Năm 2023: Tối ưu nguồn lực và tìm điểm cân bằng để xoay chuyển tình thế
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng tính bất ngờ không còn nữa và mọi sự đều trong tiên lượng. Trong nguy có cơ, Việt Nam cần tiếp tục phát huy những động lực tăng trưởng và tối ưu được các nguồn lực sẽ vượt qua thách thức...
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất được công bố tháng 1/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng thế giới năm 2023 xuống còn 1,7%, mức chậm nhất kể từ năm 1993, do lạm phát tăng cao, lãi suất tăng, đầu tư giảm và gián đoạn do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Cả ba cỗ máy tăng trưởng lớn của thế giới là Mỹ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc đều đang trải qua thời kỳ yếu đi rõ rệt. Chịu nhiều sức ép từ khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới, sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, tăng trưởng tại Việt Nam dự kiến giảm còn 6,3%.
Nhìn nhận lại những rủi ro, thách thức chính năm 2022 và dự báo cho năm 2023, chia sẻ tại Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023 – Diễn đàn thường niên lần thứ 15 với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức vừa qua, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng có bốn điều tăng, gồm: (i) những điều bất định tăng như chiến tranh, dịch bệnh…; (ii) lạm phát, lãi suất tăng và còn ở mức cao; (iii) rủi ro tài chính tăng như lãi suất tăng, tỷ giá tăng, rủi ro nợ tăng..; (iv) rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực tăng, an ninh chuỗi cung ứng.
Cùng với đó là hai điều suy giảm rõ rệt, đó là lợi nhuận biên của doanh nghiệp giảm, cùng với đó, đà phục hồi kinh tế giảm và suy thoái nhẹ, cục bộ vào năm 2023.
ĐỐI MẶT VỚI NỖI LO VỀ SUY THOÁI
Trong những thách thức lớn mà kinh tế thế giới năm 2023 phải đối mặt, giới phân tích dành nhiều sự quan tâm về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát toàn cầu liệu đã qua đỉnh hay chưa.
Về vấn đề chỉ tiêu lạm phát, theo TS. Cấn Văn Lực, số liệu lạm phát toàn cầu cũng như một số khu vực lớn, một số quốc gia lớn như Mỹ, EU, Anh, Đức cho thấy về cơ bản, lạm phát đã qua đỉnh. Đỉnh CPI toàn cầu năm 2022 khoảng 8,8%, năm 2023 dự báo mức khoảng 6,5% và đến năm 2024 tiếp tục giảm xuống còn khoảng 4%.
Theo dõi CPI lõi của Mỹ, CPI tổng thể của Mỹ, đặc biệt chỉ số PCE được Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sử dụng làm thước đo lạm phát, phản ánh mức chi tiêu thực tế của người tiêu dùng trong đó có cả việc thay đổi hành vi tiêu dùng khi giá cả tăng, cho thấy các chỉ số này về cơ bản bắt đầu giảm từ tháng 6 hoặc tháng 10 vừa qua.
Cùng với đó, giá các loại hàng hóa khác cũng giảm tương đối mạnh từ tháng 9,10/2022, đặc biệt quý 4/2022 giảm tương đối tích cực, cả năng lượng cũng như phi năng lượng.
Là cái giá phải trả trong cuộc chiến chống lạm phát, kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn suy thoái năm 2023. Sau khi đánh giá kỹ lưỡng 10 tiêu chí, nhóm nghiên cứu của BIDV đưa ra nhận định có lẽ thế giới sẽ suy thoái trong năm nay nhưng có ba đặc điểm cần lưu ý.
Cụ thể, “suy thoái ở mức độ nhẹ, tức vẫn đảm bảo mức tăng trưởng dự báo khoảng 2,2 - 2,5%. Về thời gian, dự tính suy thoái chỉ trong ngắn hạn, ước tính khoảng 10 tháng bắt đầu từ quý 2/2023 đến hết quý 1/2024. Cùng với đó, suy thoái diễn ra cục bộ, chỉ xảy ra ở một số khu vực, một số quốc gia, chứ không trên bình diện toàn cầu”, ông Lực đánh giá.
Song hành là lộ trình về tăng lãi suất, vị chuyên gia này cho rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất khoảng hết quý 1/2023 thêm hai lần nữa, sau đó sẽ dừng lại và có thể cân nhắc bắt đầu giảm lãi suất từ quý 1/2024.
NHỮNG "CƠN GIÓ NGƯỢC" THỔI VỀ VIỆT NAM
Đứng trước khủng hoảng và áp lực suy thoái tại các nền kinh tế lớn trên thế giới, Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức gì?
Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng kinh tế thế giới suy thoái sẽ khiến thị trường xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam bị thu hẹp, tăng trưởng chậm lại, du lịch quốc tế phục hồi chậm… Việt Nam dựa nhiều vào thương mại quốc tế và hoạt động xuất khẩu nên khi những biến cố xảy ra, “cơn gió ngược” xảy ra, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia suy giảm mạnh nhất trong các nước ASEAN, rõ ràng đây một rủi ro rất lớn.
Số liệu cho thấy trong 10 quốc gia chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó tính riêng 7 quốc gia và vùng lãnh thổ: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh và Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, được dự báo có mức độ suy thoái kinh tế ở mức độ nhẹ trong ngắn hạn, vì vậy, một số ngành dệt may, da giày, đồ gỗ của nước ta sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, trong 10 quốc gia chiếm hơn 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam thì có 6 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia chiếm 41,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế năm 2023.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03 phát hành ngày 16-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam