Mua bán “thủ thế”, thanh khoản đóng băng chờ đáo hạn phái sinh
Thị trường giao dịch rất chậm trong phiên sáng nay khi nhà đầu tư chờ đợi diễn biến đáo hạn phái sinh vào buổi chiều. Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX giảm tới 58% so với sáng hôm qua, chỉ đạt hơn 3.368 tỷ đồng, mức thấp kỷ lục kể từ tháng 4/2023. Dù vậy độ rộng vẫn dang cho thấy sự phân hóa cân bằng...
Thị trường giao dịch rất chậm trong phiên sáng nay khi nhà đầu tư chờ đợi diễn biến đáo hạn phái sinh vào buổi chiều. Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX giảm tới 58% so với sáng hôm qua, chỉ đạt hơn 3.368 tỷ đồng, mức thấp kỷ lục kể từ tháng 4/2023. Dù vậy độ rộng vẫn dang cho thấy sự phân hóa cân bằng.
Trong bối cảnh thanh khoản quá nhỏ như vậy, giá cổ phiếu có độ tin cậy không cao. Toàn sàn HoSE chỉ có 64 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên thì có 30 mã tăng và 24 mã giảm. Tương quan này cũng phù hợp với độ rộng tổng thể 166 mã tăng/153 mã giảm của VN-Index.
Giao dịch sụt giảm đột ngột không phải là do dòng tiền có vấn đề, mà do nhà đầu tư tạm thời hạn chế hoạt động. Sau phiên dao động rất mạnh hôm qua, thị trường cần một sự bình tĩnh trở lại để cung cầu bộc lộ rõ ràng hơn. Dòng tiền mua sáng nay rất nhỏ, nếu áp lực bán tiếp tục tăng lên giống sáng hôm qua thì chắc chắn giá cổ phiếu sẽ giảm hàng loạt.
Ngược lại sự cân bằng trong tình huống này hé lộ sự bình tĩnh của cả hai bên, nhất là khi khối ngoại vẫn đang bán ra rất nhiều. Tổng giá trị cổ phiếu xả ra ở HoSE khoảng 1.093 tỷ đồng và mức bán ròng đạt 663 tỷ. Thậm chí quy mô bán này chiếm xấp xỉ 31% tổng giá trị giao dịch sàn HoSE trong buổi sáng. Không phải tất cả những mã bị bán ròng lớn giá đều kém: VHM tăng nhẹ 0,12% với mức bán ròng 207,3 tỷ đồng; HPG tăng 0,59% với bán ròng 73,1 tỷ; MWG tăng 0,35% với bán ròng 43,3 tỷ; MSN tăng 0,14% với bán ròng 20,9 tỷ. Nhóm giảm là SSI giảm 0,82% với bán ròng 68,3 tỷ; FPT giảm 0,83% với bán ròng 53,8 tỷ; KBC giảm 1,3% với 44,3 tỷ.
Thống kê cũng cho thấy phần rất lớn cổ phiếu tập trung ở nhóm dao động nhỏ dưới 1%. Cụ thể, trong 166 mã xanh của VN-Index chỉ có 44 mã tăng hơn 1% với thanh khoản chiếm 8% giá trị khớp lệnh của sàn. Trong 153 mã giảm có 38 mã giảm hơn 1%, tập trung 5,8% thanh khoản sàn. Như vậy ngay cả khi tổng thanh khoản rất kém thì mức độ phân bổ vốn vẫn phù hợp với trạng thái giằng co biến động hẹp.
Những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sáng nay đều dựa trên lợi thế không có thanh khoản đủ nhiều. Đáng chú ý chỉ có VTP tăng 4,16% khớp 87,7 tỷ đồng; TCB tăng 1,43% khớp 61,5 tỷ; VRE tăng 1,4% khớp 47,8 tỷ; CTR tăng 1,29% khớp 16,4 tỷ. Những cổ phiếu như TCO, TDH, LSS, D2D, FIR, CIG… dù tăng giá rất mạnh nhưng thanh khoản không đảm bảo độ tin cậy rằng mức giá đó có thể ổn định. Phía giảm cũng vậy, chỉ có vài mã đáng kể là KBC giảm 1,3% khớp 72,6 tỷ; CMG giảm 1,67% khớp 19,3 tỷ; EIB giảm 1,38% khớp 11,8 tỷ; CTD giảm 1,53% khớp 10,8 tỷ. CTF, QCG, NO1, ACC, KSB giảm mạnh với thanh khoản dưới 10 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu blue-chips sáng nay cũng không có vai trò gì rõ ràng. Mặc dù về mặt điểm số, VCB, BID, HPG, GAS, VNM, VPB vẫn đang đỡ VN-Index tốt nhất nhưng mức tăng đều rất kém. FPT yếu nhất cũng chỉ giảm 0,83%. VN30-Index tăng không đáng kể 1,01 điểm với thanh khoản thấp kỷ lục, chỉ đạt 1.797 tỷ đồng, thậm chí còn chưa bằng giao dịch VHM và FPT ngày hôm qua. Bù lại độ rộng 14 mã tăng/7 mã giảm cũng cho thấy trong tình thế thanh khoản èo uột như vậy, không có áp lực bán nào đáng chú ý.
VN-Index tăng nhẹ 1,21 điểm (+0,1%) sáng nay và tiếp tục duy trì khoảng cách với vùng nhạy cảm 1200 điểm. Sau 3 phiên rung lắc rất mạnh, thị trường đang tìm kiếm tín hiệu “cạn cung” ở vùng hỗ trợ này. Việc thanh khoản duy trì cực thấp sáng nay cũng là điều kiện tốt để đánh giá tín hiệu này.