách quốc tế là rất khả thi.

Thách thức lớn mà chúng ta nhìn nhận chính là điểm nghẽn về hạ tầng du lịch, những điểm đến mới, những sản phẩm mới. Nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tăng trải nghiệm cho khách du lịch cũng cần được chú ý. Nguồn nhân lực ngành du lịch hiện nay của chúng ta rất hạn chế, đặc biệt là trong chuỗi liên kết giữa các điểm đến của các địa phương, bên cạnh đó là việc liên kết giữa các khâu dịch vụ trong chuỗi du lịch, giữa các điểm du lịch và dịch vụ liên quan. Đẩy mạnh hoạt động liên kết trên, kết hợp với ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để đẩy mạnh du lịch thông minh là một giải pháp cần thiết, cũng là một thách thức để đạt được sự phát triển du lịch chất lượng, bền vững.

Việt Nam sẽ nỗ lực để trở thành sân chơi, nơi phổ biến sự kiện toàn cầu, sự kiện văn hóa, sự kiện thể thao, sự kiện chính trị xã, tạo một hình ảnh Việt Nam là một điểm đến có đủ sức hấp dẫn, đủ sức hút để kéo cả thế giới đến Việt Nam. Để thực hiện điều này, chúng ta đang đẩy mạnh chiến lược công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh các ngành lĩnh vực có liên quan để khai thác công nghiệp văn hóa”.

Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá - Ảnh 9

“Đối với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng, chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành hành lang pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đây là một điều rất cần thiết. 

Để chuẩn bị những nội dung trên, nên thành lập một tổ công tác đặc biệt có sự tham gia của những nhà đầu tư nước ngoài để có thể nắm bắt được những mong muốn của các nhà đầu tư, từ đó ban hành các chính sách phù hợp. 

Năm 2023 là một trong những năm khó khăn nhất trong lịch sử các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc trong suốt hơn 30 năm đầu tư vào Việt Nam do tác động của môi trường kinh tế toàn cầu. Có rất nhiều vấn đề phát sinh từ quý 4/2022 cho đến nay. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục, có thể dẫn đến sự phát triển trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Chúng tôi đã đầu tư vào Việt Nam gần 10.000 dự án, trong đó đại đa số, hơn 85%, tập trung  vào lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu. Đây là một yếu tố thuận lợi khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi lại. Khí đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể phát huy hiệu quả tốt nhất. Năm ngoái là một năm rất khó khăn, nhưng từ năm nay, kinh tế sẽ phục hồi trở lại.

Bên cạnh đó, chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hàn Quốc  Yoon Suk Yeol vào tháng 6/2023 là một cơ hội, động lực lớn, giúp các tập đoàn yên tâm đẩy mạnh đầu tư. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới Chính phủ sẽ sớm phê duyệt các dự án năng lượng của Hàn Quốc với quy mô hàng tỷ USD. Các dự án này sẽ giúp doanh nghiệp Hàn Quốc giải quyết được nhiều vấn đề, lớn nhất chính là đảm bảo năng lượng.

Năm 2023, tình trạng thiếu điện đã tạo ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là ở miền Bắc. Một số nhà máy hoạt động liên tục 24/7 và không dừng trong cả những ngày lễ hay Tết. Những doanh nghiệp này đầu tư vào Việt Nam chưa lâu và hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, đòi hỏi nhà máy phải chạy liên tục. Có những thời điểm tình trạng thiếu điện khiến các công ty trên phải chạy máy phát điện với chi phí hơn 50.000 USD mỗi ngày dành cho mua nhiên liệu. Đây là những chi phí không cần thiết và tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp.

Việc Chính phủ Việt Nam sớm phê duyệt các dự án năng lượng của Hàn Quốc sẽ giúp doanh nghiệp của chúng tôi yên tâm hoạt động, mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và chất bán dẫn. Năm 2024, theo tôi, nếu nền kinh tế toàn cầu phục hồi một cách bình thường, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng tối thiểu từ 6% đến gần 7%. Việt Nam không còn như ngày xưa. Bây giờ Việt Nam đã trở thành một nước sản xuất công nghiệp mạnh”.

Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá - Ảnh 10

“Chúng tôi đang nhận thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng ở Việt Nam. Năm 2023, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đổ vào đất nước đạt con số kỷ lục, tăng hơn 50% so với năm trước đó. Việc các doanh nghiệp từ các thị trường phát triển hơn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam cho thấy họ vẫn coi Việt Nam là cơ hội tăng trưởng trong tương lai.

Bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay có rất nhiều thách thức, nhiều bất ổn và biến động. Sẽ có một số đợt giảm lãi suất trên các thị trường lớn như Mỹ, điều này sẽ lại có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng mức xuất khẩu sẽ tăng.

Về khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam, tôi cho rằng việc tập trung vào FDI tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm. Bên cạnh đó, thúc đẩy và tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam là yếu tố quan trọng đối với thu hút đầu tư chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng. Net-zero cũng là một phần thực sự quan trọng trong chính sách của Chính phủ mà HSBC hoàn toàn ủng hộ.

Năm 2024, chúng ta sẽ thấy FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng. Chiến lược Trung Quốc+1 cho nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới tiếp tục là xu hướng mang lại lợi ích cho Việt Nam và tôi dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2024.

Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng và cải thiện trong năm nay, chủ yếu vào nửa cuối năm. Chúng ta sẽ thấy sự tăng trưởng nhiều hơn và chúng tôi kỳ vọng động lực từ người tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2024. Nhưng vẫn còn rất nhiều biến số trong thị trường mà chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ với khách hàng của mình để xem năm 2024 sẽ diễn ra như thế nào”.

Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá - Ảnh 11

VnEconomy 16/01/2024 15:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03-2024 phát hành ngày 15-1-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá - Ảnh 12