11:09 05/04/2013

Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ là “võ mồm”?

An Huy

Triều Tiên có thể tấn công một phần nào đó của nước Mỹ, nhưng không phải là đại lục Hoa Kỳ, càng không phải là bằng vũ khí hạt nhân

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và phu nhân.<br>
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và phu nhân.<br>
Nhiều quan chức và chuyên gia của phương Tây cho rằng, những lời đe dọa tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên đưa ra dồn dập trong tuần này không gì hơn một màn “võ mồm”. Theo họ, với một nền kinh tế biệt lập, Bình Nhưỡng chưa có được các phương tiện để đưa đầu đạn hạt nhân trở thành sự thật.

Tin từ Reuters cho biết, những năm gần đây, Triều Tiên đã cải thiện khả năng tên lửa với tốc độ chậm chạp nhưng liên tục. Vì thế, một số quan chức Mỹ đã đưa ra quan điểm rằng, tên lửa của Triều Tiên có khả năng chạm tới một số vùng lãnh thổ và tiểu bang ngoài rìa của nước này, như Guam, Alaska và Hawaii.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia độc lập nhận định, thậm chí quan điểm này cũng là thổi phồng quá đáng về khả năng vũ khí của Bình Nhưỡng. Đến nay, giới chức Mỹ cho biết chưa phát hiện thấy bằng chứng nào về việc Triều Tiên đã thử nghiệm công nghệ phức tạp của việc sản xuất một đầu đạn hạt nhân có thể gắn vào một tên lửa tầm xa. Đây là khả năng mà Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước khác đã có được từ nhiều thập kỷ trước.

Nói cách khác, Triều Tiên có thể tấn công một phần nào đó của nước Mỹ, nhưng không phải là đại lục Hoa Kỳ, càng không phải là bằng vũ khí hạt nhân.

Ông Gary Samore, một cựu chuyên gia hàng đầu về phổ biến hạt nhân trong lực lượng an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Barack Obama, đánh giá, những lời đe dọa mà chính quyền của ông Kim Jong Un dành cho nước Mỹ trong những ngày qua “chắc chỉ là những lời khoác lác”.

“Khả năng Triều Tiên có một tên lửa hạt nhân có thể chạm tới Mỹ là cực kỳ thấp”, ông Samore nói với Reuters. Triều Tiên “sẽ không tự hại mình. Họ biết là bất kỳ dạng tấn công trực tiếp nào vào nước Mỹ sẽ đồng nghĩa với sự chấm dứt đối với họ”.

Hôm thứ Tư tuần này, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA tuyên bố quân đội nước này đã phê chuẩn một kế hoạch tấn công, bao gồm sử dụng “các phương tiện tấn công hạt nhân công nghệ cao, nhỏ nhẹ hơn và đa dạng”. Tuyên bố này ám chỉ rằng, Triều Tiên đã có đầu đạn hạt nhân.

Đây là động thái mới nhất trong một loạt lời đe dọa từ Bình Nhưỡng sau khi chính quyền Kim Jong Un cho rằng, các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, cũng như các biện pháp trừng phạt mà Liên hiệp quốc nhằm vào vụ thử hạt nhân trong lòng đất gần đây nhất của Triều Tiên, là thể hiện chính sách thù địch.

Cũng trong ngày thứ Tư, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ điều một hệ thống phòng thủ tên lửa có tên gọi là THAAD tới Guam, địa chỉ mà Bình Nhưỡng đã đe dọa cụ thể là sẽ tấn công.

Thông tin mà cơ quan tình báo của Mỹ và các quốc gia khác đã tìm kiếm được về chương trình vũ khí của Triều Tiên vẫn nằm trong vòng tuyệt mật. Và có vẻ như có sự khác biệt giữa các thông tin đó, vì Triều Tiên là một quốc gia có mức độ khép kín cao.

