16:59 14/08/2015

Lần đầu sau 70 năm, Ngoại trưởng Mỹ tới Cuba

Diệp Vũ

Một bước tiến nữa mang tính biểu tượng trong mối quan hệ dần tan băng giữa hai cựu thù

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.<br>
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.<br>
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay (14/8) sẽ tới thăm Cuba và dự lễ kéo quốc kỳ Mỹ tại đại sứ quán nước này ở thủ đô Havana. Đây được xem là một bước tiến nữa mang tính biểu tượng trong mối quan hệ dần tan băng giữa hai cựu thù thời chiến tranh lạnh.

Hãng tin Reuters cho biết, đây là lần đầu tiên quốc kỳ của Mỹ được kéo lên ở Havana sau 54 năm. Sự kiện quan trọng này diễn ra gần 4 tuần sau khi Mỹ và Cuba chính thức nối lại quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán của mỗi nước tại nước kia.

Lễ thượng cờ Cuba tại đại sứ quan nước này ở Washington đã diễn ra ở Mỹ vào hôm 20/7. Tuy vậy, lễ thượng cờ Mỹ tại đại sứ quán Mỹ ở Havana không diễn ra trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Kerry.

Chuyến thăm này của ông Kerry đánh dấu lần đầu tiên một ngoại trưởng Mỹ tới thăm Cuba trong 70 năm qua. Cùng đi với ông Kerry trong chuyến thăm là các trợ lý, nghị sỹ Quốc hội Mỹ và 3 lính thủy đánh bộ Mỹ.

Ba binh sỹ này chính là những người đã hạ quốc kỳ khỏi nóc đại sứ quán Mỹ tại Cuba vào tháng 1/1961 - thời điểm hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao sau khi cuộc cách mạng ở Cuba năm 1959 đưa lãnh tụ Fidel Castro lên nắm quyền.

Tòa nhà 7 tầng bên bờ biển nơi từng đặt sứ quán Mỹ tại Havana cũng như tòa nhà sứ quán Mỹ ở Washington đã đóng cửa suốt trong thời gian từ 1961-1977. Sau đó, hai tòa nhà này được mở cửa trở lại với vai trò là khu lợi ích của Mỹ ở Havana và khu lợi ích của Cuba tại Washington.

Quan hệ giữa Mỹ và Cuba bắt đầu ấm lên vào tháng 12 năm ngoái, khi Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao, mở lại đại sứ quán và tiến tới bình thương hóa quan hệ.

Từ đó, ông Obama đã sử dụng thẩm quyền của mình để nới lỏng một số hạn chế đi lại và thương mại của Mỹ đối với Cuba. Tuy vậy, Quốc hội Mỹ nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa đã phản đối lời kêu gọi của Tổng thống về dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế của nước này đối với Havana.

Chính quyền Tổng thống Obama nói rằng, chính sách cô lập Cuba bấy lâu của Mỹ đã không đem lại hiệu quả. Trước khi lên đường thăm Cuba, Ngoại trưởng Kerry nói, ông mong muốn được chứng kiến một sự dịch chuyển bắt đầu diễn ra ở nước này.

“Nhiều người sẽ đi du lịch hơn. Sẽ có nhiều sự trao đổi hơn. Nhiều gia đình sẽ được đoàn tụ. Và hy vọng là Chính phủ Cuba sẽ đưa ra quyết định để những thay đổi này được bắt đầu diễn ra”, ông Kerry nói.

Việc Mỹ và Cuba nối lại quan hệ ngoại giao đồng nghĩa với việc các nhà ngoại giao Mỹ có thể đi lại tự do hơn và đại sứ quán Mỹ tăng số nhân viên tại Cuba. Ngoài ra, Cuba cũng giảm số nhân viên an ninh được giao nhiệm vụ theo dõi người Cuba ra vào đại sứ quán Mỹ.

Tuy vậy, việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước là một nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều.

Cuba muốn Mỹ chấm dứt cấm vận kinh tế, trả lại căn cứ hải quân ở vịnh Guantanamo phía Đông Cuba, và dừng các chương trình phát thanh và truyền hình chỉ trích Cuba. Về phần mình, Washington gây sức ép cho Havana trong các vấn đề nhân quyền, người tị nạn, và tài sản của người Mỹ bị Cuba quốc hữu hóa trước đây.