“Thành phố Hà Nội là một trong hai địa bàn trọng điểm trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank với 16 chi nhánh. Quy mô huy động vốn trên thị trường 1 đạt 359.000 tỷ đồng, chiếm 27% lượng vốn của toàn hệ thống Vietcombank. Dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội khoảng 250.000 tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ toàn hệ thống. Doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại đạt 14 tỷ USD, chiếm 16% tổng doanh số thanh toán quốc tế.
Để thúc đẩy tín dụng trên địa bàn Thủ đô, những tháng cuối năm, Vietcombank cam kết tiếp tục lộ trình giảm lãi suất cho vay với các khách hàng theo khả năng thông qua việc giảm dần lãi suất huy động vốn; đồng thời, tiết giảm các chi phí theo đúng chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay với các khách hàng mới, Vietcombank cũng triển khai 2 đợt giảm lãi suất từ đầu năm nay và cam kết tiếp tục giảm đợt 3 với toàn bộ khách hàng có dư nợ hiện hữu, với quy mô khoảng hơn 200.000 khách hàng và dư nợ khoảng 700.000 tỷ đồng. Với việc giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu, Vietcombank sẽ giảm khoảng 1.850 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2023.
Cùng các ngân hàng thương mại khác, Vietcombank giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên, triển khai tích cực chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước; triển khai các chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ. Vietcombank cũng triển khai các giải pháp giải ngân điện tử cho khách hàng, áp dụng chuyển đổi số trong quy trình cho vay, hỗ trợ khách hàng vay vốn trên môi trường số, nhằm rút ngắn thời gian thẩm định cũng như cấp tín dụng kịp thời cho khách hàng. Chính sách tài sản bảo đảm cũng linh hoạt, phụ thuộc vào từng đối tượng khách hàng, từng phương án kinh doanh sẽ áp dụng chính sách khác nhau.
Đặc biệt, không chỉ tổ chức đối thoại giữa Vietcombank với khách hàng, chúng tôi còn tổ chức đối thoại và hỗ trợ theo chuỗi, tức là đối thoại với khách hàng của khách hàng. Thậm chí, Vietcombank cùng khách hàng ra thị trường nước ngoài để kết nối trong chuỗi sản xuất kinh doanh cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam và Hà Nội. Các chương trình này phát huy hiệu quả tốt, hỗ trợ Vietcombank nắm bắt tốt hơn nhu cầu khách hàng cũng như tăng khả năng kết nối của khách hàng trong cả chuỗi cung ứng.
Liên quan đến việc thẩm định để cấp tín dụng với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa kéo dài hơn, theo đánh giá của chúng tôi, khách hàng lớn có hệ thống giám sát tài chính rất chặt chẽ, số liệu minh bạch, rõ ràng, đầy đủ, còn với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc quản lý tài chính yếu hơn, thiếu số liệu và nhiều khi chưa đạt tiêu chuẩn của ngân hàng. Do vậy, ngân hàng nhiều lúc phải cùng khách hàng thu thập số liệu và chuẩn hóa để cấp tín dụng, đương nhiên quy trình sẽ kéo dài hơn.
Chúng tôi rất mong doanh nghiệp ngày càng phát triển, chuẩn mực hóa về quản lý tài chính, sản xuất kinh doanh để số liệu sẵn sàng, minh bạch, đầy đủ theo đúng chuẩn mực, giúp quá trình cấp tín dụng thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Ngoài việc cấp tín dụng, Vietcombank cũng tăng cường tư vấn cho các khách hàng, chỉ rõ phương án gây rủi ro. Khi cả hai ngân hàng và khách hàng cùng tôn trọng nguyên tắc của nhau và cùng tuân thủ chuẩn mực tốt sẽ cùng phát triển bền vững, lâu dài”.
“Trước áp lực lạm phát toàn cầu, trong khi các ngân hàng trung ương khác đều tăng lãi suất một cách mạnh mẽ thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia rất táo bạo hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những giải pháp liên quan chính sách tiền tệ, hỗ trợ lãi suất cũng sắp đến giới hạn. Hiện vấn đề lãi suất và tín dụng ngân hàng không phải vấn đề cốt yếu đối với doanh nghiệp mà theo đánh giá, có lẽ rủi ro trong môi trường kinh doanh và những yếu tố khác đóng vai trò quan trọng hơn với doanh nghiệp khi đưa ra quyết sách đầu tư hay mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, ngoài việc thúc đẩy chính sách tiền tệ và tín dụng, cũng cần những giải pháp khác song hành như chính sách tài khoá hỗ trợ giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế.
