Lập “đỉnh” lịch sử, xăng RON95-III áp sát mốc 30.000 đồng/lít
Xăng E5RON92 tăng 1.491 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 1.554 đồng/lít. Tương tự, các loại dầu cũng có mức tăng từ 1.120 đồng/lít - 1.340 đồng/lít, riêng dầu mazut 180CST 3.5S ổn định so với giá bán hiện hành…
Chiều 11/5/2022, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu.
Trong kỳ điều chỉnh này, Liên Bộ quyết định thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với các mặt hàng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và RON95 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước là 400 đồng/lít), dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, dầu hỏa ngừng trích lập (kỳ trước là 119 đồng/lít) và dầu mazut tiếp tục không trích lập.
Đồng thời, thực hiện chi Quỹ BOG đối với dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu mazut ở mức 33 đồng/kg (kỳ trước không chi), các mặt hàng xăng dầu khác không chi.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92: không cao hơn 28.959 đồng/lít (tăng 1.491 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.029 đồng/lít.
Xăng RON95-III: không cao hơn 29.988 đồng/lít (tăng 1.554 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 26.650 đồng/lít (tăng 1.120 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu hỏa: không cao hơn 25.168 đồng/lít (tăng 1.340 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 21.560 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).
Về nguyên nhân tăng giá xăng dầu, Liên Bộ cho biết thị trường xăng dầu thế giới tuần qua có nhiều biến động lớn. Việc EU đưa ra đề xuất cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga và OPEC+ không tăng sản lượng so với kế hoạch như đề xuất của EU đã gây lo ngại về nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Bên cạnh đó, nhu cầu dầu thô tăng sau khi Mỹ công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Các yếu tố trên đã đẩy giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm tăng cao so với tuần trước.
Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/5/2022 và kỳ điều hành ngày 04/5/2022 là: 136,968 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 10,484 USD/thùng, tương đương tăng 8,29% so với kỳ trước); 141,098 USD/thùng xăng RON95 (tăng 10,761 USD/thùng, tương đương tăng 8,26% so với kỳ trước).
Tương tự, dầu hỏa đã ở mức 147,690 USD/thùng (tăng 11,316 USD/thùng, tương đương tăng 8,30% so với kỳ trước); dầu diesel là 150,136 USD/thùng (tăng 7,160 USD/thùng, tương đương tăng 5,01% so với kỳ trước); dầu mazut 180CST 3,5S ở mức 701,864 USD/tấn (tăng 1,665 USD/tấn, tương đương tăng 0,24% so với kỳ trước).
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 100-1.500 đồng/lít.
Kỳ điều hành lần này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục sử dụng công cụ Quỹ BOG linh hoạt, hợp lý nhằm vừa hạn chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước vừa bảo đảm duy trì Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong giai đoạn tới trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo đó, Liên Bộ quyết định giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với xăng RON95, xăng E5RON92 và dầu hỏa, đồng thời thực hiện chi Quỹ BOG đối với dầu hỏa và dầu mazut để giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ
Cùng với đó, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước; duy trì Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.