Năm 2024: Bản lề cho sự bứt phá - Ảnh 1
Năm 2024: Bản lề cho sự bứt phá - Ảnh 2

Thưa ông, nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2023, đâu là từ khóa mà ông muốn nhắc tới?

Đó là “thăng trầm”. Nếu như những tháng đầu năm thiên về biến động, khó khăn và thách thức thì những tháng cuối năm lại thiên về tích cực khi Việt Nam tìm được giải pháp vượt qua những “cơn gió ngược” của thế giới, trở thành điểm sáng về kinh tế và thiết lập được sự sẵn sàng cho năm 2024.

Sự sẵn sàng như ông nói là gì?

Sau những trải nghiệm trong giai đoạn Covid-19 và trước những biến động liên tục và rất khó dự báo của thế giới, sức chống chịu và khả năng thích ứng của các chủ thể trong nền kinh tế được nâng cao.

Một điều dễ nhận thấy là hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm tới những dự báo thay đổi của thị trường, các điều kiện kinh doanh hay các biến động về kinh tế và địa chính trị.

Các doanh nghiệp nhận thức rõ ràng rằng Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng với thế giới cả về thương mại, đầu tư lẫn tài chính. Cho nên, với mỗi sự thay đổi trong môi trường kinh doanh toàn cầu, họ cũng ít nhiều bị tác động cho dù hiện tại họ có thể chưa tham gia vào thị trường xuất khẩu hay chưa đầu tư ra bên ngoài. Do vậy, hiểu rõ sự vận hành của môi trường kinh tế quốc tế cũng như trong nước, doanh nghiệp sẽ có những giải pháp hạn chế được những tác động bất lợi.

Sự quan tâm của doanh nghiệp Việt đối với những mô hình kinh doanh mới, những lĩnh vực mới như thương mại điện tử, nhà máy thông minh, kinh tế tuần hoàn… cũng ngày càng gia tăng, nhất là trong bối cảnh các quốc gia như châu Âu đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm xanh, ít phát thải.

Năm 2024: Bản lề cho sự bứt phá - Ảnh 3

Đó là sự thích ứng của doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như năm 2023, ông nhìn nhận như thế nào về sự thích ứng của các chính sách điều hành của Chính phủ?

Điều hành chính sách của Việt Nam trước các cú sốc từ bên ngoài đã nhanh và chủ động hơn. Chúng ta đã tạo ra những hành lang hay những “bộ đệm” phù hợp với những biến động liên tục của tình hình thế giới. Theo đó, những thay đổi về thể chế, hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh đã được điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn phát triển thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung rất nhiều luật và nghị quyết trong năm 2023.

Chính phủ chủ động trong việc thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương với các đối tác nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường. Đặc biệt là sự linh hoạt, kiên trì đường lối “ngoại giao cây tre” trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của các bên với các đối tác lớn để mở ra những cơ hội hợp tác chiến lược, theo đó là những chính sách thúc đẩy, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đang phát triển tiên phong trong các xu thế kinh tế lớn của toàn cầu.

Năm 2024: Bản lề cho sự bứt phá - Ảnh 4

Trước những biến động của kinh tế thế giới, nhiều ý kiến cho rằng 2023 là năm “bận rộn” của chính sách tiền tệ và tài khóa. Ông nghĩ sao về điều này?

2023 là một năm biến động của nền kinh tế thế giới. Sự suy giảm nhu cầu ở nhiều thị trường lớn của Việt Nam, các đợt tăng lãi suất nhằm hạn chế tác động tiêu cực của lạm phát và xung đột, căng thẳng chính trị diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới như cuộc chiến Nga – Ukraine, dải Gaza… đã tạo áp lực lên điều hành của chính sách của Việt Nam.

Cụ thể, trước những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Việt Nam đã ngay lập tức có những sự điều chỉnh nhằm hạn chế nhập khẩu lạm phát khi giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Mặc dù tác dụng không mong muốn của chính sách điều chỉnh đã khiến áp lực vay vốn của doanh nghiệp có thời điểm gia tăng, song đổi lại, Việt Nam vẫn ổn định được vĩ mô, tạo niềm tin cho thị trường và nền tảng cho tăng trưởng.

Đáng chú ý, ngay khi lạm phát cơ bản được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có động thái hạ lãi suất điều hành nhằm tạo ra chu kỳ tăng trưởng mới, qua đó giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn và nền kinh tế có thể phục hồi. Đây cũng là nền tảng cho sự tăng tốc trong năm 2024.

Chính sách tài khóa đã có những điều chỉnh cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp về giảm thuế, phí trong năm 2023. Với tỷ lệ nợ công dưới 40%, Việt Nam còn không gian để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn sau Covid-19 và trước những biến động bất lợi của kinh tế thế giới.

Trong năm 2024, Chính phủ có thể cân nhắc chương trình đầu tư cho tương lai nhằm hỗ trợ cho những doanh nghiệp trong những lĩnh vực ưu tiên như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới phù hợp với xu thế, thúc đẩy chương trình “Make in Việt Nam”,… từ đó nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Năm 2024: Bản lề cho sự bứt phá - Ảnh 5

Nhìn lại ba động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 gồm tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư công, có thể thấy ngoài đầu tư công có sự cải thiện thì hai động lực kia đều giảm sút. Ông dự báo như thế nào về ba động lực tăng trưởng này trong năm 2024, thưa ông?

