17:50 09/09/2023

Ngành trứng thủy cầm lao đao, vì sao?

Chu Khôi

Bệnh do virus tembusu gây ra trên vịt đang tác động tiêu cực đến nghề chăn nuôi vịt ở nước ta, nhất là nuôi vịt lấy trứng và tình trạng suy giảm xuất khẩu trứng. Trước thách thức đó, các nhà nghiên cứu và một số doanh nghiệp đã nghiên cứu và ứng dụng thành công giải pháp để giám sát sự lưu hành virus tembusu trên vịt, sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh này gây ra…

Nuôi vịt lấy trứng là sinh kế quan trọng của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nuôi vịt lấy trứng là sinh kế quan trọng của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 8/9/2023, tại TP. HCM, đông đảo các doanh nghiệp và nông dân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, cùng các chuyên gia, các nhà quản lý ngành chăn nuôi đã tham dự hội thảo khoa học “Tembusu – Thách thức và Giải pháp”.

Hội thảo đã công bố phương pháp mới phát hiện sớm và chính xác virus Tembusu. Từ đó, giúp người chăn nuôi vịt chủ động được các biện pháp an toàn sinh học bảo vệ đàn vật nuôi và hạn chế tối đa thiệt hại trong quá trình sản xuất do loại dịch bệnh nguy hiểm này mang lại.

BỆNH MỚI, GÂY THIỆT HẠI LỚN TRONG NGÀNH TRỨNG THỦY CẦM

Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi vịt là nghề truyền thống lâu đời và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội ở nước ta, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên thế giới, vịt là loài vật nuôi đặc hữu tại khu vực Đông Nam Á và Đông Á, với tổng đàn chăn nuôi hàng năm vào khoảng 1,3 tỷ con trên toàn cầu.

Trong đó, đàn vịt phân bố tập trung nhiều nhất tại châu Á chiếm 88,90% tổng đàn thế giới. Mười nước có quy mô đàn vịt lớn trên thế giới xếp theo thứ tự gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Nga, Myama, Pháp, Ấn Độ, Thái Lan, Ukraina.

Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi phát biểu tại hội thảo.
Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi phát biểu tại hội thảo.

Tại Việt Nam số lượng đàn vịt cả nước trong 10 năm gần đây đều đạt trên 70 triệu con/năm, luôn đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Năm 2022, tổng đàn vịt trên cả nước đã vượt qua 80 triệu con, trong đó có 50 triệu con vịt chuyên lấy trứng và 30 triệu con vịt nuôi lấy thịt.

Với sản lượng trứng vịt thu hoạch hàng năm đạt khoảng 6,7 tỷ quả, trước đây Việt Nam từng là quốc gia xuất khẩu trứng vịt rất lớn, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia…  với lượng xuất khẩu lên đến hàng tỷ quả mỗi năm.

 

Sản lượng trứng gia cầm của Việt Nam năm 2022 đạt gần 17,6 tỷ quả, trong đó trứng gà chiếm 61,75%, trứng vịt chiếm 38,25%. Trung bình, tốc độ tăng trưởng về chỉ tiêu sản lượng trứng trong 10 năm trở lại đây của Việt Nam đạt 9,33%, tăng cao nhất trong toàn bộ các loại sản phẩm sản xuất của ngành chăn nuôi

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây xuất khẩu giảm mạnh, trong các năm 2020-2022 chỉ xuất khẩu được khoảng 20 triệu quả trứng/năm. Chỉ ra một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến xuất khẩu trứng vịt suy giảm, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết ở Việt Nam, bệnh do virus Tembusu là một bệnh mới xuất hiện từ 5 năm nay, nhưng đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi vịt.

Bệnh Tembusu còn được gọi là hội chứng lật ngửa giảm đẻ ở vịt xuất hiện lần đầu tiên ở Malaysia vào năm 1955, từ đó xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, thế nhưng đến năm 2019 bệnh này mới xuất hiện ở nước ta. Đến nay, bệnh này đã xuất hiện trên đàn vịt ở nhiều tỉnh, thành phố.

