Việt Nam đang theo đuổi định hướng phát triển kinh tế xanh - kinh tế số, LEGO cũng là tập đoàn đang kiên trì với chiến lược phát triển bền vững, phát triển xanh. Ông cảm nhận thế nào về “điểm chạm” này giữa Việt Nam và LEGO?
Hơn một năm rưỡi ở Việt Nam, tôi thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong những năm gần đây với một số cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam. Tôi cho rằng đây là những tiến bộ rất đáng ghi nhận. Những cam kết này đang được triển khai và chúng tôi thực sự là một phần trong đó, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển bền vững và môi trường, cũng như trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Đã có rất nhiều cam kết và đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào nguồn lao động. Tôi cho rằng định hướng phát triển xanh, đặc biệt là phát triển số của Việt Nam đang phát triển rất tích cực. Chiến lược xanh thực sự quan trọng đối với LEGO trong nhiều năm trở lại đây.
Vào năm 2019, chúng tôi đã ký sáng kiến Mục tiêu dựa trên khoa học (Science Based Targets Initiative SBTi), với cam kết sẽ giảm lượng khí thải carbon so với mức của năm 2019. Vì vậy, vấn đề này không phải mới mẻ đối với Tập đoàn LEGO khi chúng tôi đã, đang hết sức tập trung vào lĩnh vực thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Theo ông, phải chăng xuất phát từ “điểm chạm” trên nên Tập đoàn LEGO đã quyết định xây dựng nhà máy thứ 6 của LEGO tại Việt Nam?
Đó là một phần lý do rất quan trọng. Thực tế, LEGO đã khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định xây dựng nhà máy mới ở nhiều nước trong khu vực. Lý do LEGO chọn Việt Nam bởi Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu không phát thải carbon ròng vào năm 2050. Chúng tôi đánh giá rất cao cam kết mục tiêu trên của Chính phủ Việt Nam tại COP26 và điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của LEGO, đồng thời cũng được phản ánh trong tất cả các khía cạnh cũng như trong điều hành hoạt động của LEGO.
Có thể nói quyết định lớn nhất của chúng tôi là xây dựng nhà máy mới nhất tại Việt Nam, nhà máy thứ sáu của LEGO trên thế giới và sẽ là nhà máy trung hòa carbon ngay từ đầu khi mở cửa vào năm 2024. Tất nhiên, tất cả các nhà máy đang hoạt động của LEGO cũng sẽ trở thành nhà máy trung hòa carbon trong tương lai, bởi vì đó là chiến lược và quyết định mà LEGO đã đưa ra.
Tuy nhiên, để xây dựng một nhà máy trung hòa carbon, đặc biệt ở Việt Nam, tôi nghĩ cần niềm đam mê và tinh thần kinh doanh vì nó không hề dễ dàng. Tôi nhớ không nhầm thì LEGO là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam cam kết xây dựng nhà máy trung hòa carbon (ngay từ khi hoạt động) cho mục tiêu phát triển bền vững.
Cũng với chiến lược xanh, chúng tôi muốn việc xây nhà máy mới có tác động tối thiểu đến môi trường. Hiện LEGO đang thực hiện chiến dịch trồng cây là một phần của mục tiêu trên. Chúng tôi đang trồng 7 loại cây khác nhau có nguồn gốc Việt Nam tại nhiều địa điểm gần nhà máy. Tổng cộng 15.000 cây xanh đã được trồng và LEGO sẽ trồng thêm 35.000 cây xanh trong năm 2023, 2024 với sự hỗ trợ của liên doanh VSIP. LEGO cũng muốn cải thiện chất lượng cuộc sống ở các khu đô thị gần nhà máy và thúc đẩy phát triển đa dạng sinh học trong dài hạn.
Ngoài yếu tố chiến lược xanh như ông đã phân tích, chắc chắn Việt Nam cũng sẽ là thị trường thiết yếu, tiềm năng và có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển tại khu vực của LEGO?
