![Nam Trung Bộ: Điểm sáng thu hút đầu tư về công nghệ bền vững - Ảnh 1](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/02/12/pv-kim-nyoun-ho-cv-01.png)
![Nam Trung Bộ: Điểm sáng thu hút đầu tư về công nghệ bền vững - Ảnh 2](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/02/12/pv-kim-nyoun-ho-cv-02.png)
Thưa ông, sự gia tăng đáng kể của dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm 2024 trong nhiều lĩnh vực đã cho thấy sức hút ngày càng mạnh mẽ của thị trường Việt Nam với doanh nghiệp Hàn Quốc. Vậy, đâu là những yếu tố chính đã giúp Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc?
Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc như môi trường chính trị ổn định, lực lượng lao động trẻ dồi dào, cùng với nền kinh tế phát triển ổn định. Ngoài ra, Việt Nam cũng là đất nước có vị trí chiến lược nằm ở trung tâm Đông Nam Á với hệ thống giao thông, logistics quốc tế thuận tiện, du lịch phát triển càng khiến quốc gia này trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế quốc gia nhờ vào lợi thế về cơ sở hạ tầng logistics và giao thông hiện đại, đồng thời là trung tâm của các ngành công nghệ tiên tiến và thị trường tiêu dùng sôi động. Môi trường sống lý tưởng với khí hậu dễ chịu, chi phí sinh hoạt hợp lý, giúp các doanh nghiệp nước ngoài giảm thiểu chi phí vận hành.
Hơn nữa, các chính sách ưu đãi thuế và khuyến khích đầu tư của Chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây càng làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.
![Nam Trung Bộ: Điểm sáng thu hút đầu tư về công nghệ bền vững - Ảnh 3](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/02/12/pv-kim-nyoun-ho-cv-03.png)
Quan hệ thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam đang có sự chuyển dịch rõ rệt, khi các lĩnh vực truyền thống như điện tử, dệt may, nông sản và thủy sản dần nhường chỗ cho sự bùng nổ của công nghệ cao tại TP.HCM. Theo ông, những cơ hội nào đang mở ra cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại thị trường TP.HCM?
TP.HCM đang khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp công nghệ cao nhờ vào những yếu tố then chốt như: cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống cảng, sân bay quốc tế và các khu công nghiệp tiên tiến, giúp thành phố kết nối mạnh mẽ với các thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực kỹ thuật chất lượng, được đào tạo bài bản tại các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu, cũng là một lợi thế lớn.
Đặc biệt, các chính sách đột phá (như Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2021) với những ưu đãi đầu tư cao nhất dành cho các dự án công nghệ cao, cùng sự nỗ lực không ngừng của thành phố trong thu hút đầu tư, đã tạo ra môi trường thuận lợi, hấp dẫn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.
![Nam Trung Bộ: Điểm sáng thu hút đầu tư về công nghệ bền vững - Ảnh 4](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/02/12/pv-kim-nyoun-ho-cv-04.png)
Thị trường Nam Trung Bộ hiện đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp Hàn Quốc với xu hướng đầu tư đa lĩnh vực. Ông có thể chia sẻ về một số hướng đầu tư mới này trong năm 2025?
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang gia tăng đầu tư vào khu vực Nam Trung Bộ Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như xe điện, năng lượng tái tạo và công nghệ cao. Những xu hướng đầu tư này không chỉ đồng điệu với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam mà còn mang lại cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Tiêu biểu trong các dự án đầu tư của năm 2024, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 4 tỷ USD vào Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn tại quốc gia này lên gấp đôi. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra khoảng 10.000 việc làm mới. Theo đó, vốn đầu tư sẽ được tập trung vào hai dự án lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm nhà máy sản xuất công nghệ sinh học và nhà máy sợi carbon, dự kiến sẽ khởi công vào đầu năm 2025.
