Mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý buôn lậu, hàng giả trong lĩnh vực nông nghiệp
Kế hoạch số 02/KH-BNNMT của Bộ Nông nghiệp và Môi trường là hành động khẩn trương, mạnh mẽ nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi buôn lậu, sản xuất – kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt trong các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sức khỏe người dân và chất lượng sản phẩm nông nghiệp...

Trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, ngày 21/5/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-BNNMT nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ: Về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới và Công điện số 65/QĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ: Về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
TẬP TRUNG KIỂM TRA LĨNH VỰC TRỌNG YẾU
Theo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ chủ động phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương triển khai các hoạt động kiểm tra và hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thực phẩm giả, độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về kỹ thuật, quy trình tiền kiểm, hậu kiểm và cấp phép hàng hóa.
Các nội dung trọng tâm kiểm tra bao gồm: an toàn thực phẩm; thực phẩm giả, độc hại; lâm sản, thủy sản; sản xuất, buôn bán giống cây trồng, vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả; việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng đối với hoa quả; sử dụng hóa chất quá mức trong bảo quản, chế biến nhằm gian dối về khối lượng, giảm chất lượng sản phẩm sau khi rã đông.
Thời gian thực hiện đợt cao điểm kiểm tra là từ ngày 15/5 đến 15/6/2025. Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo thực chất, không hình thức.

Để thực hiện kế hoạch này, các đoàn công tác của Bộ sẽ làm việc với các địa phương trọng điểm như Kiên Giang, Lào Cai, nơi có nguy cơ cao về buôn lậu và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc kiểm tra sẽ được triển khai chủ yếu dưới hình thức đột xuất, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm của các cá nhân, tổ chức.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng của Bộ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong sử dụng vật tư nông nghiệp, hóa chất, phụ gia cũng sẽ được siết chặt, thực hiện theo phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” và “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM ĐẾN TỪNG ĐƠN VỊ
Căn cứ vào đặc thù chức năng nhiệm vụ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phân công cụ thể đến từng đơn vị trực thuộc để triển khai kế hoạch. Trong đó, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường được giao vai trò Thường trực Tổ công tác của Bộ – đầu mối đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện, tổng hợp tham mưu và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật được yêu cầu ban hành kế hoạch kiểm tra các hành vi vi phạm trong sản xuất, buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả; kiểm soát việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng đối với hoa quả, đặc biệt tập trung vào các loại hóa chất cấm, ngoài danh mục như chất Vàng O trong sản phẩm sầu riêng.
Cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tiến hành kiểm tra nhập khẩu, tạm nhập tái xuất thịt, phụ phẩm gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm dùng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt chú trọng việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm lậu tại cửa khẩu; sản xuất, buôn bán giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y giả và tình trạng gian lận về khối lượng sau rã đông.
Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm có nhiệm vụ kiểm tra và xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản, động vật hoang dã quý hiếm, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Đối với lĩnh vực thủy sản, Cục Thủy sản và Kiểm ngư tập trung kiểm tra các nội dung như giống, thức ăn thủy sản, chất xử lý – cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; việc sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm trong sản xuất kinh doanh thức ăn và nuôi trồng; xử lý các vi phạm trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác thủy sản nhằm chống khai thác IUU.
Song song với hoạt động kiểm tra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng giao nhiệm vụ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành còn thiếu, lạc hậu, chồng chéo, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Các đơn vị có trách nhiệm phản ánh những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện đợt cao điểm để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị giải pháp hiệu quả.
Các báo cáo nhanh, báo cáo tuần sẽ được tổng hợp và gửi về Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại văn bản số 48/VPTT-TH ngày 16/5/2025. Việc theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tiến độ thực hiện sẽ được triển khai nghiêm túc, đảm bảo đúng thời hạn quy định. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được đặt lên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch.
Đợt cao điểm này không chỉ là biện pháp hành chính nhất thời, mà được kỳ vọng sẽ thiết lập kỷ cương lâu dài trong công tác quản lý thị trường vật tư nông nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ uy tín ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Với phương châm hành động quyết liệt, xuyên suốt và không nhân nhượng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thể hiện rõ quyết tâm góp phần đẩy lùi vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất – kinh doanh nông nghiệp.