

Đặt vấn đề về làm chủ công nghệ, trong đó có công nghệ lõi, công nghệ chiến lược theo tinh thần từ Nghị quyết 57-NQ/TW với ông cũng có nguyên cớ, bởi định hướng phát triển của MK ngay từ đầu là “phải làm chủ công nghệ”. Vậy, con đường và cách thức làm chủ công nghệ của MK như thế nào?
Trước tiên, tôi phải hiểu ngành công nghiệp mà tôi tham gia và tôi cũng phải hiểu những người giỏi nhất trong ngành này. Tôi có những mối quan hệ để tiếp cận và có những chuyên gia rất xuất sắc. Riêng Smart Card cho căn cước, MK tuyển được một CEO người Đức, một năm sang Việt Nam khoảng 4 - 5 lần, mỗi lần chỉ vài tuần. Anh này có công ty chuyên làm hệ điều hành, sau đó chuyển giao cho nhiều nhà máy sản xuất tại nhiều quốc gia khác nhau để làm căn cước và hộ chiếu.
Thực tình, trước đó, tôi cũng đã nhìn được cơ hội một ngày Việt Nam cũng sẽ cần căn cước điện tử, nên đã khởi động trước 4-5 năm. Tôi cũng đã đi khắp thế giới để tìm những người giỏi.
Chúng tôi có đội ở Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Nam Phi, và Nhật Bản. MK tập hợp họ, kết hợp với đội nhóm của mình để phát triển công nghệ lõi như dưới sự chỉ đạo của vị CEO người Đức. Rất may tôi có quen một chuyên gia người Nam Phi gốc Anh, ông ấy gần như là một người thầy của tôi trong ngành công nghiệp này. Chúng tôi tình cờ gặp nhau ở Malaysia. Tất cả những dự án, kế hoạch của tôi, ông ấy đều biết và hỗ trợ tôi. Ông ấy rất hiểu về công nghệ, hiểu về luật và luôn sẵn sàng giúp mình. Ông ấy chính là một trong cá nhân xuất sắc mà trên thế giới rất hiếm. Bởi vậy, lý do để thành công của MK là có thể tận dụng, huy động nhân tài xuất chúng và có những mục tiêu rất rõ ràng.
Mình phải tìm tòi, phải thử và cũng phải thất bại. Tôi đã thất bại rất nhiều lần. Mình cần trải nghiệm, cần được đào tạo. Tôi nghĩ việc tôi học và đi nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc và làm việc với các đối tác toàn cầu và đặc biệt là kinh nghiệm “lăn lộn” hơn 25 năm với MK đã giúp tôi rất nhiều trong việc định hình chiến lược, tư duy để cho mình có cái nhìn khác với người khác.

Ngoài việc công ty dẫn đầu về công nghệ thẻ tại Việt Nam, MK và cá nhân Chủ tịch Nguyễn Trọng Khang còn được biết đến đang “dấn thân” vào công nghệ quốc phòng vốn có nhiều rủi ro và ràng buộc. Điều gì khiến ông có một “ngã rẽ” đầy táo bạo như vậy?
Thứ nhất, xuất phát từ lòng yêu nước vô cùng lớn của mình. Tôi luôn tự hỏi: Các nước khác làm được, mình có làm được không? Việt Nam trong thời gian chiến tranh rất dài, được Trung Quốc và Liên Xô, các nước bạn bè giúp đỡ, địa chính trị của Việt Nam cũng hạn chế việc tiếp cận với những công nghệ phương Tây. Mình cũng thử công nghệ của rất nhiều nước và thất bại cũng nhiều.
Có một câu nói rất hay, mà tôi tâm đắc, của một triết gia người Mỹ rằng muốn có hòa bình phải chuẩn bị cho chiến tranh. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, dẫn đến những xung đột thì mình phải có tiềm lực.
Thứ hai, nếu ai đam mê công nghệ sẽ nhìn ra được ngành công nghệ quốc phòng là một ngành vô cùng tiềm năng để phát triển công nghệ. Đây là một cơ hội kinh doanh nhưng vô cùng rủi ro vì đầu tư lớn, nhưng đổi lại, nó sẽ tạo ra vị thế rất tốt. Đây cũng có thể coi là một trụ cột để tăng trưởng phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định công nghiệp quốc phòng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Thứ ba, công nghệ quốc phòng góp phần nâng cao vị thế và uy tín quốc tế cho Việt Nam trong các hoạt động hợp tác quốc tế, mang lại thêm các cơ hội để khẳng định vai trò của mình trên toàn cầu. Mình không chỉ tăng khả năng tự chủ trong việc bảo vệ lãnh thổ mà còn thể hiện được tiềm năng đóng góp vào an ninh khu vực và thế giới.
Ví dụ, nếu các công ty trong ngành công nghiệp quốc phòng hợp tác với nhau, tôi cho rằng một năm Việt Nam có thể xuất khẩu 5-7 tỷ USD sản phẩm công nghệ quốc phòng trong 3 - 4 năm tới là hoàn toàn có thể. Vì trong 10 năm vừa rồi công nghệ quốc phòng Việt Nam rất phát triển. Nếu làm được, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế của đất nước. Gạo thì ở đâu cũng mua được, nhưng công nghệ quốc phòng thì không giống thế.