Một dự án đáng chú ý khác là kế hoạch phát triển thành phố thông minh tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trong năm 2023, đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng cùng với các doanh nghiệp địa phương đã tham quan khu triển lãm Dongtan (Hàn Quốc) để tìm hiểu mô hình thành phố thông minh để có thể áp dụng vào phát triển Đà Lạt. Dự án hợp tác giữa các đối tác Việt - Hàn như P&T Global và
K-VINA Cobecam sẽ xây dựng một thành phố du lịch thông minh với hệ thống giao thông hiện đại, nhà ở và các dịch vụ thương mại tiên tiến.
Về dự án xe điện, có hai hợp tác tiêu biểu đáng chú ý. Một là, thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Samsung SDI và Selex Motors, công ty khởi nghiệp xe điện tại Việt Nam. Samsung SDI sẽ cung cấp pin cho xe điện và phát triển mạng lưới trao đổi pin nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng năng lượng chia sẻ tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Hai là, Biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Xe điện hai bánh Hàn Quốc và Hiệp hội Doanh nghiệp và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc (VKBIA) để thúc đẩy ngành xe điện hai bánh tại Việt Nam nhằm phát triển nguồn nhân lực và mở rộng thị trường ASEAN, đặc biệt là tại TP.HCM.
![Nam Trung Bộ: Điểm sáng thu hút đầu tư về công nghệ bền vững - Ảnh 5](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/02/12/pv-kim-nyoun-ho-cv-05.png)
Đối với các dự án về năng lượng xanh, Việt Nam cần làm gì để tối ưu hóa cơ hội từ những xu hướng đầu tư này?
Dự án Eco Smart City của Tập đoàn Lotte tại khu vực Thủ Thiêm, TP.HCM là một trong những dự án năng lượng xanh đáng chú ý. Dự án này tập trung vào phát triển đô thị bền vững với công nghệ thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng. Dự kiến sẽ hoàn thành trong ba năm và đóng góp vào việc tạo dựng một thành phố xanh và hiện đại.
Trước đó vào tháng 7/2024, “Tuần lễ quan hệ đối tác tăng cường Việt-Hàn” đã được tổ chức tại TP.HCM, do Cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc phối hợp tổ chức. Sự kiện tạo cơ hội để hai quốc gia tăng cường hợp tác trong các ngành công nghiệp thông minh, bền vững và năng lượng tái tạo tại khu vực Nam Trung Bộ Việt Nam.
Điểm sáng trong sự kiện là sáng kiến năng lượng tái tạo của Công ty Nanum Energy (Hàn Quốc), đã ký kết Biên bản ghi nhớ với 9 đối tác Việt Nam để triển khai các dự án năng lượng tái tạo tích hợp. Các dự án bao gồm: lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS), và cơ sở hạ tầng sạc xe điện tại các khu công nghiệp TP.HCM, với mục tiêu tạo dựng một hệ sinh thái năng lượng bền vững và thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, các công ty Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào năng lượng sạch, nhà máy điện khí và khai thác chế biến đất hiếm, nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng đang làm việc với Chính phủ Việt Nam để điều chỉnh khung pháp lý cho các dự án công nghệ tiên tiến, bao gồm xe tự lái và xe máy điện, tạo tiền đề cho các dự án thí điểm và hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc phát triển tại thị trường Việt Nam. Những nỗ lực này sẽ không chỉ giúp đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia, mà còn tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.
![Nam Trung Bộ: Điểm sáng thu hút đầu tư về công nghệ bền vững - Ảnh 6](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/02/12/pv-kim-nyoun-ho-cv-06.png)
Các công ty Hàn Quốc như Han Yang, Amkor và Hana Micron đã bắt đầu đầu tư vào ngành bán dẫn tại khu vực phía Bắc của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành bán dẫn tại khu vực Nam Trung Bộ vẫn còn khá mới mẻ. Ông có thể chia sẻ về các chiến lược và kế hoạch của Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KOCHAM) trong việc thu hút các dự án bán dẫn Hàn Quốc vào TP.HCM và các tỉnh miền Trung trong thời gian tới không?