Tiềm năng của ba động lực tăng trưởng này đối với Việt Nam vẫn còn lớn bởi xuất khẩu đang ngày càng được mở rộng thông qua hợp tác song phương và đa phương, sức mua của người dân vẫn trong xu hướng tăng, nhất là khi nhìn vào cơ cấu và giá trị hàng nhập khẩu tiêu dùng hàng năm trị giá hàng chục tỷ USD. Điều này cho thấy dư địa tiêu dùng nội địa còn lớn, vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam là phải nâng cao chất lượng hàng hóa và khả năng cạnh tranh. Riêng về đầu tư công, gần đây, mỗi năm chúng ta chi hàng chục tỷ USD để đầu tư vào những lĩnh vực nhằm tạo ra đột phá, thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.

Để khai thác tiềm năng của ba động lực tăng trưởng này, chúng ta phải quan tâm đến nâng cao giá trị gia tăng hàng xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh hơn 70% giá trị xuất khẩu đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, cần nâng cao vị thế, vai trò của doanh nghiệp nội địa, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đầu tư công. Bên cạnh các dự án đầu tư vào các hạ tầng chiến lược như cao tốc, sây bay, cầu cảng,… Việt Nam cần tiếp tục đảm bảo hạ tầng mềm để nâng cao năng lực cạnh tranh cho tương lai như đầu tư mạnh vào hạ tầng giáo dục – y tế, dịch vụ công (xử lý rác thải, nước thải…). Đây là những khoản đầu tư dài hạn, nhưng là những khoản đầu tư chiến lược, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững và bao trùm. 

Năm 2024: Bản lề cho sự bứt phá - Ảnh 6

Vậy, những động lực tăng trưởng mới của Việt Nam trong năm 2024 thì sao, thưa ông?

Những năm trước, đầu tư tư nhân là một trong những động lực tăng trưởng, nhưng do những khó khăn của nền kinh tế, đầu tư tư nhân đã suy giảm trong những năm gần đây. Vì vậy, động lực này cần tiếp tục được khơi dậy để thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế trong những năm tiếp theo. Theo đó, cần có những chính sách gia tăng niềm tin để người dân, doanh nghiệp tăng cường đầu tư, biến những khoản tiết kiệm tư nhân thành đầu tư thường xuyên, đưa nguồn lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh và người dân chảy vào nền kinh tế.

Để làm được điều này, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng quản trị, xây dựng các kế hoạch và chiến lược kinh doanh, áp dụng các mô hình kinh doanh mới, các tiêu chuẩn mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường là rất cần thiết.

Về động lực đầu tư nước ngoài, bên cạnh hình thức đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, có thể cân nhắc hình thức đầu tư hợp tác công – tư để thu hút những nhà đầu tư lớn, trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý giỏi vào những dự án trọng điểm, chiến lược của Việt Nam. Để làm được điều này, chính sách thu hút đầu tư phải thực sự hấp dẫn, có sự khác biệt, trong đó có thể cân nhắc việc hình thành mô hình trung tâm tài chính xanh tại Việt Nam nhằm hút vốn đầu tư vào những dự án về chống biến đổi khí hậu mang tầm khu vực và quốc tế.

Năm 2024: Bản lề cho sự bứt phá - Ảnh 7

Với những phân tích như trên, theo ông, triển vọng tăng trưởng trong năm 2024 là như thế nào?

Năm 2024 còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi kinh tế thế giới phục hồi chậm, lạm phát hạ nhưng vẫn ở mức tương đối cao, dòng vốn đầu tư toàn cầu vẫn trong xu hướng suy giảm và những rủi ro từ địa chính trị… Đáng lưu ý hơn là không gian chính sách tiền tệ và tài khóa của các nền kinh tế lớn trên thế giới không còn nhiều, tức là chính sách giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng trở lại sẽ không dễ dàng mà trở nên thận trọng. Điều này đồng nghĩa với rủi ro kinh tế thế giới có khả năng “hạ cánh” chưa an toàn.

Cùng với đó, các nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam lại đang phải đối mặt với tình trạng nợ công cao. Do vậy, dư địa cho các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp để mở rộng đầu tư không nhiều. Triển vọng tăng trưởng của các quốc gia này cũng không quá tích cực và điều này sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Dẫu vậy, không gian chính sách của Việt Nam đang khá rộng,  đã tạo được những yếu tố nền tảng trong năm 2023 như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải cách thị trường minh bạch và sự năng động trong tìm kiếm các cơ hội đầu tư, hợp tác mới… Đây sẽ là cơ sở để kinh tế Việt Nam tiếp tục đà sôi động trong năm 2024.

Năm 2024: Bản lề cho sự bứt phá - Ảnh 8

VnEconomy 11/02/2024 11:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Năm 2024: Bản lề cho sự bứt phá - Ảnh 9