Một số quan chức và chuyên gia độc lập về vũ khí của Mỹ cho rằng, Triều Tiên có thể đã thành công trong việc thiết kế, và thậm chí là chế tạo, một đầu đạn hạt nhân có thể lắp vừa vào tên lửa tầm trung Nodong.

Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với quan điểm này. Và thậm chí, cho dù Triều Tiên đã phát triển được một đầu đạn như vậy, thì cũng có nhiều hoài nghi về việc liệu Bình Nhưỡng có đủ khả năng thử nghiệm để đảm bảo đầu đạn này hoạt động.

Những tên lửa tầm trung như Nodong có thể có khả năng vươn tới hai đồng minh của Mỹ ở Đông Á là Triều Tiên và Nhật Bản, cũng như tới Okinawa, nơi quân đội Mỹ còn đóng quân. Tuy nhiên, những tên lửa này không thể vươn tới những lãnh thổ thậm chí là ngoài khơi Thái Bình Dương của Mỹ.

Một loại tên lửa khác của Triều Tiên mà các cơ quan tình báo Mỹ đang theo dõi chặt chẽ là KN-08. Loại này có tầm xa hơn tên lửa Nodong, và lần đầu tiên được trình diễn trong một cuộc duyệt binh của Triều Tiên cách đây 1 năm.

Hôm thứ Năm vừa rồi, một quan chức giấu tên của Mỹ, tiết lộ, Mỹ tin rằng tên lửa KN-08 của Triều Tiên có thể chạm tới các vùng lãnh thổ Guam, Hawai và Alaska của Mỹ trên Thái Bình Dương, nhưng không thể chạm tới đại lục Mỹ.

Một quan chức khác thừa nhận, nước Mỹ chỉ tính toán được tầm bắn tên lửa Triều Tiên dựa trên những thông tin tình báo rất hạn chế.

Ông Greg Thielmann, một cựu quan chức tình báo thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, thì tỏ ra hoài nghi về tên lửa KN-08. Theo ông Thielmann, khi một số chuyên gia kiểm tra kỹ các bức ảnh cận cảnh KN-08 trưng bày ở Bình Nhưỡng, họ kết luận rằng đó chỉ là một tên lửa giả, hoặc chỉ là mô hình.

Hôm qua, các quan chức phương Tây đã xác nhận thông tin rằng Triều Tiên đã di chuyển một vũ khí khác là tên lửa tầm trung Musudan hoặc Nodong B tới bờ biển phía Đông của nước này. Không rõ động thái này của Triều Tiên nhằm mục đích hăm dọa hay để chuẩn bị cho một cuộc bắn thử.

Tên lửa Musudan được cho là có tầm bắn 3.000 km, lớn hơn tầm bắn của tên lửa Nodong, đưa cả Hàn Quốc, Nhật Bản và có thể là cả Guam vào tầm với của tên lửa này.

Các quan chức của Mỹ nói rằng, những lời đe dọa mới nhất về tấn công hạt nhân từ Bình Nhưỡng đã đi quá những lời hăm dọa trước khi, không chỉ của ông Kim Jong Un mà của các nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong Il và Kim Nhật Thành. Theo đó, cho tới gần đây, những lời đe dọa từ Bình Nhưỡng đều có điều kiện, nghĩa là một cuộc tấn công nước Mỹ chỉ xảy ra nếu nước Mỹ tấn công Triều Tiên trước. Nhưng lần này, Triều Tiên lại đe dọa tấn công Mỹ trước.

Ông Theilmann cho rằng, Triều Tiên có hàng trăm tên lửa, phần lớn thuộc các loại SCUD-B và SCUD-D, với tầm bắn từ 300-500km. Bên cạnh đó, nước này có vài chục tên lửa Nodong với tầm bắn khoảng 1.300 km.

“Chẳng có tên lửa nào trong số này có thể bắn tới Guam, Hawaii hay Aleutian Islands. Triều Tiên đang thổi phồng về những tên lửa mà họ có, và nhiều người Mỹ lại tỏ ra tin những lời nói hoang đường này của Triều Tiên”, ông Theilmann kết luận.