Cụ thể, tập đoàn MK đang có những bước đi như thế nào trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng để làm chủ công nghệ?
Tên lửa là cơ hội cho MK. Những công nghệ mà công ty khác có rồi thì MK không làm, chúng tôi luôn chọn đi con đường khác. Hiện tại, MK đã mua 3 công ty công nghệ. Một công ty về quang điện tử, phục vụ cho công nghệ nhìn đêm để nhắm, xác định mục tiêu để điều khiển tên lửa tấn công vào mục tiêu đó. Một công ty khác là cơ điện tử, giúp ổn định đầu ngắm để luôn bám theo mục tiêu. Công ty còn lại MK mua là chuyên về thiết kế tên lửa.
Công nghệ quốc phòng là sự tích lũy của nhiều năm kinh nghiệm, về lý thuyết thì ai cũng hiểu nhưng kinh nghiệm không phải ai cũng có. Nên trong ngành công nghệ quốc phòng tôi rất cần những kỹ sư hệ thống, những tổng công trình sư để làm những việc tổng quát. Rồi những kinh nghiệm tổ chức sản xuất như mua ở đâu, mua như thế nào để phù hợp với các quy định và luật quốc tế.
Nghị quyết 57 yêu cầu phải tự lực, tự cường, tự sản xuất công nghệ. Tôi tin rằng Việt Nam rất có năng lực về sản xuất.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Nam Phi cực kỳ phát triển. Thời kỳ Appathai, Nam Phi từng bị cấm vận, vì thế họ bắt buộc phải tự sản xuất và ngành công nghiệp quốc phòng của họ rất phát triển. Từ công nghệ lõi được chuyển giao, Nam Phi đã xây dựng và hình thành ngành công nghiệp quốc phòng của nhà nước, tư nhân và xuất khẩu. Thậm chí họ giỏi đến mức có thể sản xuất bom nguyên tử, nhưng quan trọng nhất, họ có con người.
Tuy nhiên, do nhiều lý do nên những chuyên gia đã rời Nam Phi sang làm việc ở các nước khác và họ cũng muốn được làm việc ở Việt Nam. Vì thế, chúng tôi lập tức mua công ty đó, biến công ty thành professional service company và chúng tôi tuyển rất nhiều cá nhân trước đây có kinh nghiệm làm trong các mảng khác nhau.
Mong ước của tôi là được phục vụ đất nước Việt Nam. MK rất mong muốn có những đóng góp tích cực và ghi dấu ấn trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Luật Công nghệ quốc phòng vừa ra đời là kịp thời. Chúng tôi có hai điều rất may mắn: một là, luật - hành lang pháp lý; hai là, Nghị quyết 57 đã cởi trói cho chúng tôi. Tất cả các sản phẩm của tôi gần như đã sẵn sàng để đưa vào sử dụng. Không quá 8 tháng để tôi thử nghiệm là tôi đã có thể cho ra một sản phẩm.
Nước ngoài đang chào giá hàng triệu USD để chuyển giao quả tên lửa của MK. Rõ ràng có thể thấy đây là một ngành cực kỳ có giá trị và nhiều cơ hội, nhưng phải dám hi sinh, dám làm thì mới theo đuổi được mục tiêu này. Công nghệ thay đổi hàng ngày, nên không chỉ là vấn đề chuyển giao công nghệ mà quan trọng là phải có con người.

