Loạt doanh nghiệp xi măng sắp bị thanh tra về môi trường
Cơ quan thanh tra sẽ làm rõ việc chấp hành pháp luật về môi trường tại các doanh nghiệp xi măng lớn như Hoàng Thạch, Xuân Thành, Bút Sơn, Hoàng Long, Thành Thắng, Vissai...
Theo kế hoạch thanh tra năm 2023 của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ nay tới cuối năm 2023 sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện đề tài, đề án, dự án có nguồn kinh phí đầu tư lớn và việc thực hiện đề tài, đề án, dự án chưa được quyết toán hoàn thành (tính đến năm 2021); thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại một số đơn vị.
Đặc biệt, cơ quan thanh tra sẽ làm rõ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại một số cơ sở có lưu lượng khí thải, bụi lớn và cơ sở y tế tại TP.HCM, Hải Dương, Hà Nam và Bình Dương.
Tại tỉnh Hải Dương sẽ thanh tra tại Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch (huyện Kinh Môn); Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương (huyện Kinh Môn), Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại (thành phố Chí Linh), Công ty Cổ Phần Thép Hòa Phát (huyện Kinh Môn).
Tại tỉnh Hà Nam thanh tra đối với Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành (huyện Thanh Liêm), Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (huyện Kim Bảng), Công ty Cổ phần Xi măng Hoàng Long (huyện Thanh Liêm), Công ty Cổ phần Xi măng Thành Thắng Group (huyện Thanh Liêm), Công ty Cổ phần Vissai Hà Nam (huyện Thanh Liêm).
Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, năm 2022, các doanh nghiệp xi măng cực kỳ khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao, xuất khẩu cũng sụt giảm nghiêm trọng. Giá than nhập khẩu tăng mạnh khiến sản xuất không hiệu quả.
Dự báo thị trường xi măng Việt Nam năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn do nhu cầu phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt, mức tiêu thụ xuống thấp khi thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng khiến thị trường xi măng tiếp tục mất cân đối, nguồn cung vượt cao so với nhu cầu...
Những tháng vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp xi măng báo lỗ lớn bởi thị trường chưa có tín hiệu phục hồi.
Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (mã chứng khoán BTS) cũng báo cáo doanh thu quý đầu năm nay còn 652,8 tỉ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí lãi vay trong kỳ tăng lên gần gấp đôi và kết quả công ty bị thua lỗ hơn 15 tỉ đồng trong khi quý 1/2022 có lãi gần 18 tỉ đồng.
Doanh nghiệp này giải thích thị trường tiếp tục chứng kiến dư cung xi măng ở mức cao. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu đối diện hàng loạt yếu tố không thuận lợi khiến sản lượng tiêu thụ của công ty sụt giảm mạnh.
Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Mã Ck: BCC) ghi nhận, doanh thu thuần đạt 847 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng giảm 335 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế quý I giảm 156% (tương ứng 136 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế âm 48,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 68,6 tỷ đồng.
Hiện cả nước có trên 103 dây chuyền sản xuất xi măng, 63 nhà máy tổng công suất trên 107 triệu tấn/năm. Con số này còn tiếp tục tăng khi nhiều dự án đang được đầu tư và dự kiến hoàn thành trong thời gian tới, nâng tổng công suất thiết kế toàn ngành lên 123 triệu tấn/năm.
Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), dự kiến nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành trong năm 2023 khoảng 100-105 triệu tấn (dự kiến tăng 7-10% so với năm 2022). Trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 60-65 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 35-40 triệu tấn.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai các giải pháp cụ thể để bình ổn thị trường xi măng, tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát huy đạt và vượt công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
Đẩy mạnh việc tận dụng phế thải công nghiệp làm nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất xi măng; kết hợp nghiên cứu phát triển các loại xi măng bền sulfat phục vụ xây dựng dự án, công trình ven biển, hải đảo.
Bộ Xây dựng khuyến cáo các doanh nghiệp cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để giữ giá bán ổn định. Đặc biệt phải có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhà nước sẽ có chính sách phù hợp để điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu (như điện, than, xăng, dầu) là đầu vào của ngành sản xuất xi măng.