14:42 12/04/2013

Mỹ muốn Trung Quốc “rắn” với Triều Tiên

An Huy

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Seoul, Bắc Kinh và Tokyo trong bối cảnh Triều Tiên có thể chuẩn bị phóng tên lửa tầm trung

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry - Ảnh: Reuters.<br>
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry - Ảnh: Reuters.<br>
Nước Mỹ muốn Trung Quốc gửi đi một thông điệp “cứng rắn” với Triều Tiên để kiềm chế chương trình hạt nhân cũng như những phát ngôn hăm dọa của Bình Nhưỡng. Thông tin này được một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ vào ngày hôm nay (12/4) khi Ngoại trưởng nước này John Kerry bay tới châu Á, bắt đầu chuyến công du kéo dài 3 ngày.

Hãng tin Reuters cho biết, trong chuyến thăm này, ông Kerry sẽ tới Seoul, Bắc Kinh và Tokyo. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Trong diễn biến mới nhất, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - có vẻ như đã sẵn sàng để thực hiện một vụ phóng thử tên lửa tầm trung sau vài tuần liên tục đưa ra những tuyên bố đe dọa.

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới khu vực của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ kể từ khi nhậm chức vào ngày 1/2. Ông Kerry hy vọng sẽ thuyết phục được Trung Quốc sử dụng đòn bẩy kinh tế và ngoại giao để kiềm chế hành vi của Triều Tiên, đồng thời trấn an hai đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Chúng tôi thực sự muốn họ [Trung Quốc]… đưa ra một vài thông điệp cứng rắn với Bình Nhưỡng” về phi hạt nhân hóa, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các nhà báo đi cùng với Ngoại trưởng Kerry. Theo dự kiến, ông Kerry sẽ tới Seoul vào thứ Sáu, tới Bắc Kinh vào thứ Bảy và Tokyo vào chủ Nhật.

Theo vị quan chức đề nghị giấu tên trên, ông Kerry cũng muốn gửi một thông điệp rõ ràng ở Seoul và Tokyo rằng “chúng tôi [Mỹ] đã sẵn sàng và khi các đồng minh gặp vấn đề, chúng tôi sẽ bảo bệ họ”.

Triều Tiên đã thực hiện vụ thử hạt nhân thứ ba của nước này vào tháng 2 vừa qua, dẫn tới việc Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc gia tăng lệnh trừng phạt. Kể từ đó, Bình Nhưỡng liên tục có những phát ngôn gây hấn, trong đó đỉnh điểm là dọa tấn công nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân những ngày qua.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng “khó chịu” trước cuộc tập trận chung kéo dài nhiều tuần giữa Triều Tiên và Mỹ. Hiện có khoảng 28.000 lính Mỹ đang đóng quân dài hạn ở Triều Tiên.

Trong vấn đề Triều Tiên, Mỹ muốn Trung Quốc, với tư cách là đối tác kinh tế chính của Triều Tiên, gia tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng.

“Rõ ràng, Trung Quốc có trong tay đòn bẩy lớn nhất, ảnh hưởng lớn nhất với Triều Tiên. Chúng tôi muốn họ sử dụng một vài ảnh hưởng của họ, vì nếu không, tình hình sẽ rất xấu, và rốt cục sẽ đe dọa toàn bộ khu vực”, một quan chức khác của Mỹ nói.

Vị quan chức đầu tiên cho biết thêm rằng, Mỹ muốn Trung Quốc thực hiện một số hành động cụ thể, bao gồm thực thi nghiêm ngặt các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong đó yêu cầu chặn các hoạt động chuyển tiền cho các tổ chức ở Triều Tiên có liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hiện các quan chức của Hàn Quốc và Mỹ tin rằng Triều Tiên đang chuẩn bị phóng tên lửa Musudan, loại tên lửa có tầm bắn khoảng 3.500 km hoặc hơn. Với tầm bắn như vậy, Nhật Bản có thể sẽ nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa này. Ngoài ra, Musudan cũng có thể đe dọa Guam, nơi có các căn cứ của Mỹ.

Vụ phóng tên lửa này, nếu có, có thể sẽ diễn ra vào ngày thứ Hai tuần tới, tức ngày 15/4, nhân kỷ niệm ngày sinh của nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng, Bình Nhưỡng không có ý định châm ngòi cho một cuộc xung đột có thể dẫn tới sự chấm hết cho chính mình. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm trên bán đảo Triều Tiên, nơi có mức độ quân sự hóa cao.

Giới chức Mỹ đã thừa nhận những hạn chế trong ảnh hưởng của họ cũng như thông tin mà họ có được về Triều Tiên, một trong những quốc gia đóng kín và biệt lập nhất thế giới. Họ nói rằng, họ không thể hiểu được những động cơ nào thúc đẩy nhà lãnh đạo Kim Jong Un, và liệu nhà lãnh đạo trẻ này có thực sự là người ra quyết định.

Hôm qua, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) tiết lộ thông tin rằng, cơ quan này đã đi đến kết luận với mức độ khả tin vừa phải rằng, Triều Tiên đã phát triển được bom hạt nhân có thể gắn vừa vào một tên lửa đạn đạo.

Nhưng ngay sau đó, một số quan chức khác của Mỹ và Hàn Quốc  đã lên tiếng phủ nhận đánh giá này. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc giữ nguyên quan điểm không tin là Triều Tiên có thể gắn một đầu đạn hạt nhân lên tên lửa.

Giới chức Mỹ cũng cho biết, họ tin rằng những gì mà phía Trung Quốc nói về Triều Tiên đã bắt đầu có sự thay đổi. Bằng chứng là trong một bài phát biểu tại diễn đàn Bác Ngao mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tuy không đề cập cụ thể tới Triều Tiên, có nói rằng, không một quốc gia nào “có thể được phép đẩy khu vực và thậm chí cả thế giới vào sự hỗn loạn vì mục đích tư lợi”.

“Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về những ảnh hưởng từ việc Triều Tiên theo đuổi năng lực vũ khí hạt nhân”, vị quan chức thứ hai của Mỹ trong bài đánh giá. “Chúng ta đều đã nhận thấy thái độ lo ngại và sự thúc giục trong các phát ngôn chính thức từ phía Trung Quốc”, vị này nhận xét.