09:30 03/11/2024

La Nina mạnh lên từ tháng 9, nông sản xuất khẩu của Việt Nam được lợi nhờ khan hiếm nguồn cung, giá tăng

Thu Minh

Ảnh hưởng từ việc thay đổi thời tiết, bao gồm khô hạn hơn ở khu vực Nam Mỹ, mưa nhiều và lũ lụt thường xuyên hơn ở Ấn Độ, Đông Nam Á sẽ khiến cho sản lượng thu hoạch mùa màng bị ảnh hưởng, dẫn đến giá một số mặt hàng nông sản có thể tăng cao như lúa gạo, mía đường, cao su, thức ăn chăn nuôi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo gần nhất của Cơ quan quản lý khí quyền và đại dương quốc gia (NOAA), xác suất hiện tượng La Nina sẽ mạnh lên trong giai đoạn từ tháng 9 tới tháng 11/2024 và sẽ dần chuyển sang giai đoạn trung tính vào thời điểm giữa năm 2025.

Trong thời gian này, hiện tượng La Nina được dự báo gia tăng lượng mưa và tần suất các cơn bão nhiệt đới ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các nước Phillipines, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan.

Tại Việt Nam, trong hai tháng vừa qua liên tiếp ghi nhận những cơn bão gây thiệt hại nhiều về người và của tại miền Bắc và khu vực miền Trung. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi các Bộ ngành về chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ miền Trung trong 10 ngày tới. Theo đó, trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 6 (bão TRAMI) khu vực Trung Bộ đã xảy ra mưa to đến rất to, cục bộ có nơi trên 1.000mm như đỉnh Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 1.500mm, hồ Sông Thai (Quảng Bình) 1.250mm, gây ngập lụt diện rộng.

Thông tin dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, từ ngày 3 đến ngày 10/11/2024, khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn. Sau ngày 10/11, mưa lớn ở miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn; trong đó nửa đầu tháng 11 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tập trung nhiều ở các tỉnh Quảng Bình trở vào đến Phú Yên.

Nhận định về hiện tượng La Nina và tác động tới các ngành nghề, Chứng khoán KBSV cho rằng với hiện tượng thời tiết có phần cực đoan như vậy, sẽ có cả mặt tích cực và tiêu cực.

Về mặt tích cực, nhóm ngành thủy điện được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ hiện tượng La Nina khi lượng mưa tăng cao và lượng nước dồn về các hồ thủy điện nhiều hơn.

KBSV cho rằng kết quả kinh doanh của lĩnh vực thủy điện sẽ được cải thiện từ nay đến cuối năm 2024 nhờ lượng mưa dự kiến sẽ tăng cường bởi điều kiện thời tiết La Nina. Theo Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, lượng nước về các hồ thủy điện có khả năng tập trung vào cuối năm với cường độ lớn, ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ. Trong mùa 3 tháng 9-11/2024, tổng lượng mưa dự báo xấp xỉ bằng hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Với lượng nước tích trữ dồi dào, các doanh nghiệp thủy điện được ưu tiên huy động nhiều hơn khi đây là nguồn phát điện với chi phí rẻ.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ việc thay đổi thời tiết, bao gồm khô hạn hơn ở khu vực Nam Mỹ, mưa nhiều và lũ lụt thường xuyên hơn ở Ấn Độ, Đông Nam Á sẽ khiến cho sản lượng thu hoạch mùa màng bị ảnh hưởng, dẫn đến giá một số mặt hàng nông sản có thể tăng cao như lúa gạo, mía đường, cao su, thức ăn chăn nuôi.

Với lĩnh vực lúa gạo, về phía nguồn cung, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam đang là các nhà xuất khẩu lớn nhất trên thế giới, trong đó Ấn Độ chiếm khoảng 32% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu. Trong trường hợp hiện tượng La Nina xảy ra, lượng mưa được dự báo sẽ gia tăng ở các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á, ảnh hưởng tới vụ mùa từ nay đến giữa năm sau ở cả 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất. Bên cạnh đó, thời tiết cực đoan có thể tác động tiêu cực đến mùa màng ở Phillipines, Indonesia và Trung Quốc, khiến cho các quốc gia tăng cường nhập khẩu gạo dự trữ. Do vậy, giá gạo có thể chịu áp lực tăng do các yếu tố trên.

Với lĩnh vực mía đường, hiện tượng La Nina đang đem lại những tác động tiêu cực tới sản lượng thu hoạch đường ở Brazil – nhà sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất trên thế giới với thị phần toàn cầu hơn 40%, do Brazil được dự báo sẽ bước vào một trong những giai đoạn nghỉ giữa vụ dài nhất trong nhiều thập kỷ dưới ảnh hưởng của hạn hán lịch sử và cháy rừng lan rộng.

Mặc dù La Nina có thể đem lại lượng mưa tốt hơn ở các thị trường Thái Lan và Ấn độ, tần suất các cơn bão nhiệt đới thường xuyên hơn có thể đem tới rủi ro phá hủy vụ mùa tại đây. Vì vậy, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), giá đường có thể tăng từ 15-20% trong 2025.

Ở lĩnh vực cao su, giá cao su tiếp tục tăng và lập đỉnh mới trên các sàn giao dịch chủ chốt. Giá hợp đồng tương lai cao su tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka tiếp tục hướng lên mức 401.8 yen/kg, tăng 53.3% so với đầu năm. Sự chuyển pha từ El Nino sang La Nina làm gián đoạn mùa vụ ở các nước sản xuất mủ cao su tự nhiên hàng đầu như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ khiến cho thị trường tiếp tục lo ngại về một đợt gián đoạn nguồn cung nữa, kéo dài cho đến ít nhất 2025.

Mặc dù vậy, theo KBSV, việc tần suất mưa bão thường xuyên hơn có thể gây
gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các hộ nông dân. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao có thể gây sức ép đầu vào lên các doanh nghiệp kinh doanh heo hơi, thủy sản.