Ông có thể chia sẻ MK đã đầu tư bao nhiêu tiền cho 3 công ty này?
Đầu tư bao nhiêu hay đắt rẻ không quan trọng bằng việc mình làm được cái gì. Có người đầu tư hàng vài trăm triệu USD vẫn thất bại. Chúng tôi có thể chia sẻ rằng mình đã đầu tư con số vài chục triệu USD, nhưng tôi còn phải tiếp tục đầu tư thêm. Có một thuận lợi là mình rất gần những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và cũng không gặp nhiều hạn chế.
Mình làm chủ được công nghệ, vũ khí thì mình sẽ thay đổi vị thế, đây là chiến lược của một quốc gia. Ban đầu, mọi người còn nghi ngại việc tôi đầu tư vào công nghệ quốc phòng, nhưng khi đến đây thì tin hơn và khi đi về thì rất hào hứng.
MK luôn có cách đi riêng. Khi làm camera, nếu tôi học hỏi phương Tây thì giá sẽ rất đắt, tôi sang Trung Quốc, giá thành của họ rất rẻ và doanh thu cực lớn. Tôi tự hỏi: Họ làm được mình có làm được không và nếu làm thì làm như thế nào? Lúc đó, một người bạn của tôi ở Boston (Mỹ) đang rất cần tiền nên họ chuyển giao cho tôi, tôi có công nghệ lõi của họ. Tôi kêu gọi thêm một vài đội nhóm có kinh nghiệm cùng làm chung. Đến bây giờ thì công ty ở Boston chỉ riêng trong lĩnh vực dịch vụ đã thu khoảng 18 - 20 triệu USD. Hay như tôi đã sang cả Arizona để vào Boeing Defence xem trực thăng của họ.
Tôi tin rằng công nghệ Việt Nam có thể xuất khẩu được ra nước ngoài. Vừa rồi triển lãm quốc phòng, chúng tôi cũng được đánh giá rất cao. Chắc chắn sẽ còn rất nhiều người lo ngại, nhưng đó không phải điều mà tôi quan tâm, quan trọng nhất là chúng tôi có thể khẳng định mình làm được.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam, không phân biệt Nhà nước hay tư nhân, chỉ cần thể hiện được năng lực cạnh tranh, chắc chắn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Vậy, các ông dự định khi nào thì sẽ thương mại hóa sản phẩm quốc phòng?
Hiện nay MK đang thương thảo một số bên. Dĩ nhiên khi làm tôi phải phối hợp với Bộ Quốc phòng, nhưng hiện chưa có cơ chế để tự sản xuất và thương mại, nhưng tôi tin MK sẽ có cơ hội tự sản xuất để kinh doanh. Liên quan đến lợi ích quốc gia, an ninh bảo mật quốc gia, chắc chắn phải là do người Việt Nam làm, đây cũng là động lực đầu tàu để cho rất nhiều ngành công nghiệp khác tự chủ phát triển.
Hầu hết các nước đều phụ thuộc vào tên lửa của G7. Các nước đang phát triển rất ít quốc gia có vũ khí, trừ Trung Quốc, Iran, còn nếu không sẽ phải mua. Lý do mấu chốt để Hàn Quốc thành công là chuyển giao công nghệ. Vì vậy, chúng tôi cũng cho rằng Việt Nam cần học hỏi công nghệ từ nước ngoài.
Nếu đi mua vũ khí, mình sẽ phải phụ thuộc vào giới hạn bên bán, nhưng nếu mình tự sản xuất, sức mạnh của nó bao nhiêu thì do mình tự kiểm soát. Việc làm chủ công nghệ lõi trong quốc phòng là bước đi mang tính chiến lược, sẽ mang lại vị thế và nguồn thu ngoại tệ rất lớn.
Có thể ví dụ tư nhân làm tên lửa và phóng vệ tinh như Starlink, SpaceX của Elon Musk. Muốn làm thì phải làm được động cơ tên lửa.
MK mong muốn được làm động cơ tên lửa và xúc tiến xin phép được làm nhà máy về động cơ tên lửa. Là doanh nghiệp Việt, nếu được Nhà nước đặt hàng “việc khó”, với hết khả năng của mình, MK muốn được tham gia đóng góp và có cơ hội để trưởng thành.

Trong Nghị quyết 57 có đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Ông có nghĩ MK sẽ thuộc trong số 5 doanh nghiệp này không?
Tôi không quan trọng MK sẽ đứng ở vị trí nào mà tôi quan tâm tới việc chúng tôi phải đóng góp được bao nhiêu cho đất nước. Còn trên thế giới, tôi muốn MK phải đứng trong top 10 công ty làm về hộ chiếu và căn cước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định nhiệm vụ của mình là “phải đưa các sản phẩm - giải pháp Việt Nam ra các thị trường quốc tế” và chúng tôi không ngừng nỗ lực và phấn đấu vì điều đó.
Theo tôi, để ngang tầm với các nước tiên tiến, thì chúng ta cũng phải có những giải pháp công nghệ mang tầm khu vực và quốc tế. Ví dụ như trong ASEAN Future Forum 2025 vào cuối tháng 2/2025, tôi đã trình bày sáng kiến về ASEAN OneID – đó là một nền tảng siêu kết nối dựa trên các công nghệ lõi về: Blockchain và định danh phân tán; xác thực sinh trắc học; AI và Phân tích dữ liệu; các chuẩn tương tác khu vực và chuẩn ICAO. Nhiều công nghệ trên đây do chúng tôi – một doanh nghiệp Việt Nam làm chủ.
Các lợi ích mà sáng kiến này mang lại vượt ra ngoài Việt Nam, nó dành cho gần 700 triệu người dân ASEAN trong các hoạt động di chuyển du lịch thông suốt; thực hiện các hoạt động thương mại điện tử; giao dịch kỹ thuật số và đăng ký kinh doanh hay tiếp cận các dịch vụ công xuyên biên giới; đồng thời, giúp thúc đấy bảo đảm an ninh và tăng cường chống gian lận giữa các quốc gia ASEAN.
Cùng với việc khối kinh tế tư nhân trong thời gian tới sẽ được gỡ nhiều rào cản và được đặt vào đúng vị trí của nó, lại thêm chúng ta quyết tâm làm theo tinh thần “chỉ bàn làm không bàn lùi”, tôi tin là Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến chứ không chỉ giới hạn ở con số 5.

VnEconomy 13/05/2025 10:33