15:52 07/03/2022

Mỹ tính trừng phạt xuất khẩu dầu của Nga, dù châu Âu có thể không tham gia

An Huy

Cùng lúc đó, cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran lại tạm ngưng dù thoả thuận đã gần kề, khiến dầu càng có thêm lý do để tăng giá...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc việc cấm nhập khẩu dầu Nga vào Mỹ, cho dù biện pháp trừng phạt này có thể không có sự tham gia của các nước đồng minh châu Âu, ít nhất ở giai đoạn đầu – nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg.

Nguồn tin đề nghị không tiết lộ danh tính nói rằng Nhà Trắng chưa quyết định cấm nhập khẩu dầu Nga vào Mỹ, và dự định về thời điểm và mức độ của một biện pháp như vậy hiện vẫn còn mông lung. Hiện các quan chức Chính phủ Mỹ đang liên hệ chặt chẽ với đồng minh để bàn về một biện pháp trừng phạt như vậy, và cũng hành động để chuẩn bị ứng phó với ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước một khi sự trừng phạt đó được triển khai – theo nguồn tin.

MỸ MUỐN TRỪNG PHẠT NGÀNH NĂNG LƯỢNG NGA

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London có lúc vượt 139 USD/thùng vào sáng nay (7/3) theo giờ Viẹt Nam, sau khi có tin chính quyền ông Biden đang tính đến khả năng cấm vận dầu lửa Nga. Thông tin này thổi bùng nỗi lo về nguồn cung dầu trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đã trải qua những biến động mạnh kể từ khi nổ ra xung đột vũ trang Nga-Ukraine.

Ở mức đỉnh nói trên, giá dầu Brent tăng 18% so với chốt phiên cuối tuần vừa rồi. Lúc hơn 15h trưa, mức tăng của giá dầu Brent và giá dầu WTI giao dịch tại New York là hơn 10%. Các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á, cùng với các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ, đồng loạt giảm mạnh vì nỗi lo lạm phát sẽ bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế. Trong đó, hai thị trường Nhật Bản và Hồng Kông giảm mạnh nhất, với mức giảm trên 3%.

Tuần trước, Chính phủ Mỹ đã có các cuộc thảo luận với các công ty dầu khí lớn ở nước này về việc một lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Nga có thể ảnh hưởng như thế nào đến người tiêu dùng Mỹ và nguồn cung năng lượng toàn cầu. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà của Mỹ đều đang ra sức thúc đẩy các dự luật nhằm cấm nhập khẩu dầu Nga như một cách đáp trả cứng rắn đối với hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

Phát biểu trước các nghị sỹ vào ngày Chủ nhật, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, nói rằng Hạ viện đang “cân nhắc một dự luật mạnh” cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng từ Nga, nhằm cô lập Nga hơn nữa khỏi nền kinh tế toàn cầu. Tại Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Bảy cũng đề nghị Quốc hội nước này cấm nhập khẩu dầu Nga.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNN vào ngày Chủ nhật, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Mỹ và các nước đồng minh đang xem xét cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga. “Chúng tôi đang trao đổi với các đối tác và đồng minh ở châu Âu để tìm ra một phương thức phối hợp nhằm cấm nhập khẩu dầu Nga nhưng vẫn đảm bảo được đầy đủ nguồn cung dầu cho thế giới”, ông Blinken nói. “Cuộc thảo luận này đang diễn ra rất tích cực”.

Nga chiếm khoảng 3% tổng dầu nhập khẩu dầu thô của Mỹ trong năm 2021 – theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Tốc độ nhập khẩu dầu Nga vào Mỹ trong năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017 – theo dữ liệu của công ty tư vấn Kpler.

Nếu tính cả các sản phẩm dầu, như dầu nhiên liệu chưa thành phẩm – loại có thể được sử dụng để sản xuất xăng và dầu diesel – Nga chiếm khoảng 8% nhập khẩu dầu của Mỹ trong năm ngoái. Tuy nhiên, mức nhập các sản phẩm này từ Nga vào Mỹ cũng trong xu hướng giảm trong những tháng gần đây.