Bệnh chủ yếu cảm nhiễm trên vịt ở mọi độ tuổi với biểu hiện sinh trưởng chậm với vịt thịt, giảm hoặc ngừng sinh sản với vịt nuôi theo hướng sinh sản, tỷ lệ chết tương đối cao. Hiện tại chưa có vaccine chính ngạch cho bệnh Tembusu, nên bệnh đang diễn biến phức tạp.

Theo PGS. TS Lê Thanh Hiền, Trưởng bộ môn Bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng, trường Đại học Nông lâm, Tembusu là bệnh mới gây nên thiệt hại rất là lớn, thậm chí, tỷ lệ chết lên tới là 70 - 80%. Trong khi đó, kiến thức của người chăn nuôi chưa có nhiều và vaccine cũng chưa được phổ biến rộng rãi.

“Hiện nay chưa có quy trình và vaccine chính ngạch cho bệnh Tembusu, nên bệnh đang diễn biến phức tạp.  Chính vì vậy, khâu chẩn đoán sớm có vai trò quan trọng để người dân có thể kiểm soát được cũng như là định hướng trong việc sử dụng vaccine. Muốn kiểm soát tốt dịch bệnh cần phải hiểu được đàn vịt của mình ở cái tình trạng như thế nào, có mang mầm bệnh hay không”, ông Hiền nhấn mạnh.

TẦM SOÁT VIRUS TEMBUSU ĐỂ KHỐNG CHẾ

Trước thách thức cần phải có biện pháp phát hiện sớm vịt nhiễm virus Tembusu, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học R.E.P đã dày công nghiên cứu và trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam thành công trong ứng dụng phản ứng ngăn trở ngưng kết hồng cầu (HI) để giám sát sự lưu hành virus Tembusu trên vịt.

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm R.E.P Labs, phương pháp HI cho phép tầm soát rộng sự lưu hành của virus Tembusu trong những đàn vịt chưa tiêm phòng cũng như chưa có biểu hiện triệu chứng bệnh, hoặc đánh giá đáp ứng miễn dịch của đàn vật nuôi sau tiêm phòng vaccin.

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Quốc Cường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học R.E.P cho biết hiện nay, nền chăn nuôi nước ta đang phát triển rất nhanh về quy mô cũng như năng suất. Giống có năng suất cao, dinh dưỡng đáp ứng và khai thác tối đa năng lực di truyền, hệ thống trang thiết bị chuồng trại hiện đại nhưng vẫn còn một lỗ hổng rủi ro về “kiểm soát an toàn sinh học”.

Hiểu được thực trạng của nền chăn nuôi, Trung tâm Nghiên cứu – Phân tích – Xét nghiệm – Tầm soát trực thuộc R.E.P Biotech ra đời từ dầu năm 2022 đã không ngừng đưa ra những giải pháp - ứng dụng góp phần giải quyết khó khăn cho nền chăn nuôi như hiện nay. R.E.P Biotech là nhà sản xuất với nền tảng chuyên sâu về công nghệ sinh học và giải quyết những thách thức của nền chăn nuôi hiện tại.

Dưới góc độ của doanh nghiệp tham gia hội thảo, ông Mai Văn Tuấn, nhân viên kỹ thuật gia cầm của Công ty Dinh dưỡng Á Châu, nhà máy Đồng Nai đánh giá cao phương pháp xét nghiệm HI của REP.

Theo ông Tuấn, vì đây là virus mới ở Việt Nam, do vậy, đa số việc phát hiện ban đầu dựa vào chẩn đoán trên triệu chứng lâm sàng. Trước đây, một số đơn vị đã có các xét nghiệm để chẩn đoán, nhưng phương pháp HI có sự tối ưu hơn hẳn bởi khả năng bảo hộ vaccine và giá thành rẻ. Phương pháp xét nghiệm HI của REP sẽ mở ra lối thoát cho ngành trứng gia cầm đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh do virus Tembusu gây ra.