Năm 2024, kinh tế bứt phá là tiền đề phát triển Đà Nẵng theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị
Lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng đạt mức tăng trưởng trên 2 con số (10,18%) trong quý 4. Tính chung GRDP năm 2024 ước tăng 7,51% so với năm 2023; đặc biệt lĩnh vực du lịch, dịch vụ đạt tăng trưởng vượt hơn 32%; lĩnh vực công nghiệp-xây dựng tăng trưởng bứt phá (quý 3 tăng 11,5%, quý 4 tăng 14,8%)…
Báo cáo tại kỳ họp lần thứ 21, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 (diễn ra từ ngày 11-13/12), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết tình hình kinh tế xã hội Đà Nẵng trong năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực, GRDP ước tăng 7,51% so với năm 2023; tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 10,9 triệu lượt, tăng 32,8% so với năm 2023; thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 25.685 tỷ đồng, bằng 133,3% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 119,9% so với cùng kỳ năm 2023…
TĂNG TRƯỞNG BỨT PHÁ TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM
Về thị trường bán lẻ hàng hóa tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, năm 2024 doanh thu ước đạt hơn 75 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2023, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các mặt hàng chủ lực như dệt may, thủy sản, sản phẩm động cơ, điện, điện tử trong năm qua có nhiều đơn hàng tăng trở lại, góp phần tăng sản phẩm phục vụ tiêu dùng và đa dạng, phong phú chủng loại hàng hóa xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê, ước đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng đạt 1,916 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,315 tỷ USD, tăng 15,2%.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng có nhiều bứt phá mạnh mẽ. Lần đầu tiên sau nhiều năm, giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng trong 6 tháng cuối năm đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với khu vực dịch vụ (quý 3/2024 tăng 11,5%; quý 4 tăng 14,8%) trở thành 1 trong 2 trụ cột tăng trưởng kinh tế thành phố.
Ngành công nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Đà Nẵng với doanh thu năm 2024 ước đạt 18.486 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 159 triệu USD.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung mạnh mẽ nguồn lực triển khai các hoạt động đẩy mạnh phát triển vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) theo định hướng phát triển chiến lược quốc gia. Thành phố Đà Nẵng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu Công viên phần mềm số 2 là Khu CNTT tập trung; thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch (DSAC); ban hành Đề án Phát triển chip vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Cùng với đó, hoạt động xúc tiến đầu tư được thành phố tập trung đẩy mạnh, trong năm 2024, Đà Nẵng đã thu hút được 213,4 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 17,9% so với cùng kỳ 2023 và thu hút được 70,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2024 ước đạt 32,85 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2023.
Năm qua, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn trong lĩnh vực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi giúp các ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, tích cực giải ngân vốn đầu tư phát triển. Nhờ đó, các công trình động lực, trọng điểm được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, kịp thời khởi công, khánh thành, đưa vào sử dụng nhiều dự án, công trình quan trọng. Đến nay thành phố đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hoà Liên - Tuý Loan, đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B (đoạn qua địa bàn Đà Nẵng). Đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ thống nhất một số chủ trương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối dự án Cảng Liên Chiểu (Phần kêu gọi đầu tư) và Nút giao đầu tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi làm cơ sở triển khai thi công trong thời gian đến.
Tính đến ngày 30/11, thành phố Đà Nẵng đã giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đạt 4.712,3 tỷ đồng, bằng 64,6% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 53% kế hoạch vốn do HĐND thành phố Đà Nẵng giao; ước đến 31/01/2025 dự kiến sẽ đạt 95% kế hoạch.
DU LỊCH TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, năm 2024, hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khởi sắc, là điểm sáng trong phát triển kinh tế của thành phố; nhiều hoạt động sự kiện, lễ hội mang tầm quốc gia và quốc tế, sản phẩm du lịch dịch vụ du lịch được tổ chức và đưa vào hoạt động, góp phần tạo không khí sôi động, tươi mới thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Đà Nẵng.
Trong năm 2024, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 10,75 triệu lượt, tăng 45% so với năm 2023, vượt 28% so với kế hoạch do UBND thành phố giao. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 4,1 triệu lượt, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2023, vượt 64% so với kế hoạch năm; khách nội địa ước đạt 6,65 triệu lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 12% so với kế hoạch năm 2024. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2024 ước đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2023, vượt 13% so với kế hoạch năm.