Đúng. Mặc dù Việt Nam vẫn là thị trường nhỏ nhưng lại là thị trường đầy tiềm năng đối với các sản phẩm LEGO, khi dân số đạt 100 triệu dân và có tới 25% dưới 15 tuổi. Mặc dù vậy, các sản phẩm sản xuất tại nhà máy LEGO Việt Nam sẽ chỉ cung cấp một tỷ trọng nhỏ cho trị trường nội địa. Phần lớn sản phẩm sẽ cung cấp cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Công việc để triển khai nhà máy trung hòa carbon của LEGO (tức phát thải bằng 0) là LEGO sẽ tự xây dựng nhà máy cung cấp năng lượng điện sạch (năng lượng mặt trời) cho nhà máy LEGO. Cụ thể, hoạt động này đang được triển khai như thế nào, thưa ông?
Theo kế hoạch, Tập đoàn LEGO sẽ sử dụng toàn bộ nguồn điện từ trang trại năng lượng mặt trời, với công suất 50WMp, ngay cạnh nhà máy sản xuất các sản phẩm LEGO. Tập đoàn LEGO và Công ty VSIP sẽ cùng nhau đồng hành trong hoạt động xây dựng, vận hành và khai thác trang trại năng lượng mặt trời, qua đó giúp Tập đoàn LEGO đạt mục tiêu về trung hòa carbon với nhà máy tại Việt Nam như cam kết.
Hiện, việc xây dựng trang trại năng lượng mặt trời nhận được sử ủng hộ từ phía Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Bình Dương. Tập đoàn LEGO đang tích cực làm việc với các bên liên quan để tìm giải pháp tối ưu nhất cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Việt Nam hiện có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang triển khai và cung cấp năng lượng sạch như năng lượng gió, điện mặt trời… Vì sao LEGO không mua điện từ các nhà máy, doanh nghiệp của Việt Nam mà lại tự triển khai, tự cung cấp?
Việt Nam là một trong những nước có dải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm, đây là một trong những yếu tố quyết định kế hoạch đầu tư của LEGO tại Việt Nam. Tập đoàn LEGO quyết định tự triển khai xây dựng là để chủ động, đảm bảo khi nhà máy xây dựng xong và đi vào sản xuất trong năm 2024 thì toàn bộ nguồn điện phục vụ sản xuất các sản phẩm LEGO sẽ là nguồn điện sạch.
Trong quá trình triển khai, xây dựng nhà máy cho mục tiêu và cam kết trung hòa carbon, LEGO có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Cũng có một số thách thức và khó khăn không nhỏ, cụ thể là phần lớn năng lượng từ các tấm pin mặt trời trên mái nhà của nhà máy và vùng lân cận. Vì vậy, làm thế nào để chúng tôi có thể kết nối nguồn năng lượng này vào lưới điện và nhà máy của LEGO ? Làm thế nào để chúng tôi được phép làm điều đó? Để thực hiện thì cần phải có rất nhiều loại giấy phép. Chúng tôi đã thảo luận với chính quyền địa phương để tìm giải pháp cho vấn đề này, nhưng thật sự nhiệm vụ này là bất khả thi nếu không có một số giải pháp sáng tạo.
Ông có thể nói cụ thể hơn về giải pháp sáng tạo để nguồn năng lượng sạch được đấu nối vào nhà máy LEGO?
Tôi nghĩ điều quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã và đang làm là tiếp tục tập trung tìm các giải pháp để giúp các nhà đầu tư tự tạo ra năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng để trở nên trung hòa carbon. Ngoài ra, theo tôi, cũng cần suy nghĩ tìm kiếm các giải pháp lâu dài cho phép và thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư địa phương phát triển theo hướng trung hòa carbon.
Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều hỗ trợ của tỉnh Bình Dương. Từ góc độ của LEGO, tôi thấy so với các mô hình kinh doanh ở Indonesia hay một số quốc gia khác, chúng tôi không thể đợi 3-5 năm hay thậm chí 10 năm, mà chúng tôi muốn xây dựng nhà máy ngay lập tức và đã sẵn sàng đầu tư. Còn đầu tư mà không đạt tỷ suất thu hồi vốn, đầu tư mà không sinh lời thì rất khó.
Bởi vậy, chúng tôi muốn được “bật đèn xanh” và có thể áp dụng ý tưởng mới của mình, cụ thể là vấn đề về năng lượng sạch và LEGO muốn sản xuất mà không phát thải carbon. Tôi cũng kiến nghị Chính phủ hãy tiếp tục giúp LEGO có được nhà máy phát thải bằng 0 vào năm 2024.
VnEconomy 12/04/2023 10:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2023 phát hành ngày 10-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam