Ngân hàng nào có tỷ lệ CIR cải thiện mạnh nhất trong nửa đầu năm?
Tỷ lệ CIR càng thấp cho thấy ngân hàng hoạt động càng hiệu quả, tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu. Bức tranh về tỷ lệ CIR của các ngân hàng hiện nay có sự phân hóa khá mạnh...
Chỉ số CIR (Cost to Income Ratio) thể hiện tổng chi phí hoạt động của ngân hàng chiếm bao nhiêu phần trăm tổng doanh thu của ngân hàng đó, từ đó cho thấy mức độ hiệu quả trong vận hành của ngân hàng. Đây được coi là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của các nhà băng. Tỷ lệ CIR càng thấp được coi là càng tốt.
Báo cáo tài chính cho thấy, tỷ lệ CIR có sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong 17 ngân hàng niêm yết trên HoSE, SHB có tỷ lệ CIR thấp nhất với chỉ 20,8% trong khi Sacombank có tỷ lệ CIR cao nhất ở mức 46,4%.
Đáng chú ý, nhiều nhà băng ghi nhận CIR có sự cải thiện đáng kinh ngạc trong nửa đầu năm. Trong 17 ngân hàng niêm yết trên HoSE, có tới 10 nhà băng giảm được tỷ lệ CIR.
3 ngân hàng gây ấn tượng nhất là Eximbank, Sacombank, LienVietPostBank khi tỷ lệ CIR lần lượt giảm 17 điểm %, 9,9 điểm % và 9 điểm % so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, tỷ lệ CIR của LienVietPostBank trong 6 tháng đầu năm 2022 đã giảm xuống còn 35,5%. Trong khi, dù đã giảm mạnh, hiện tỷ lệ CIR của Eximbank và Sacombank vẫn đang ở trên mốc 40%.
Xu hướng CIR giảm mạnh ở một số ngân hàng cũng gây ngạc nhiên cho giới phân tích. Theo nhận định của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tỷ lệ CIR 6 tháng đầu năm 2022 của LienVietPostBank đã giảm xuống mức thấp hơn cả kỳ vọng của nhóm chuyên gia này do chi phí hoạt động được quản lý tốt hơn dự phóng.
Đi sâu vào báo cáo tài chính của LienVietPostBank cho thấy, chỉ số CIR được cải thiện mạnh mẽ nhờ tăng mạnh tổng thu nhập trong khi chi phí hoạt động được kiểm soát tốt.
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động của LienVietPostBank đạt hơn 7.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng tới 47,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động kinh doanh cốt lõi (tín dụng), hoạt động dịch vụ và hoạt động đầu tư chứng khoán cũng có kết quả khả quan. Trong khi đó, chi phí hoạt động (OPEX) của nhà băng này chỉ tăng 17,6% so với cùng kỳ lên 2.495 tỷ đồng.
Chuyển đối số được xem là một trong những yếu tố chính tạo nên bước đột phá của LienVietPostBank trong tối ưu chi phí hoạt động. Hành trình số hóa của nhà băng này đã được khởi động từ sớm, với sản phẩm gây chú ý là Ví Việt – thẻ phi vật lý ra mắt năm 2017. Đến năm 2020, ngân hàng ra mắt LienViet24h, tích hợp dịch vụ của Ví Việt, Internet Banking, Mobile Banking lên cùng một nền tảng để đáp ứng toàn diện nhu cầu khách hàng trên một ứng dụng duy nhất.
Nhờ liên tục cập nhật những tính năng, công nghệ mới mà lượng khách hàng giao dịch trên kênh số của LienVietPostBank tăng ấn tượng, giúp giảm chi phí hoạt động và tăng nguồn thu cho ngân hàng.
Một lý giải nữa cho việc CIR của LienVietPostBank cải thiện mạnh mẽ như vậy là do những năm trước, nhà băng này có kế hoạch nâng cấp các phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng nên cần chi phí khá lớn. Đây cũng được xem là chiến lược khác biệt của LienVietPostBank, ngân hàng chấp nhận chi phí hoạt động ở mức cao trong những năm trước để tạo nền tảng bứt phá sau này.
Cụ thể, dù là ngân hàng tầm trung nhưng LienVietPostBank sở hữu mạng lưới lớn nhất trong các ngân hàng tư nhân. Nhà băng này sở hữu 556 chi nhánh và phòng giao dịch, cùng 613 phòng giao dịch bưu điện trên toàn quốc. Hệ thống phủ khắp đến tận làng xã là lợi thế để LienVietPostBank đẩy mạnh bán lẻ, gia tăng lợi nhuận. Mảng bán lẻ cũng là động lực chính giúp thu nhập lãi thuần của LienVietPostBank tăng tới 40% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Ngoài ra, LienVietPostBank tin rằng, phát triển ngân hàng số kết hợp với mở rộng điểm giao dịch sẽ tạo ra cộng hưởng lớn hơn. Bởi thực tế, hiện ngân hàng số giúp các nhà băng nhanh chóng mở rộng tệp khách hàng, nhưng điều này chỉ dễ dàng ở thành thị và lại gặp khá nhiều khó khăn ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa do thiếu chi nhánh, phòng giao dịch để tiếp cận.
Ví dụ từ LienVietPostBank cũng cho thấy, trong nhiều trường hợp, CIR ở mức cao không hẳn là tiêu cực, có thể do ngân hàng đang trong giai đoạn đầu tư khiến cho chi phí hoạt động tăng mạnh ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, nếu chiến lược đầu tư đó đúng đắn và hiệu quả thì sẽ giúp ngân hàng kiểm soát chi phí tốt hơn, CIR sẽ lại giảm và từ đó giúp gia tăng lợi nhuận.