Trong năm 2024, Đà Nẵng nỗ lực xúc tiến khôi phục các đường bay quốc tế như Viêng Chăn (Lào) - Đà Nẵng; Ahmedabad (Ấn Độ) - Đà Nẵng; Xúc tiến mở mới đường bay Cheongju (Hàn Quốc) - Đà Nẵng; Đài Trung (Đài Loan, Trung Quốc) - Đà Nẵng. Bên cạnh đó, xúc tiến hỗ trợ 02 hãng hàng không mới lần đầu khai thác tại Đà Nẵng, là Hãng Malaysia Airlines khai thác đường bay Kuala Lumpur - Đà Nẵng; hãng Hong kong Airlines khai thác đường bay Hồng Kông - Đà Nẵng và khôi phục đường bay nội địa từ Đà Lạt, Phú Quốc, Cần Thơ đến Đà Nẵng. Nhờ đó, đến nay, đã có 23 đường bay đến Đà Nẵng (07 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế thường kỳ); tần suất trung bình 111 chuyến bay/ngày đến Đà Nẵng, trong đó 52 chuyến quốc tế, 59 chuyến nội địa.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, điểm khác biệt của du lịch Đà Nẵng trong năm 2024 đó là không có “mùa du lịch thấp điểm”, bởi trong suốt cả năm qua, thành phố đã thu hút đông đảo lượng khách trong nước và quốc tế thông qua việc tổ chức thành công nhiều sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế như Lễ hội Pháo hoa quốc tế, Lễ hội tận hưởng Đà Nẵng, Giải Golf phát triển châu Á, Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng, Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng, Cuộc thi IRONMAN 70.3 Việt Nam, SPRINT và IRONKIDS, Lễ hội bóng đá Việt Nam - Brazil, Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á, Lễ hội chào Năm mới, các sự kiện âm nhạc live show, Tour lưu diễn The Music of ABBA...
Các khu điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội, đưa sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ du khách như Sun World Bà Nà Hills; Tổ hợp Da Nang Downtown; Mikazuki; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài; khởi công Dự án khu biệt thự biển Mandarin Oriental, dự án Nubu Đà Nẵng…
Cùng với đó, môi trường du lịch, cảnh quan cũng được thành phố quan tâm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống đeo bám, chèo kéo khách; công tác cứu hộ bãi biển đã được triển khai với nhiều biện pháp với hiệu quả được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Năm 2025, ngành Du lịch thành phố sẽ tập trung triển khai 03 khâu đột phá phát triển gồm: sản phẩm du lịch, thị trường - đường bay và chất lượng dịch vụ. Với 3 trụ cột phát triển này, góp phần giúp Đà Nẵng định vị là thành phố điểm đến của các Lễ hội và Sự kiện hàng đầu châu Á.
THỰC HIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VƯỢT TRỘI
Năm 2025 là năm thành phố tập trung sắp xếp tinh gọn bộ máy và triển khai nhiều chính sách Trung ương giao. Năm nay, Đà Nẵng chọn chủ đề là “Năm tập trung sắp xếp tinh gọn bộ máy, gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù” nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế thành phố.
Theo đó, năm 2025, Đà Nẵng đề xuất mục tiêu tăng trưởng với một số một chỉ tiêu quan trọng chủ yếu, đó là: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9% so với năm 2024 và phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10%; Giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 9-9,3%; công nghiệp - xây dựng ước tăng 9-9,5%; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 8-9%; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 10% so với dự toán Trung ương giao, trong đó thu nội địa tăng 15%; Tổng vốn đầu tư phát triển ước tăng 12,5-13%...
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Đà Nẵng tiếp tục phát triển lĩnh vực dịch vụ, du lịch; đồng thời rà soát, điều chỉnh và xây dựng chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại điện tử; đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại...
Thành phố tập trung hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Khu Công viên phần mềm số 2, trong đó có Không gian đổi mới sáng tạo và các phòng lab dành cho đào tạo vi mạch và AI; các dự án về hạ tầng thông tin và các dự án về kho dữ liệu, nâng cấp hệ thống chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng; tiếp tục triển khai Đề án Thành phố thông minh và Đề án Chuyển đổi số.
Cùng với đó, Đà Nẵng cũng tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước với các chính sách đặc thù vượt trội theo tinh thần Nghị quyết 136/2024/QH15; Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư - xây dựng cơ bản, công tác quản lý quy hoạch, đô thị, quản lý tài nguyên và môi trường.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị các cơ quan, Ban ngành, đặc biệt là HĐND thành phố cần mạnh dạn đưa vấn đề cải cách thủ tục hành chính ra thảo luận bàn bạc, để thống nhất cao chủ trương cắt giảm những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Quảng cho rằng một vấn đề chúng ta đang đối mặt đó là nghị quyết ban hành rất hay, nhưng tổ chức thực hiện thì rất nhiều khó khăn, nhiều vướng mắc do thủ tục dẫn đến quá trình triển khai không hiệu quả. Trong khi đó các thủ tục do chính chúng ta đặt ra. Vừa qua, rất nhiều chính sách ban hành xong nhưng người dân, doanh nghiệp không tiếp cận được. Vì vậy, ông Quảng đề nghị cần có những quyết sách mạnh mẽ phù hợp với thực tiễn, nhất là phải giản lược về trình tự thủ tục, rút ngắn về thời gian và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận được các chính sách và các cơ chế mang tính đột phá vượt trội của Thành phố đủ sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và người nước.
Thời gian tới, ngoài các cơ chế của Trung ương, TP. Đà Nẵng sẽ có những cơ chế vượt trội, đặc thù để quan tâm đến đời sống của cán bộ, công chức khi một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức sẽ không còn làm nhiệm vụ của mình do tinh giản bộ máy hành chính theo chủ trương của Trung ương.
“Thành phố cần phải sớm có những cơ chế, chính sách và có sự đồng thuận của người dân, thông suốt về mặt tư tưởng của cán bộ, đảng viên, để việc sắp xếp tinh gọn bộ máy gắn với cắt giảm thủ tục hành chính đảm bảo đúng yêu cầu của Trung ương; triển khai có hiệu quả Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế TP. Đà Nẵng trong năm 2025”, ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.