Mặc dù ngành công nghiệp bán dẫn ở khu vực Nam Trung Bộ đang ở giai đoạn “chớm nở” song vẫn đầy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. KOCHAM đang triển khai một chiến lược toàn diện hợp tác với Chính phủ Việt Nam để thành lập các cụm công nghiệp bán dẫn phù hợp với đặc điểm của khu vực. Đồng thời, chúng tôi tích cực truyền thông về các chính sách ưu đãi thuế và khuyến khích đầu tư dành riêng cho doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực tiềm năng này.
![Nam Trung Bộ: Điểm sáng thu hút đầu tư về công nghệ bền vững - Ảnh 7](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/02/12/pv-kim-nyoun-ho-cv-07.png)
Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực có kỹ năng được xem là hai yếu tố then chốt trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ông đánh giá thế nào về những thách thức này tại khu vực Nam Trung Bộ, cũng như tiềm năng mở rộng chuỗi cung ứng bán dẫn tại Việt Nam?
KOCHAM đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn tại Nam Trung Bộ, đồng thời triển khai các chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực địa phương để “đón đầu” các dự án tiềm năng sắp tới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng trọng yếu như điện, logistics và viễn thông… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn.
Tuy nhiên, để chuyển đổi ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam từ các hoạt động lắp ráp cơ bản sang các phân khúc R&D có giá trị gia tăng cao hơn, cần phải có một phương pháp tiếp cận đa diện thông qua 3 định hướng sau:
Thứ nhất, tăng cường đầu tư vào R&D để từ đó xây dựng các trung tâm R&D tại địa phương, nhằm thúc đẩy khả năng công nghệ tiên tiến cho khu vực thông qua chuyển giao công nghệ.
Thứ hai, cần phải hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước để nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao.
Thứ ba, Việt Nam cần tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn bằng cách đơn giản hóa và rút ngắn quy trình đầu tư, đặc biệt quan trọng đối với các công ty công nghệ thông tin, vốn yêu cầu quyết định nhanh chóng trong giai đoạn đầu tư. Hiện nay, quy trình đầu tư kéo dài và phức tạp là một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần xem xét triển khai các dịch vụ ưu tiên và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp nước ngoài.
![Nam Trung Bộ: Điểm sáng thu hút đầu tư về công nghệ bền vững - Ảnh 8](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/02/12/pv-kim-nyoun-ho-cv-08.png)
Dựa vào những kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn của Hàn Quốc, ông có thể chia sẻ một vài sáng kiến có thể hỗ trợ Việt Nam giải quyết những khó khăn này không?
Với kinh nghiệm phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn của Hàn Quốc, chúng tôi đang tích cực hỗ trợ Việt Nam để phát triển ngành nhân lực chất lượng cao thông qua các sáng kiến hợp tác song phương.
Cụ thể, KOCHAM đã lên kế hoạch kết nối hai viện nghiên cứu hàng đầu của Hàn Quốc, Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) và Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ và chuyên môn về chuỗi cung ứng bán dẫn theo yêu cầu của Chính phủ. Thông qua sáng kiến này, KOCHAM sẽ triển khai các chương trình đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực kỹ thuật cao giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tích cực tổ chức chuỗi Diễn đàn Hợp tác số Hàn Quốc-Việt Nam, đã diễn ra trong năm 2024 và sẽ tiếp tục vào năm 2025. Các diễn đàn này nhằm thúc đẩy hợp tác về công nghệ và kinh doanh thông qua mạng lưới và trao đổi thông tin, hỗ trợ các dự án đầu tư giữa hai quốc gia.
Những sáng kiến nói trên không chỉ giúp các công ty Hàn Quốc thành công trong việc thiết lập hoạt động tại Việt Nam, mà còn củng cố mối quan hệ đối tác để duy trì chuỗi cung ứng giữa hai quốc gia, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
![Nam Trung Bộ: Điểm sáng thu hút đầu tư về công nghệ bền vững - Ảnh 9](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/02/12/pv-kim-nyoun-ho-cv-09.png)
VnEconomy 13/02/2025 13:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 6-2025 phát hành ngày 10/2/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1247