Năm 2024: Tiếp tục các giải pháp khơi dòng tín dụng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1
Năm 2024: Tiếp tục các giải pháp khơi dòng tín dụng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2

Thưa Phó Thống đốc, năm 2023 đã đi qua và một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn trong hoạt động của ngành ngân hàng là tăng trưởng tín dụng. Vậy ông có thể đánh giá tổng thể về những khó khăn, thách thức đối với hoạt động tín dụng ngân hàng năm 2023?

Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động phức tạp, đan xen cả từ thị trường trong nước và quốc tế, diễn biến tăng trưởng tín dụng năm 2023 có những điểm rất khác biệt so với những năm trước đây. Khi đó, tăng trưởng tín dụng luôn bám rất sát với chỉ tiêu định hướng của Ngân hàng Nhà nước cho thấy nhu cầu vốn qua kênh tín dụng ngân hàng để phát triển kinh tế rất lớn và Ngân hàng Nhà nước luôn phải điều hành tín dụng rất linh hoạt đề vừa đảm bảo nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng cũng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngược lại, năm 2023, các tổ chức tín dụng phải đối mặt với tình trạng “thừa tiền”, không thể đẩy mạnh giải ngân tín dụng tới khách hàng do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm sút đáng kể.

Năm 2023 có thể nói là một năm gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành tín dụng, thể hiện ở một số khía cạnh.

Trước hết, phía cầu tín dụng ngân hàng suy giảm là hệ quả tất yếu khi nền kinh tế gặp khó khăn và có thể được giải thích thông qua một số nguyên nhân. Một là, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đơn hàng bị cắt giảm, tồn kho lớn do cầu trong nước và quốc tế suy giảm khiến nhu cầu vay vốn ngân hàng giảm. Hai là, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn khiến nhà đầu tư có tâm lý phòng thủ, chờ đợi thời điểm thích hợp hơn để thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh cũng khiến nhu cầu vay vốn giảm. Ba là, tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình sẽ làm tăng nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai và làm giảm nhu cầu vay tín dụng ngân hàng để mở rộng chi tiêu. Đây là hiện tượng phổ biến trên thế giới, thể hiện rõ nét nhất trong bối cảnh các quốc gia gặp phải các cuộc khủng hoảng kinh tế.

Năm 2024: Tiếp tục các giải pháp khơi dòng tín dụng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế - Ảnh 3

Bên cạnh đó, xét về bối cảnh kinh tế thế giới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tăng trưởng kinh tế thế giới và nhiều quốc gia, khu vực giảm tốc trong đó có nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam tác động tiêu cực tới xuất khẩu trong nước. Lạm phát thế giới vẫn ở mức cao hơn mục tiêu ở nhiều nước khiến nhiều ngân hàng trung ương chủ chốt tiếp tục tăng và duy trì lãi suất ở mức cao, gây áp lực lớn tới điều hành lãi suất, tỷ giá trong nước. Giá hàng hóa thế giới diễn biến khó lường trước các sự kiến chiến tranh, biến đổi khí hậu, chính sách an ninh lương thực … và tiềm ẩn những rủi ro làm tăng giá hàng hóa trong nước, gây sức ép tới lạm phát. 

Trong nước, kinh tế gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế sụt giảm trong khi áp lực lạm phát tăng cao ngay từ đầu năm, các hoạt động xuất khẩu, đầu tư gặp khó khăn làm giảm nhu cầu vay vốn. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ... chưa phát huy hiệu quả. Trong khi đó, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm doanh nghiệp bất động sản.

​Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn. Khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả, tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay. Chưa kể, nợ xấu có xu hướng tăng tại một số tổ chức tín dụng, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng.

Tất cả những khó khăn nội tại nói trên đã trở thành những rào cản nhất định trong việc cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng tới nền kinh tế.

Năm 2024: Tiếp tục các giải pháp khơi dòng tín dụng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế - Ảnh 4

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất, tín dụng ra sao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thưa ông?

