Doanh nghiệp xin tăng giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn
Các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM đã có văn bản đề xuất Sở Tài chính xem xét cho điều chỉnh tăng giá trước tình hình giá trứng gia cầm tăng kỷ lục trong thời gian gần đây…
Theo đề nghị của các công ty: Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt… các chi phí đầu vào (thức ăn chăn nuôi, hộp nhựa, bao bì, lương công nhân, xăng dầu…) đồng loạt tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó các doanh nghiệp đề nghị được điều chỉnh tăng giá trứng gà, trứng vịt thêm 2.000 đồng/chục, lên 31.500 đồng/chục với trứng gà và 37.000 đồng/chục với trứng vịt.
Đại diện Công ty TNHH Ba Huân cho biết, hiện nay giá trứng gà, vịt trong chương trình bình ổn thị trường khá thấp, chênh lệch nhiều so với giá trứng bán ở thị trường (giá thị trường trứng gà 34.000 - 35.000 đồng/chục, trứng vịt 38.000 - 40.000 đồng/chục). Với mức tăng 2.000 đồng/chục trứng gà, vịt trong chương trình bình ổn thị trường, mức chênh lệch giá sẽ rút ngắn lại, góp phần giúp công ty giảm lỗ chứ vẫn không có lời. Còn nếu không tăng giá trứng bình ổn, doanh nghiệp khó cầm cự.
Trong khi đó, giá trứng bình ổn Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đăng ký với Sở Công Thương TP.HCM đang là 29.500 đồng/chục trứng gà, 35.000 đồng/chục trứng vịt, thấp hơn giá thành của doanh nghiệp và chênh lệch khoảng 12 - 15% so với giá bán trên thị trường. "Khi có sự chênh lệch giá như vậy thì số lượng bán trong kênh bình ổn tăng lên khá nhiều. Số lượng phát sinh thêm hiện chúng tôi phải thu mua bên ngoài và chịu giá chênh lệch lớn, buộc phải gồng lỗ," ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ.
Theo đại diện một công ty chuyên cung ứng trứng gia cầm tham gia chương trình bình ổn thị trường, tiêu chí của chương trình là giá sản phẩm bình ổn thấp hơn giá sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường 5%, nhưng hiện mức chênh lệch đã hơn 10%. Việc xin tăng giá hiện nay là phù hợp với cơ chế điều chỉnh giá của chương trình bình ổn thị trường. Doanh nghiệp cũng cân nhắc đề xuất tăng giá ở mức thấp để mức chênh lệch không quá lớn, chứ không đề xuất tăng giá theo thị trường.
Bên cạnh đó, nếu giá trứng bình ổn thị trường không được điều chỉnh tăng, các doanh nghiệp lo ngại nhiều người mua trứng bình ổn thị trường, thậm chí có người mua đi bán lại kiếm lời, dẫn đến nguồn cung thiếu hụt. Đó là chưa kể, giá bán không tăng dẫn đến doanh nghiệp thua lỗ và người chăn nuôi cũng không an tâm tái đàn.
Ông Chu Ngọc Lâm, chủ trại nuôi hơn 200.000 con gà công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, lý giải do giá thức ăn tăng quá cao, lên xuống thất thường nên người chăn nuôi bị bào hết lợi nhuận và không dám đầu tư tái đàn, tăng đàn. Còn ông Phạm Văn Dũng, chủ trại gà đẻ hơn 50.000 con tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai thì cho biết để giảm thiệt hại do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, ông đã giảm đàn chỉ còn khoảng 20.000 con để duy trì hoạt động và giữ khách hàng.
Theo một số doanh nghiệp, do giá bán trứng bình ổn trong siêu thị và ngoài thị trường chênh nhau khá lớn nên lượng tiêu thụ trứng ở kênh siêu thị tăng mạnh. Đã có siêu thị phải giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua 1 - 2 vỉ (10 trứng/vỉ) để hạn chế tình trạng mua gom. "Giá cám, chi phí vận chuyển, nhân công đều tăng nên người chăn nuôi chỉ dám tái đàn cầm chừng khiến nguồn cung trứng giảm 40% - 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng trứng, áp lực còn đến từ chi phí vận chuyển, bao bì… tăng vọt. Nếu không được điều chỉnh giá thì không chỉ doanh nghiệp bình ổn thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung thị trường trong 4 - 5 tháng tới," ông Trương Chí Thiện phân tích.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Tài Chính TP.HCM về tình hình giá cả thị trường tháng 5, giá bán lẻ các mặt hàng trứng xô trên thị trường tăng 1,55% - 6,17% so tháng trước do thức ăn chăn nuôi và chi phí vận chuyển tăng. Giá trứng gà loại 1 phổ biến ở mức 32.000 - 34.000 đồng/10 quả, trứng vịt loại 1 từ 36.000 - 38.000đồng/10 quả. Trong khi đó, giá trứng gà bình ổn loại một 29.500 đồng/vỉ 10 quả, giá trứng vịt loại một là 35.000đồng/vỉ 10 quả.
Theo Sở Tài chính, qua so sánh giá bình quân của các chợ lẻ tại TP.HCM, cửa hàng, kênh siêu thị thì giá của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn luôn thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5 - 10%. Như giá gạo thấp hơn giá thị trường 11%, đường ăn thấp hơn 12,5%, dầu ăn thấp hơn 10,4%, thịt gia cầm thấp hơn 12 - 25%, thịt heo thấp hơn 13 - 29%, trứng gia cầm thấp hơn 11%...
Được biết, trong chiều nay (7/6), các sở ban ngành liên quan sẽ họp với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường mặt hàng trứng để xem xét đề nghị điều chỉnh giá trứng bình ổn thị trường.