Tại Techcombank, tăng trưởng tín dụng hết 8 tháng đạt khoảng gần 10%. Chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước cấp từ giờ đến cuối năm. Tháng 10 sắp tới, Techcombank sẽ tổ chức những buổi hội thảo cung cấp thông tin dự báo về kinh tế vĩ mô trong nước, quốc tế cũng như dự đoán về lãi suất, tỷ giá để doanh nghiệp có đầy đủ thông tin lên kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2024 và hạn chế rủi ro giúp phát triển an toàn, bền vững trong môi trường rất biến động của kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, Techcombank cũng đề xuất các cơ quan, ban, ngành có những chính sách, hướng dẫn chi tiết, cụ thể về hoạt động đổi mới công nghệ theo hướng kinh tế xanh, để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước. Đối với Bộ Tài chính, chúng tôi đề xuất đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế cho doanh nghiệp để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối và mở rộng các thị trường trên thị trường toàn cầu, tạo cầu cho hàng hóa Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục phát triển.
Về phía các doanh nghiệp, cần tập trung vào quản lý rủi ro, những hoạt động cốt lõi, đánh giá hiệu quả về phương án kinh doanh và phối hợp cùng ngân hàng để thông tin từ ngân hàng đến doanh nghiệp thông suốt, giúp doanh nghiệp huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh”.
“Chín tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế trong nước. Chi nhánh Hà Nội thực hiện nghiêm túc và kịp thời các chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và chỉ đạo của Agribank trong việc đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho vay và nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng, gỡ khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Agribank chi nhánh Hà Nội đã và đang là đối tác cung cấp vốn tin cậy trên địa bàn thành phố. Đến ngày 31/8/2023, chi nhánh đã 5 lần giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,3 - 2,5% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh; 2 - 3% với lĩnh vực tiêu dùng; 3 - 4% trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và triển khai 7 chương trình ưu đãi tín dụng, lãi suất thấp hơn từ 2 - 3% so với lãi suất cho vay thông thường; 2 lần giảm lãi suất trực tiếp với các khoản dư nợ hiện hữu; tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Không dừng lại ở đó, Agribank Hà Nội cung cấp các giải pháp tín dụng toàn diện cho doanh nghiệp để bảo lãnh và tài trợ thương mại.
Dù triển khai nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn nhưng sức hấp thụ của nền kinh tế chưa đạt như kỳ vọng, khả năng chống chịu của nhiều doanh nghiệp, cá nhân không còn như trước. Đơn hàng bị cắt giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra. Dòng tiền và các yếu tố áp lực từ phía đối tác và các điều kiện giao kết trong hợp đồng ngày càng gia tăng.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế đến nay, năng lực nội tại và khả năng chống chịu của doanh nghiệp suy giảm rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp do thiếu đơn hàng, hàng tồn kho tăng nên không có nhu cầu vay mở rộng sản xuất, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay nhưng chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn.
Trong bối cảnh sức hấp thu của nền kinh tế còn yếu, dư địa điều hành về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ, chính sách từ các bộ ngành, đặc biệt UBND TP. Hà Nội nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư công, xuất khẩu, kích thích tổng cầu, đẩy nhanh vòng quay vốn trong nền kinh tế, gia tăng nhu cầu đối với hệ thống ngân hàng.
Các cấp có thẩm quyền đẩy mạnh những thủ tục pháp lý liên quan đến các dự án đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản; hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai, giấy phép xây dựng để ngân hàng có cơ sở cấp tín dụng đối với các dự án hoàn thiện xong các thủ tục pháp lý, có tính khả thi để triển khai”.
“Tổng số dư tín dụng trên địa bàn Hà Nội của VietinBank đến ngày 31/8/2023 là 26 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tăng trưởng tín dụng toàn ngân hàng đạt gần 9%.
Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, VietinBank cũng triển khai nhiều chương trình, gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt trên địa bàn TP. Hà Nội, có thể kể đến như: Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% trên địa bàn Hà Nội đã đạt hơn 1.000 tỷ đồng; triển khai gói 30.000 tỷ đồng cho vay xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở khu công nhân; cho vay các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, với tổng dư nợ trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 42 nghìn tỷ đồng; lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm từ 2-3%; tiếp tục ưu đãi phí, giảm phí cho khách hàng...
Về phía ngân hàng, chúng tôi cũng đang gặp một số khó khăn bởi khi rủi ro của toàn nền kinh tế gia tăng thì chi phí vốn của chúng tôi cũng tăng rất mạnh. Do đó, chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền nhanh chóng phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho ngân hàng, để chúng tôi có điều kiện mở rộng tín dụng mà vẫn đảm bảo an toàn hoạt động.
Ngoài ra, chúng tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước sớm đưa ra các hướng dẫn về việc triển khai eKYC (electronic Know Your Customer, phương thức chuyển đổi số của KYC, cho phép xác minh danh tính khách hàng khi mở tài khoản, gửi tiền, rút tiền…) đối với các khách hàng là pháp nhân. Việc này sẽ giúp tiết giảm thời gian, thủ tục và chi phí cho khách hàng khi tiếp cận tín dụng.
Cuối cùng, chúng tôi cũng kiến nghị sớm có các hướng dẫn cụ thể về việc tài trợ cho các dự án xanh, phát triển bền vững. Hiện, nhu cầu vốn cho những dự án này lớn và vẫn đang chờ hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước”.
VnEconomy 26/09/2023 18:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2023 phát hành ngày 25-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam