Cho vay margin vẫn “căng” kỷ lục 201.176 tỷ đồng đến cuối quý 1/2022
Tính đến thời điểm cuối quý 1/2022, một số công ty đã tiệm cận tỷ lệ margin bằng 200% so với vốn chủ sở hữu được quy định tại Quyết định số 87 hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
Áp lực bán giải chấp trên diện rộng những ngày qua cùng với việc cơ quan quản lý thanh lọc thị trường dù là tín hiệu tốt song ít nhiều gây bất ổn tâm lý nhà đầu tư khiến Vn-Index bay gần 200 điểm trong vòng hơn 10 phiên. Chỉ số có phiên lùi về ngưỡng sâu 1.380 điểm với hàng trăm mã đỏ rực.
Theo Tổng giám đốc Chứng khoán MSB Trần Hải Hà, công ty chứng khoán này có thời điểm full margin nhưng thời điểm này nhà đầu tư đã bán bớt, dư nợ cho vay margin giảm đâu đó khoảng 500 tỷ đồng.
Tại MBS, hay các công ty chứng khoán hàng đầu, trước biến động của thị trường bao giờ cũng có dự báo trước, xây dựng kịch bản về hành động, đi kèm điều hành kinh doanh, nguồn vốn, margin làm sao bảo quản được tài sản công ty, khách hàng, cổ đông. Hiện, chất lượng cho vay công ty chứng khoán hàng đầu đang rất tốt, ví dụ hệ số car tại một số công ty chứng khoán hàng đầu thường trên 50%.
Thống kê mới nhất cho thấy, dư nợ cho vay bao gồm cho vay margin và ứng trước tại các công ty chứng khoán vẫn tiếp tục lập kỷ lục với hơn 201.176 tỷ đồng tại ngày 31/3. Tuy nhiên, tốc độ tăng margin đã có xu hướng giảm, chỉ còn 3% (6.080 tỷ đồng), chậm hơn đáng kể so với mức tăng của quý trước luôn ở mức hai chữ số, riêng quý 4/2021 tăng 27%. Tổng lượng cho vay của 10 đơn vị dẫn đầu chiếm khoảng 63,7% toàn nhóm công ty chứng khoán, thấp hơn so với mức 65% của quý 4/2021.
Trong khi đó, một số công ty đã tiệm cận tỷ lệ margin bằng 200% so với vốn chủ sở hữu được quy định tại Quyết định số 87 hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
Đơn cử với Mirae Asset, dư nợ cho vay với 18.482 tỷ đồng, tăng 7% so với quý trước, bằng 185% vốn chủ sở hữu và nếu tính cả phần ứng trước, tỷ lệ này đạt đến 210%. Tỷ lệ này ở VnDirect là 168%; ở MBS là 209%.
Dư nợ cho vay margin của Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) vẫn cao nhất nhóm công ty chứng khoán và đạt 21.203 tỷ đồng, tuy giảm 10,5% so với quý IV/2021 nhưng tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán này ở mức gần 137%. Dự nợ cho vay của SSI lớn hơn công ty thứ 2 là 2.720 tỷ đồng.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1, doanh thu hợp nhất của SSI đạt 2.068 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 883 tỷ đồng, tăng lần lượt 36,2% và 66,6% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ dịch vụ cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán ghi nhận 566,4 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. SSI cũng vừa hoàn tất giải ngân hợp đồng vay vốn tín chấp từ nhóm các định chế tài chính nước ngoài trị giá 148 triệu USD.
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam vẫn giữ được vị trí thứ 2 về dư nợ cho vay với 18.482 tỷ đồng, tăng 7% so với quý trước.
Dư nợ cho vay của Chứng khoán VNDirect (VND) vượt TCBS để đứng ở vị trí thứ 3 với 17.123 tỷ đồng tăng 11% so với cuối năm ngoái, trong khi của Chứng khoán TP HCM ở vị trí thứ 5.