Tại Việt Nam, vai trò của kênh tín dụng ngân hàng là đặc biệt quan trọng trong việc cung ứng vốn phát triển kinh tế, đặc biệt là khi các kênh huy động qua thị trường vốn như cổ phiếu, trái phiếu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm sút đáng kể, việc điều hành tín dụng linh hoạt, chủ động để cung ứng đầy đủ vốn cho phục hồi tăng trưởng kinh tế được coi là một giải pháp quan trọng, căn cơ trong tổng thể điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Đứng trước những khó khăn liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Trước hết, Ngân hàng Nhà ước điều hành đảm bảo nguồn cung tín dụng. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đây là mức tăng trưởng định hướng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây; cho thấy một thông điệp và quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước để mở rộng tín dụng, thực hiện các giải pháp tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng với tổng mức thông báo là 14,5%. Trước tình hình tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức thấp hơn kỳ vọng và không đồng đều giữa các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết chỉ tiêu được giao sang các đơn vị có khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn số đã được giao và tiếp tục điều hành để tăng trưởng tín dụng năm 2023 không vượt quá chỉ tiêu định hướng đầu năm song vẫn đảm bảo dư địa, thanh khoản đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống.

Năm 2024: Tiếp tục các giải pháp khơi dòng tín dụng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế - Ảnh 5

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có lãi suất cho vay. Thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng và phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng vận động các tổ chức tín dngj triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay đối với cả khoản cho vay mới và dư nợ cũ. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất đã giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022, bằng mức lãi suất cho vay trước đại dịch Covid 19, vượt kỳ vọng giảm 1-1,5% đặt ra từ đầu năm và sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.​

Bên cạnh các giải pháp điều hành tín dụng, để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: Rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng. Ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN) nhằm tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố và một số vùng trên cả nước (Đông Nam Bộ, Tây Nguyên), các thành phố trọng điểm (Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên,…), các Hội nghị tín dụng chuyên đề (lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực,…) nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.... Chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay và cắt, giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống tổ chức tín dụng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống liên tục được cải thiện, đến 31/12/2023, tín dụng tăng trưởng 13,71% so với cuối năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng phù hợp, lành mạnh hơn, dòng vốn được luân chuyển tới các khu vực sản xuất kinh doanh, các động lực của nền kinh tế...

Năm 2024: Tiếp tục các giải pháp khơi dòng tín dụng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế - Ảnh 6

Năm 2024 được dự báo vẫn còn nhiều thách thức với điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc có thể chia sẻ thêm về những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước nhằm tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế?

Năm 2024 có thể coi là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đề ra cho giai đoạn 2021-2025. Một trong những nhiệm vụ quan trọng  của Ngân hàng Nhà nước năm 2024 đó chính là điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt để khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội, đóng góp tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn khi các kênh huy động vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu vẫn còn ách tắc nên nhu cầu vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng, khiến áp lực đặt nặng lên việc điều hành tín dụng trong khi vẫn cần phải kiên định nguyên tắc không hạ chuẩn tín dụng, đảm bảo kiểm soát rủi ro và an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục giảm tốc và các điều kiện tài chính vẫn duy trì thắt chặt ít nhất đến hết nửa đầu năm 2024 sẽ tiếp tục gây sức ép tới công tác điều hành chính sách tiền tệ trong nước.

Để vượt qua những thách thức đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau.

Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, đảm bảo thanh khoản, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về vốn của các tổ chức tín dụng. Điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Năm 2024: Tiếp tục các giải pháp khơi dòng tín dụng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế - Ảnh 7

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản…). Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.  Tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Bên cạnh đó, với những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong năm 2023, có thể thấy để tín dụng ngân hàng thực sự phát huy vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả, phục vụ đầy đủ các nhu cầu của nền kinh tế thì chỉ sử dụng các giải pháp điều hành từ Ngân hàng Nhà nước là không đủ mà cần có sự chỉ đạo toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan, sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức tín dụng và sự cố gắng, nỗ lực của chính bản thân người vay vốn để đáp ứng các điều kiện được cấp tín dụng. Các giải pháp cần phải hướng tới xử lý toàn diện các điểm nghẽn trong quy định pháp lý, cơ chế, thủ tục hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, kích thích nhu cầu tín dụng một cách thực chất, lành mạnh trong khi đảm bảo nguồn cung tín dụng đầy đủ với chi phí hợp lý.

Về phía các doanh nghiệp, rất cần thiết nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn thông qua các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…).

Năm 2024: Tiếp tục các giải pháp khơi dòng tín dụng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế - Ảnh 8

VnEconomy 10/02/2024 09:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Năm 2024: Tiếp tục các giải pháp khơi dòng tín dụng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế - Ảnh 9