18:55 10/09/2022

Lần đầu tiên Việt Nam có Câu lạc bộ doanh nghiệp công nghệ thông tin nghìn tỷ

Nhĩ Anh

Câu lạc bộ nghìn tỷ sẽ hướng tới đồng hành cùng Chính phủ giải các bài toán lớn cho quốc gia; Định hướng, dẫn dắt sự phát triển của ngành và hỗ trợ dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ số cùng phát triển...

Vinh danh Top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2022
Vinh danh Top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2022

Ngày 10/9, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức công bố và vinh danh Top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2022 ở 18 lĩnh vực.

Theo thống kê, tổng doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp được vinh danh Top 10 năm nay đạt 162.333 tỉ đồng, tương đương 7 tỷ USD, chiếm 51% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, với tổng số nhân sự 175.601 người.

Đặc biệt, lần đầu tiên, Ban tổ chức Top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2022, đã quyết định thành lập, lựa chọn và trao chứng nhận Doanh nghiệp công nghệ thông tin nghìn tỷ cho những doanh nghiệp lớn có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Theo đó, 15 doanh nghiệp công nghệ số năm 2022 đã được lựa chọn và vinh danh bao gồm: FPT, FPT IS, FPT Software, FPT Telecom, Công ty CP viễn thông- tin học Bưu điện; Mk Smart; MobiFone; NashTech Việt Nam; Tập đoàn One Mount; Tổng công ty dịch vụ số Viettel; Viettel IDC; Viettel Media; VNPT Technology; Viettel Post; Viettel Solutions.

Hoạt động của câu lạc bộ nghìn tỷ sẽ hướng tới đồng hành cùng Chính phủ giải các bài toán lớn cho quốc gia; Định hướng, dẫn dắt sự phát triển của ngành và hỗ trợ dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ số cùng phát triển; đầu tư, thúc đẩy startup công nghệ trong các lĩnh vực.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, tiến trình chuyển đổi số Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc từ cơ quan, đến doanh nghiệp, người dân, tạo đà cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số đang gánh vác trên vai sứ mệnh, lĩnh ấn tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia cũng đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành đối tác chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

 
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng
Thể chế và công nghệ được coi là động lực, là 2 động cơ của cỗ máy chuyển đổi này. Tinh thần doanh nhân công nghệ số lan tỏa trong toàn dân là động lực thúc đẩy sự tham gia của toàn dân vào công cuộc chuyển đổi số.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển đột phá của công nghệ số, tinh thần thời đại là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số lại một lần nữa gọi tên các doanh nghiệp và doanh nhân công nghệ số Việt Nam.

Việt Nam có 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học, gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 9 triệu hộ nông dân và 26 triệu hộ gia đình. Tất cả đều đang đứng trước cuộc chuyển dịch lên môi trường số.

Khẳng định quan điểm công cuộc chuyển đổi số là của toàn dân, ông Dũng cho rằng điểm khác biệt của công nghệ số nằm ở chỗ kết nối mọi người, mọi vật để cùng nhau sáng tạo, cùng nhau giải quyết bài toán. Công cuộc này chỉ mang lại giá trị đột phá nếu chúng ta huy động được sự tham gia của toàn dân. Thể chế và công nghệ được coi là hai động cơ của cỗ máy chuyển đổi số.

Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi. Các bệnh viện lớn cũng đồng thời là doanh nghiệp công nghệ số về y tế, các trường đại học lớn cũng đồng thời là doanh nghiệp công nghệ số về giáo dục.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, chủ động tham gia giải quyết vấn đề trong các lĩnh vực như Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục, Giao thông, Năng lượng hay Du lịch.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số hãy bắt tay vào giải quyết các bài toán của Việt Nam bằng công nghệ số, bằng các mô hình vận hành đột phá, rồi từ Việt Nam đi ra thế giới…

Tinh thần doanh nhân công nghệ số lan tỏa trong toàn dân là động lực thúc đẩy sự tham gia của toàn dân vào công cuộc chuyển đổi số. “Để toàn dân tham gia một cách nhanh chóng, thì công nghệ số sẽ phải giống như điện, giống như nước, nghĩa là công nghệ số phải được cung cấp như là một dịch vụ, càng nhiều người sử dụng thì giá trị càng cao, chi phí càng thấp. Các nền tảng công nghệ số là chìa khóa giải quyết vấn đề này”, ông Dũng nói.

Chìa khóa của công cuộc chuyển đổi số là các nền tảng số. Chính phủ hành động bằng cách xác định đúng bài toán hiện nay của Việt Nam, bằng cách đưa ra danh mục các nền tảng công nghệ số quốc gia cần ưu tiên triển khai. Ông Dũng cho biết, hiện có hơn 50 bài toán đã được công bố.