Đỉnh tỷ giá là đáy chứng khoán, giới đầu tư kỳ vọng USD sẽ yếu đi vào cuối năm
Giới đầu tư trong nước kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong thời điểm cuối năm về mức 25.000 VND/USD nhờ nguồn cung ngoại tệ thời điểm cuối năm đến từ thặng dư cán cân thương mại, FDI giải ngân và kiều hối cuối năm.
Sau khi chạm đáy 14 tháng ở mức 100,4 điểm vào cuối tháng 9, chỉ số DXY đã
duy trì đà tăng ổn định khi được thúc đẩy bởi một loạt dữ liệu kinh tế tích cực như tỷ lệ thất nghiệp duy trì ổn định ở mức 4,1% trong tháng 10, chỉ số PMI dịch vụ tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm nay khi đạt 56 điểm, chỉ số PCE tăng 2,1% so với cùng kỳ – mức tăng thấp nhất trong ba năm rưỡi, và doanh số bán lẻ tăng 4,13% nhờ chi tiêu tiêu dùng tích cực hơn.
Sau khi hạ nhiệt đáng kể trong hai tháng qua, tỷ giá USD/VND cũng đã bật tăng trở lại dưới áp lực tăng giá mạnh mẽ của đồng USD kể từ đầu tháng 10. Tuy nhiên, sự mất giá của đồng VND không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài mà còn bởi nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng theo tính mùa vụ.
Cụ thể, nhu cầu ngoại tệ thường tăng vọt trong tháng 10 khi các doanh nghiệp đẩy mạnh việc nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho mùa sản xuất cuối năm. Bên cạnh đó, các nghĩa vụ trả nợ quốc tế trị giá khoảng 1 tỷ USD cũng đã khiến nhu cầu mua USD của Kho bạc Nhà nước tăng cao trong thời gian gần đây.
Trong bối cảnh này, vào ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo tới các Ngân hàng về việc nối lại hoạt động bán ngoại tệ can thiệp tại mức tỷ giá 25.450 VND/USD, nhằm xoa dịu tâm lý thị trường và kiềm chế đà mất giá của đồng nội tệ.
Kể từ cuối tháng 9, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng 3,3% lên mức 25.391 VND/USD vào ngày 4/11. Đồng VND hiện đã mất giá khoảng 4,3% so với đồng USD tính từ đầu năm, và đang tiến gần tới mức đỉnh 4,6% được ghi nhận vào tháng 5. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng lên mức 25.655 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm đang niêm yết tại 24.290 VND/USD, tăng lần lượt 3,7% và 1,9% so với đầu năm 2024.
Hôm nay, mở cửa phiên giao dịch đầu tiên ngày 20/11 chứng kiến sự đi xuống của tỷ giá trung tâm và giá bán USD ở một số ngân hàng thương mại lớn, giao dịch chủ yếu giảm còn 25.499 đồng/USD. Chỉ số USD Index (DXY) đạt 106,14 điểm.
Trước sức ép tỷ giá, dòng vốn ngoại đã đẩy mạnh bán ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ trong vòng 10 phiên gần nhất, nhóm này đã xả ròng hơn 9.000 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 85.000 tỷ đồng tương đương hơn 3,3 tỷ USD. Trước áp lực của khối ngoại, VN-Index đã bốc hơi 34 điểm trong tuần qua và tiếp tục rơi về sát mốc 1.200 điểm.
Dự báo về tỷ giá trong thời gian tới, Chứng khoán MBS cho rằng áp lực tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt và đạt mức 25.000 VND/USD vào cuối năm nay, dưới những yếu tố tích cực như: Thặng dư thương mại tích cực 23,3 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024, dòng vốn FDI 19,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ và du lịch phục hồi mạnh mẽ tăng 41,3% so với cùng kỳ trong 10 tháng năm 2024.
Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024. Ngoài ra, áp lực lên tỷ giá được kỳ vọng sẽ giảm dần trong thời gian tới khi Fed đã bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất, kể từ tháng 9 tới nay đã giảm tổng cộng 75 điểm cơ bản, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì việc cắt giảm, tuy nhiên với một tốc độ chậm hơn.
Đồng quan điểm, Chứng khoán KBSV kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ giảm về ngưỡng quanh vùng 25.000 VND/USD, tăng 3,5% so với đầu năm.
Các yếu tố hỗ trợ như chỉ số DXY tăng mạnh đã phản ánh đầy đủ kỳ vọng của thị trường về tác động của việc ông Trump tái đắc cử lên đồng USD. Trong 2 tháng tới, sẽ chưa có chính sách cụ thể nào được đưa ra cho đến khi ông Trump chính thức nhận chức vào đầu năm 2025. Nguồn cung ngoại tệ thời điểm cuối năm đến từ thặng dư cán cân thương mại, FDI giải ngân và kiều hối cuối năm.
Mặc dù vậy, thêm rủi ro cho tỷ giá khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 14/11 nói rằng nhịp tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách có thêm thời gian để xác định giảm lãi suất đến đâu và với tốc độ như thế nào.
“Nền kinh tế hiện không gửi đi bất kỳ một tín hiệu nào cho thấy chúng tôi cần phải vội hạ lãi suất”, ông Powell phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại một sự kiện ở Dallas. “Sức mạnh mà chúng ta đang chứng kiến trong nền kinh tế mang lại cho chúng tôi khả năng tiếp cận với các quyết định của mình một cách cẩn trọng”.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối nghiên cứu và phân tích khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng đỉnh tỷ giá là đáy chứng khoán.
Ông Minh nghiêng về kịch bản chỉ số DXY tiệm cận vùng 107, tỷ giá cũng đang ở vùng đỉnh lịch sử 25.500 đồng, nếu đồng USD điều chỉnh không vượt 107 thì VN-Index sẽ hình thành đáy. Điểm tích cực là lợi suất trái phiếu Mỹ đang chững lại, VN-Index đã về 1.200, định giá của thị trường hấp dẫn. Kỳ vọng một vài ngày tới Ngân hàng Nhà nước sẽ có các động thái như bán USD để kiềm chế tỷ giá.
Mặc dù vậy, tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn nhìn vào khối ngoại bán ròng. Trong kịch bản xấu hơn, chỉ số DXY tăng vọt 107 áp lực tỷ giá còn, khối ngoại vẫn là chỉ báo tâm lý xấu thì có thể VN-Index nhúng xuống 1.200 rồi sau đó đi lên.