Liệu Saudi Arabia có “ra tay” ngăn đà tăng chóng mặt của giá dầu?
Sẽ khó có chuyện Saudi Arabia tăng mạnh sản lượng để kéo giá dầu xuống, một phần vì không muốn làm "mếch lòng" Nga...
Một “cơn khát” dầu đang diễn ra trên toàn cầu, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt giáng xuống Nga – nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới – sau khi Tổng thống Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, theo trang CNN Business, khó có chuyện Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới và là đồng minh của Nga trong OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối – sẽ bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung, ít nhất là thời điểm hiện tại.
OPEC MUỐN “CHỜ XEM”
Trong cuộc họp sản lượng của OPEC+ vào ngày 2/3, khối này quyết định giữ nguyên tốc độ tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng. Điều này có nghĩa là trong tháng 4, sản lượng khai thác dầu của OPEC+ sẽ tăng thêm 400.000 thùng/ngày so với tháng 3, bằng với mức tăng đang áp dụng trong tháng 3.
Năm 2020, khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu, OPEC+ đã giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày để ngăn đà “lao dốc không phanh” của giá “vàng đen”. Năm 2021, khi kinh tế thế giới phục hồi mạnh từ đáy sâu của đại dịch, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu tăng nhanh, OPEC+ bắt đầu nới sản lượng để đáp ứng. Mức tăng sản lượng của nhóm này trong những tháng gần đây là 400.000 thùng mỗi ngày trong một tháng so với mức sản lượng của tháng trước.
Dù vậy, tốc độ tăng sản lượng này không đủ để hãm đà tăng của giá dầu, nhất là khi xung đột quân sự Nga-Ukraine khiến giá năng lượng này càng tăng nóng hơn. Bất chấp tuyên bố duy trì nâng sản lượng của OPEC+, giá dầu thế giới đã vượt ngưỡng 110 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 2/3.
Giá dầu WTI chốt phiên với mức tăng 7,19 USD/thùng, tương đương tăng gần 7%, chốt ở 110,6 USD/thùng – mức giá đóng cửa cao nhất của loại dầu này kể từ năm 2011. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 7,96 USD/thùng, tương đương tăng 7,6%, chốt ở 112,93 USD/thùng. Tính từ đầu năm, giá hai loại dầu này đều đã tăng khoảng 40%.
Trao đổi với CNN Business, ông Claudio Galimberti, Phó chủ tịch phụ trách phân tích thuộc Rystad Energy, có công suất khai thác đầu dự trữ 2 triệu thùng/ngày, nghĩa là nước này có thể tăng sản lượng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày. Nhưng vào hôm 1/3, Chính phủ Saudi Arabia nói nước này cho rằng OPEC nên giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng một cách từ từ. Điều này có nghĩa là thị trường sẽ không nhận được sự giải toả nguồn cung dù giá dầu vẫn đang tăng từng ngày, từng giờ.
Nga khai thác khoảng 10 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu 4-5 triệu thùng dầu trong số này. Các biện pháp trừng phạt Nga mà phương Tây công bố tính đến thời điểm hiện tại về cơ bản chưa nhằm trực tiếp vào ngành năng lượng của Nga, nhưng các công ty dầu khí lớn đang lần lượt rút khỏi nước này, và các nhà giao dịch cũng tránh những thùng dầu Nga vì lo “dính” trừng phạt, cho dù dầu Nga đang được bán với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường.
“Nhiều khách mua dầu, ngân hàng của họ và nhà vận chuyển của họ trở nên thận trọng vì tất cả đều đang chờ đợi công bố chi tiết cụ thể của các biện pháp trừng phạt”, ông Richard Bronze, trưởng bộ phận địa chính trị của công ty nghiên cứu Energy Aspects phát biểu.
Tình trạng này dẫn tới lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung, và đó là lý do vì sao giá dầu liên tục nhảy mạnh dù phương Tây chưa hề đưa ra biện pháp trừng phạt nào đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga.
Ngoài Saudi Arabia, nhiều nước khác trong OPEC cũng có công suất khai thác dầu dự trữ khá lớn, như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có công suất dự trữ là 78 triệu thùng/ngày – theo số liệu từ Rystad Energy. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các nước này không muốn hành động vì còn chờ xem khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ diễn biến như thế nào.