Cho đến thời điểm hiện tại, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chưa được áp trực tiếp lên nguồn cung năng lượng từ Nga, do lo ngại về ảnh hưởng kinh tế của những biện pháp như vậy. Sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga, đặc biệt là khí đốt, khiến phương Tây phải thận trọng.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã ngầm nói về những thách thức mà khu vực này phải đối mặt trong ngắn hạn trong việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga.

“Trong EU, chúng tôi đang bàn về một giải pháp chiến lược, một kế hoạch, về làm thế nào để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái sinh, làm thế nào để đa dạng hoá nguồn cung năng lượng”, bà von der Leyen nói trên CNN hôm Chủ nhật.

Thượng nghị sỹ Dân chủ Joe Manchin, người tham gia một nhóm nghị sỹ đến từ cả hai đảng hậu thuẫn một dự luật áp đặt hạn chế đối với dầu Nga, ngày Chủ nhật phát tín hiệu rằng Mỹ sẽ hành động một mình.

“Chúng tôi không muốn Mỹ tiếp tục mua dầu Nga, để họ có tiền cho cuộc chiến chống lại người dân Ukraine”, ông Manchin nói trên NBC.

ĐÀM PHÁN HẠT NHÂN MỸ-IRAN BẤT NGỜ BẾ TẮC

Giá dầu thế giới còn đang tăng mạnh do có tin cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran lại tạm ngưng giữa lúc thoả thuận đã gần kề. Một thoả thuận giữa Washington và Tehran sẽ mở đường cho dầu xuất khẩu của Iran quay trở lại thị trường toàn cầu. Theo tin từ Reuters, cuộc đàm phán này đã lâm bế tắc vào ngày Chủ nhật sau khi phía Nga yêu cầu Mỹ phải đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine sẽ không cản trở thương mại giữa Nga với Iran. Trung Quốc cũng đặt ra những yêu cầu mới – nguồn tin cho hay.

“Iran là nhân tố duy nhất gây áp lực giảm lên giá dầu trên thị trường thời gian gần đây, nhưng nếu thoả thuận hạt nhân với Iran bị trì hoãn, thị trường sẽ không thể sớm có nguồn cung bổ sung, nhất là khi nguồn cung dầu tư Nga tiếp tục bị gián đoạn kéo dài”, nhà đồng sáng lập Amrita Sen của công ty nghiên cứu Energy Aspects phát biểu trên Reuters.

Một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng giá dầu có thể tăng vọt lên 185 USD/thùng trong năm nay.

Nga xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm lọc hoá mỗi ngày, tương đương khoảng 7% nguồn cung toàn cầu. Một phần dầu xuất khẩu của Kazakhstan đi qua các cảng biển của Nga cũng đang gặp trở ngại.

Ngân hàng Bank nhận định nếu phần lớn xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn, thị trường dầu toàn cầu có thể thiếu từ 5 triệu thùng dầu mỗi ngày trở lên, và khi đó, giá dầu có thể tăng gấp đôi từ mức hơn 100 USD/thùng hiện nay lên 200 USD/thùng.

Giới phân tích cho rằng cho dù Iran và Mỹ có đạt thoả thuận hạt nhân, thì cũng phải mất vài tháng nước này mới có thể nối lại xuất khẩu dầu. Công ty nghiên cứu Eurasia Group nói các yêu cầu mới của Nga có thể gây gián đoạn cuộc đàm phán hạt nhân, nhưng vẫn cho rằng khả năng các bên đi đến một thoả thuận là 70%.

Tại Mỹ, giá xăng bình quân trên toàn quốc đã đạt 4,009 USD/gallon, tương đương hơn 24.000 đồng/lít. Đây là mức giá xăng bình quân cao nhất ở Mỹ kể từ tháng 7/2008 – theo AAA.

Trong một diễn biến khác, các quan chức cấp cao của Mỹ đã tới Venezuela vào hôm thứ Bảy vừa rồi để đàm phán với Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, nhằm xác định liệu Caracas có sẵn sàng giảm bớt quan hệ với Nga – nước đồng minh thân cận của Venezuela. Quốc gia Nam Mỹ này sở hữu trữ lượng dầu lửa khổng lồ, nên có tiềm năng trở thành một nguồn cung thay thế dầu Nga trong trường hợp Mỹ trừng phạt xuất khẩu năng lượng của Nga.