La Gi sẽ trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất Bình Thuận
Hàng loạt ông lớn bất động sản công nghiệp đang đổ bộ vào La Gi với những dự án có quy mô hàng nghìn ha, biến La Gi trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất Bình Thuận...
Hàng loạt ông lớn bất động sản công nghiệp đang đổ bộ vào La Gi với những dự án có quy mô hàng nghìn ha, biến La Gi trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất Bình Thuận. Các chuyên gia đánh giá, sức bật khổng lồ của bất động sản công nghiệp đã thể hiện rõ nét tại Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Bắc Ninh,… giờ đây sẽ diễn ra tại La Gi.
SỨC BẬT KHỔNG LỒ
20 năm qua, nhiều địa phương của Việt Nam đã phát triển chóng mặt nhờ những khu công nghiệp. Mới đây, Bloomberg đã phản ánh quá trình “thay da đổi thịt” ở Bắc Giang, khi tỉnh này xuất hiện hàng loạt khu công nghiệp và trở thành điểm đến của các thương hiệu trên thế giới. Bài báo cho biết cách đây không lâu, Bắc Giang còn là một tỉnh thuần nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, khi những khu công nghiệp hình thành, đón xu hướng dịch chuyển của các doanh nghiệp lớn trên thế giới ra khỏi Trung Quốc do sự căng thẳng từ cuộc chiến Mỹ - Trung, kinh tế Bắc Giang đã đổi thay ngoạn mục.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Bắc Giang gần như tăng gấp đôi hàng năm, ngay cả trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Tỉnh dự báo kim ngạch xuất khẩu của địa phương sẽ đạt con số 11 tỷ USD trong năm nay, tăng 10 lần so với cách đây 6 năm. Theo thống kê, vào năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Bắc Giang mới chỉ đạt 650 USD/năm, bằng một nửa mức trung bình toàn quốc. Tuy nhiên, Bắc Giang hiện ở trong thời kỳ bùng nổ kinh tế đầu tiên, với thu nhập bình quân đầu người ước đạt 3.000 USD trong năm 2020.
Ở phía Nam, sức đẩy của các khu công nghiệp thể hiện rõ nhất tại Bình Dương. Hiện tại, Bình Dương là “thủ phủ công nghiệp” của Việt Nam với hơn 40 khu công nghiệp. Luỹ kế đến năm 2020, Bình Dương đã thu hút được 35 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng vốn FDI cả nước. Cùng với Tp.HCM, Hà Nội, Bình Dương là một trong 3 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất nước. Ngoài ra, Bình Dương còn sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam với chiến lược phát triển thành phố thông minh được đánh giá tiêu biểu trên thế giới.
KỲ TÍCH TIẾP DIỄN TẠI LA GI
Dự báo địa phương tiếp theo sẽ chuyển mình nhờ bất động sản công nghiệp, các chuyên gia kinh tế đánh giá, La Gi là ứng cử viên đầu tiên nhờ sự đổ bộ của các siêu dự án tỷ USD. Thông tin này cộng hưởng với định hướng La Gi sắp lên thành phố, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đẩy nhanh tiến độ thi công, sân bay Phan Thiết hoàn thành giải phóng mặt bằng khiến La Gi nhanh chóng trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản phía Nam.
Cụ thể, Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Becamex VSIP Bình Thuận tại La Gi và Hàm Tân là dự án đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và các công ty thuộc tập đoàn Sembcorp Development (Singapore). Dự án có quy mô 4.984 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 18.840 tỉ đồng.
Becamex VSIP Bình Thuận được kỳ vọng sẽ thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước với dòng vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, trong đó, hai địa phương La Gi và Hàm Tân sẽ được hưởng lợi rất lớn. Đặc biệt là thị xã La Gi, với lộ trình trở thành "thành phố thứ 2" của Bình Thuận, cùng việc đón nhận nhiều dự án tỷ đô đầu tư trên địa bàn, đang trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất ở khu vực phía Nam Bình Thuận.
Bên cạnh Becamex VSIP Bình Thuận, Sonadezi cũng sẽ triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Tân Đức tại La Gi và Hàm Tân với quy mô 300 ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần Sonadezi Bình Thuận đầu tư.
Một “siêu dự án” khác là chuỗi dự án điện khí LNG của Tập đoàn AES (Mỹ) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,31 tỉ USD. Đây được xem như dự án FDI có quy mô lớn nhất lịch sử Bình Thuận, không chỉ góp phần phát triển kinh tế của tỉnh mà còn có ý nghĩa quan trọng trong ngành năng lượng Việt Nam.
Theo bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, sự hình thành của các khu công nghiệp lớn cùng cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ giúp La Gi thu hút hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước đổ về đầu tư với dòng vốn hàng tỷ USD, đưa nơi đây trở thành điểm đến số 1 của dòng vốn FDI.
Đặc biệt, 135.000 lao động bản xứ đang làm việc ở Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai sẽ dịch chuyển về đại bản doanh công nghiệp ở phía Nam Bình Thuận. Lượng lao động tăng, cộng hưởng cùng các khu công nghiệp hoàn thành sẽ thúc đẩy đầu tư hạ tầng, bất động sản logistic, kho, bãi cho La Gi.
Đồng thời, tạo động lực lớn để phát triển các khu đô thị, phức hợp cao cấp, trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu đời sống cho người dân bản xứ cũng như nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi, giải trí,... của du khách.
Từ những điều kiện trên, bà Dương Thuỳ Dung nhận định, lịch sử “thay da đổi thịt” của các thành phố công nghiệp nổi tiếng của Việt Nam sẽ tiếp diễn tại La Gi và góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển mạnh.