Nguồn cung nhà ở công nhân chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu
Việt Nam có 4,5 triệu lao động trong khu công nghiệp thì một nửa số đó cần chỗ ở, tương đương sẽ sử dụng khoảng 12,5 triệu m2 sàn, nhưng nguồn cung hiện nay mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu…
Nhà ở công nhân là loại hình nhà ở, phần lớn dành cho công nhân làm việc trong các nhà máy lân cận, hoặc khu công nghiệp. Nhà ở công nhân có vai trò quan trọng, nhằm giải quyết vấn đề về nhà ở tại một số khu vực, đồng thời cung cấp được điều kiện sống an toàn, tiện lợi.
KẾT QUẢ ĐẠT THẤP SO MỤC TIÊU ĐỀ RA
Tuy nhiên, Phó Giám đốc dịch vụ tư vấn & định giá Savills Hà Nội, Nguyễn Hồng Vân thông tin: qua ghi nhận, Việt Nam có 4,5 triệu lao động trong khu công nghiệp thì một nửa số đó cần chỗ ở, tương đương sẽ sử dụng khoảng 12,5 triệu m2 sàn, nhưng nguồn cung nhà ở công nhân hiện nay mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu.
“Ngay tại thị trường Hải Phòng, một đầu tàu phát triển công nghiệp của miền Bắc Việt Nam tập trung 14 khu công nghiệp và 26 cụm công nghiệp đang hoạt động với hơn 200.000 lao động, mà ước tính đã có 50.000 lao động nhập cư. Thế nhưng tỉnh vẫn tiếp tục lên kế hoạch phát triển thêm 15 khu công nghiệp, diện tích trên 6.000 ha đất, nên dự kiến còn cần lực lượng lao động tới 300.000 người và nhu cầu nhà ở cho công nhân là 1,5 triệu m2 sàn”, bà Vân nêu thực tế.
Về vấn đề này, ông Tạ Việt Anh, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thừa nhận, nhu cầu nhà ở xã, nhà ở công nhân đang lớn và cấp bách, song việc phát triển lại có kết quả thấp so mục tiêu đề ra. Vì mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, chiếm 41,6% của “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011.
Theo chuyên gia, nhà ở cho người lao động được nhiều nước khu vực Đông Nam Á quan tâm thực hiện. Điển hình, Singapore khá thành công về chính sách nhà ở cho người dân, với phần đông dân số tại các tòa nhà xây dựng nhờ sự trợ giúp từ Chính phủ. Còn Việt Nam, Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu rõ ràng, mặc dầu vậy quá trình thực hiện gặp nhiều rào cản, khiến số lượng công nhân chưa tiếp cận phúc lợi nhà ở xã hội, chiếm tỷ lệ cao.
“Trên thực tế, công nhân di cư ở những tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp phát triển như: Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thường nhu cầu nhà ở rất cao, chiếm 70 – 80%. Trong khi, thu nhập để mua nhà cực khó nên 80 – 90% công nhân phải chấp nhận trọ ở khu vực người dân xây. Chỉ một số công nhân ở ký túc xá, hoặc khu lưu trú doanh nghiệp và rất ít người mua được nhà ở xã hội”, ông Vũ Minh Tiến, Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, đồng thời cho biết: “Chính bởi thiếu hụt nguồn cung nên các dãy trọ gần khu công nghiệp “mọc lên” như nấm, nhưng đa số cũ kỹ, đông đúc, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe lẫn an toàn”.
CẦN ĐẦU TƯ CẢI TẠO NGAY MÔI TRƯỜNG, HẠ TẦNG SINH SỐNG
Theo ông Tiến, việc xây dựng nhà ở xã hội không thể ngày một, ngày hai là xong mà phải tìm quỹ đất, thực hiện giải phóng mặt bằng. Thậm chí có vốn, có quỹ đất có khi nhanh cũng phải vài năm. Chúng ta không thể cứ để cho công nhân sống thuê trong những ngôi nhà cấp 4 ẩm thấp, không đảm bảo sức khỏe, môi trường, an ninh. Vì vậy lúc chờ mô hình hay, thiết kế đẹp ra đời, trước mắt cần đầu tư cải tạo môi trường hạ tầng sinh sống ở nơi công nhân thuê trọ. Mặt khác, về lâu dài tiếp tục giải quyết tồn tại liên quan đến vốn, cơ chế chính sách, pháp lý…
Đưa ra góc nhìn riêng, bà Vân cho rằng, trước đây, việc phát triển nhà ở cho công nhân đúng là gặp khó khăn do chưa có khung pháp lý hay định nghĩa rõ ràng. Tuy nhiên, Nghị định 33 thông qua vào đầu năm 2023 đã phần nào gỡ vướng. Thêm vào đó, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp cùng đơn vị liên quan triển khai hiệu quả đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Ngoài ra, nhà nước còn cung cấp các chính sách khuyến khích và gói hỗ trợ để tạo điều kiện giúp người công nhân tiếp cận sản phẩm nhà ở; cùng nhiều cơ chế tài chính khác liên tục được đề xuất cho chủ đầu tư, bao gồm: miễn hoặc giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; tiếp cận khoản vay ưu đãi… tất cả những chính sách ban hành đã thể hiện sự quyết tâm phát triển loại hình nhà ở cho người thu nhập thấp của Chính phủ.
Lưu ý doanh nghiệp, chuyên gia nêu, “Các dự án nhà ở công nhân sẽ triển khai trong thời gian tới, song hiện tại nhu cầu nhà ở cho công nhân vẫn chưa được đáp ứng. Chỉ số giá quý 1/2023 của Savills thể hiện, khu vực sản xuất cung cấp thêm 482.000 lao động so cùng kỳ năm trước, con số này phản ánh nhu cầu lao động lớn ngay từ quý đầu năm. Do đó, doanh nghiệp tư nhân có thể hưởng lợi khi đầu tư vào phân khúc nói trên”.