“Những gì OPEC đã cho thấy tính đến thời điểm này là họ không muốn đưa ra quyết định dựa trên những thông tin nhiễu động”, ông Galimberty nói.
“GIÁ DẦU KHÔNG THỂ NGỪNG TĂNG”
Vị chuyên gia này cho rằng một số khách mua dầu, nhất là khách Trung Quốc và Ấn Độ, có thể quay trở lại mua một khi ảnh hưởng đối với ngành năng lượng từ các biện pháp từng phạt trở nên rõ ràng hơn. Ngoài ra, một số nhà máy lọc dầu ở châu Âu được xây dựng chuyên để chế biến dầu Nga, có sự phụ thuộc vào các hợp đồng dài hạn, có thể vẫn tiếp nhận dầu tư Nga. Điều này sẽ giảm bớt sức ép phải tăng sản lượng mạnh hơn đối với những nước như Saudi Arabia, ngay cả khi nước này đứng trước lời kêu gọi của phương Tây về hỗ trợ kéo giá dầu xuống.
Chưa kể, Saudi Arabia cũng không muốn làm “mếch lòng” Nga – một “hòn đá tảng” trong OPEC+. “Vấn đề chính trị rất khó xử đối với nhiều thành viên OPEC”, ông Bronze nói. “họ nhận thấy tầm quan trọng trong mối quan hệ chiến lược với Nga. Nên về mặt chính trị, tôi cho rằng họ sẽ tránh đứng về bất kỳ một bên nào”.
Chừng nào Saudi Arabia còn “khoanh tay đứng nhìn”, giá dầu còn tăng mạnh. Nhiều nhà dự báo ở Phố Wall tin rằng giá dầu sẽ tiếp tục leo thang nếu cuộc chiến ở Ukraine kéo dài. Trong một dự báo mới đây, Goldman Sachs cho rằng giá dầu Brent giao tháng kế tiếp sẽ sớm đạt 115 USD/thùng, đồng thời thừa nhận đây là một dự báo thận trọng.
“Không có một sự giải toả nào cả. Đây là một thời điểm kịch tính đối với thị trường, với thế giới, và với nguồn cung dầu. Rõ ràng, thế giới sẽ phải đối mặt với việc xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital phát biểu sau cuộc họp ngày 2/3 của OPEC+, nhấn mạnh rằng nguồn cung dầu từ Nga là không gì có thể bù đắp.
Theo chuyên gia cấp cao Edward Moya của Oanda, giá dầu Brent có thể lên 120 USD/thùng nếu thị trường cho rằng lệnh trừng phạt có thể được áp lên ngành năng lượng Nga. “Giá dầu không thể ngừng tăng vì thị trường vừa bị thắt chặt nguồn cung, vừa phải đối mặt với rủi ro từ xung đột ở Ukraine”, ông Moya nói.
Ngày 1/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố kế hoạch xả 60 triệu thùng dầu dự trữ nhằm hạ nhiệt giá dầu, trong đó có 30 triệu thùng xả từ dự trữ của Mỹ. Nhưng tuyên bố này không đủ sức kéo giá dầu xuống.
“Chúng tôi không xem đây là một sự giải toả đủ lớn”, một báo cáo của Goldman Sachs nhận định. “Giờ đây, sự suy yếu của nhu cầu do giá cao có thể là cơ chế tái cân bằng duy nhất đủ khả năng khiến dầu giảm giá. Sự co giãn của nguồn cung không còn tác dụng, vì chúng ta đang đứng trước nguy cơ xảy ra một cú sốc nguồn cung lớn và tức thì”.
Nhà phân tích Amrita Sen của Energy Aspects ước tính rằng 70% dầu xuất khẩu của Nga hiện nay là “không thể động đến” do các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng Nga.
“Giá dầu có thể lên 150 USD/thùng, thậm chí cao hơn, vì giải pháp duy nhất để giá dầu giảm lúc này là sự sụt giảm nhu cầu do giá cao”, bà Sen nói với kênh CNBC.