Margin giảm mạnh, nhà đầu tư cá nhân để 70.000 tỷ tiền mặt trong tài khoản chờ thời giải ngân
Số dư tiền gửi của nhà đầu tư giảm 17% trong Q2/2022 so với quý liền kề trước đó, nhưng lượng tiền chờ mua còn khá lớn với khoảng 70.000 tỷ đồng.
Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính Q2/2022 của hơn 30 công ty chứng khoán có thế mạnh về hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (cho vay margin) cho thấy, dư nợ margin giảm mạnh ở hầu hết các công ty chứng khoán.
Cụ thể, dư nợ margin toàn thị trường giảm về mức 138 nghìn tỷ tại thời điểm cuối quý 2, giảm khoảng 43 nghìn tỷ tương đương -24% so với cuối quý 1 trước đó và tăng nhẹ (+3,5%) so với cùng kỳ.
Sự sụt giảm này chủ yếu do nhu cầu sử dụng và sức mua margin của nhà đầu tư giảm khi giá cổ phiếu đi xuống khi chỉ số VN-Index đã giảm 22% kể từ đỉnh lịch sử 1.528,6 (được thiết lập vào ngày 6/1/2022).
Mặc dù quy mô dư nợ margin giảm mạnh, tỷ lệ đòn bẩy trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì ở mức tương đối cao so với các giai đoạn trước đây. Tỷ lệ đòn bẩy là hệ số giữa Dư nợ margin và Tổng giá trị vốn hóa tính theo free-float của các cổ phiếu niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX.
Tỷ lệ đòn bẩy giảm về mức 6,2% tính đến cuối quý 2/2022 từ mức đỉnh 6,8% cuối quý 1 trước đó, đây cũng là quý mà dư nợ margin đạt đỉnh. So với mức 5,7% tại thời điểm cuối quý 1/2021 khi VN-Index cùng ở vùng điểm như hiện tại, tỷ lệ này vẫn khá cao. Điều này cho thấy rủi ro liên quan đến margin vẫn hiện hữu trong bối cảnh thị trường chưa thoát khỏi trạng thái của “bear market” (thị trường con gấu).
Trong khi đó, số dư tiền gửi của nhà đầu tư giảm 17% trong Q2/2022 so với quý liền kề trước đó, nhưng lượng tiền chờ mua còn khá lớn.
Tính đến cuối quý 2/2022, số dư tiền gửi của nhà đầu tư trên tài khoản ở các công ty chứng khoán (không bao gồm số dư tiền của nhà đầu tư nước ngoài) giảm mạnh (-14,4 nghìn tỷ đồng, tương đương -17%) so với cuối quý 1 chủ yếu do nhà đầu tư rút tiền ra. Đây cũng là quý có số dư tiền gửi của nhà đầu tư giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020.
Cùng xu hướng số dư tiền gửi của nhà đầu tư cá nhân giảm mạnh thì trong Quý 2/2022 nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng mạnh. Giá trị bán ròng khoảng 7,2 nghìn tỷ đồng trên HOSE trong quý này, đây cũng là mức bán ròng mạnh nhất cho 1 quý kể từ khi COVID khởi phát (đầu năm 2020). Điều này cho thấy dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường tương đối mạnh trong quý 2 vừa qua khi VN-Index có những đợt điều chỉnh mạnh!
Điểm tích cực đó là số dư tiền gửi của nhà đầu tư hiện vẫn ở mức cao khoảng 70 nghìn tỷ đồng so với giai đoạn trước Covid hay thậm chí so với thời điểm cuối quý 1/2021 khi VN-Index cũng ở vùng 1.200 điểm như hiện nay. Lượng tiền này nằm sẵn trên tài khoản và có thể đang chờ đợi cơ hội hấp dẫn để tham gia vào thị trường khi “mây tan”.
Thanh khoản trong nửa đầu tháng 7 tiếp tục giảm so với tháng 6 do lực cầu yếu và tâm lý thận trọng từ nhà đầu tư cá nhân. Giá trị giao dịch trung bình phiên (chỉ tính khớp lệnh) trên HOSE trong nửa đầu tháng 7 giảm -22% so với tháng 6 và -60,1% so với bình quân giai đoạn thanh khoản sôi động trước đó (tính từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022).
Một lưu ý nữa đó là sau khi bán ròng kỷ lục trong quý 2, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng gần 1,3 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu tháng 7, tuy nhiên tập trung chủ yếu các cổ phiếu là VHM, VIC, MWG, HPG, DCM trước áp lực bán ra của khối ngoại. Nếu không tính đến nhóm cổ phiểu này, nhà đầu tư cá nhân vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng (gần 1.000 tỷ) trong nửa đầu tháng 7/2022.