Mở rộng hợp tác, thúc đẩy trao đổi sinh viên, du học sinh
Hiện Bộ Giáo dục Đào tạo đang quản lý trực tiếp gần 5.000/200.000 học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Du học sinh được cử đi học theo các đề án, chương trình học bổng hiệp định tại các ngành khoa học, khoa học kỹ thuật, công nghệ được ưu tiên như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, y – dược, nghệ thuật…
“Đẩy mạnh hội nhập quốc tế” là một trong những nhiệm vụ mà Bộ Chính trị yêu cầu khi tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
MỞ RỘNG HỢP TÁC SONG PHƯƠNG, ĐA PHƯƠNG
Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo tiếp tục được tăng cường, góp phần thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo.
Tổng kết năm học 2023 - 2024, cả nước có 126 cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tư thục có vốn đầu tư của nước ngoài (chiếm khoảng 3,25%) với hơn 33.000 học sinh (trong đó có khoảng 17.850 học sinh là người nước ngoài).
Số lượng cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông tư thục 100% vốn đầu tư của Việt Nam có hợp tác đầu tư với nước ngoài các cấp là 166 cơ sở (chiếm 4,3%) với hơn 50.000 học sinh đang học các chương trình giáo dục tích hợp (trong đó có trên 700 học sinh là người nước ngoài).
Bên cạnh đó, hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã mở rộng với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và nhiều tổ chức quốc tế có uy tín.
Theo Bộ Giáo dục Đào tạo, năm học 2023 - 2024, Bộ đã chủ trì đàm phán, thực hiện ký kết hoặc trình cấp thẩm quyền ký kết 16 văn bản hợp tác về giáo dục với các nước, trong đó có 08 điều ước quốc tế cấp Chính phủ và 08 thỏa thuận quốc tế.
“Các điều ước, thỏa thuận quốc tế là căn cứ và là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và các địa phương. Ngoài ra, Việt Nam cũng thực hiện các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEF… Nhiều dự án hợp tác quốc tế về giáo dục, nhất là cho giáo dục mầm non, giáo dục dân tộc đã được triển khai. Các dự án này đã đem lại hiệu quả thiết thực cho Việt Nam, đặc biệt là sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục chất lượng, giáo dục hòa nhập, xây dựng xã hội học tập...”, báo cáo nêu rõ.
Về phía các cơ sở giáo dục đại học, nhiều trường đã ký kết bản hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài nhân các sự kiện của Lãnh đạo cấp cao và Lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo đi công tác nước ngoài (Hungary, Rumani, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Úc, New Zealand, LB Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Angola) để thúc đẩy hợp tác về nghiên cứu, đào tạo, trao đổi thông tin, học thuật, trao đổi cán bộ, giảng viên, sinh viên, xây dựng và phát triển các chương trình.
TĂNG CƯỜNG TRAO ĐỔI SINH VIÊN, DU HỌC SINH
Báo cáo cũng cho thấy, năm học 2023 - 2024, Bộ Giáo dục Đào tạo đã cử khoảng 900 người đi học đại học, sau đại học, thực tập ở nước ngoài theo các chương trình học bổng Hiệp định (09 nước); 130 giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài (21 nước) theo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030”154 và đồng thời tiếp nhận 764 người tốt nghiệp (Đề án 911, Hiệp định) về nước công tác, số ít chuyển tiếp đi học trình độ cao hơn.
“Hiện tại, Bộ Giáo dục Đào tạo đang quản lý trực tiếp gần 5.000 trên tổng số khoảng 200.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Du học sinh được cử đi học theo các đề án, chương trình học bổng hiệp định tại các ngành khoa học, khoa học kỹ thuật, công nghệ được ưu tiên như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, y - dược, nghệ thuật và nhiều ngành mà Việt Nam có nhu cầu đào tạo”, báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục Đào tạo tiếp nhận 1.087 lưu học sinh nước ngoài vào học đại học, sau đại học tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam theo diện Hiệp định.
Hiện có khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài nói chung đang học tập tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam (trong đó có gần 4.000 diện Hiệp định; số còn lại là lưu học sinh theo diện tự phí, theo các thỏa thuận song phương cấp trường hay địa phương). Các cơ sở giáo dục đại học cũng tích cực thu hút và tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các lưu học sinh nước ngoài.
Việc trao đổi học sinh, sinh viên với nước ngoài đã được triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, giúp thúc đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật và góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị với các nước, hội nhập quốc tế.
MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ
Bộ Giáo dục Đào tạo cũng chỉ ra rằng, ngoài kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại như số lượng lưu học sinh nước ngoài đến học tập tại Việt Nam còn hạn chế, tập trung chủ yếu là lưu học sinh Lào, Campuchia (chiếm gần 80% tổng số lưu học sinh nước ngoài). Việc thu hút và đào tạo lưu học sinh nước ngoài trong nhiều cơ sở cơ sở giáo dục đại học còn chưa được chú trọng.
Một số cơ chế, chính sách chưa thực sự tạo điều kiện để thu hút lưu học sinh nước ngoài vào học tập tại Việt Nam như các vấn đề về bảo hiểm y tế, visa.
Bên cạnh đó, chưa có cơ chế tạo điều kiện, thu hút người lao động có trình độ chuyên môn cao vào giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.
Các cơ sở giáo dục vẫn phải làm đầy đủ các thủ tục, quy trình giống như tất cả người lao động nước ngoài nói chung.
Việc thu hồi chi phí đào tạo đối với du học sinh học bổng ngân sách nhà nước thuộc diện bồi hoàn, bao gồm đối tượng được cử đi học là công chức, viên chức, giảng viên gặp nhiều khó khăn do: có du học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không thể hoàn trả kinh phí ngay nên xin hoàn trả kinh phí thành nhiều đợt; có du học sinh không thực hiện bồi hoàn chi phí đào tạo. Lý do khác là nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa quyết liệt trong việc yêu cầu du học sinh hoàn trả kinh phí cho Nhà nước.
Bộ Giáo dục Đào tạo cũng nhận thấy việc triển khai nội dung giáo dục bắt buộc đối với học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục nước ngoài tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện chưa thống nhất giữa các cơ sở giáo dục trong cùng một tỉnh/thành phố.
Đặc biệt, một số công ty tư vấn du học chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành, như việc ký hợp đồng với đối tác nước ngoài, thông tin về kiểm định và chất lượng của đối tác nước ngoài.
Về việc thực hiện chế độ báo cáo Chính phủ theo quy định tại Nghị định số86/2021/NĐ-CP còn khó khăn trong việc thu thập số liệu liên quan cử du học sinh Việt Nam đi học ở nước ngoài do các cơ quan, đơn vị chưa chủ động thực hiện báo cáo hằng năm theo quy định; Bộ Giáo dục Đào tạo đã xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu để các cơ quan thực hiện báo cáo, tuy nhiên có các cơ quan, đơn vị chưa cập nhật vào Hệ thống.
Trong năm học tới, Bộ Giáo dục Đào tạo yêu cầu tiếp tục thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo; đồng thời thu hút các cơ sở giáo dục đại học có uy tín đặt phân hiệu tại Việt Nam…