07:47 18/10/2023

Nhập lậu gia súc, gia cầm “nóng” về cuối năm

Chu Khôi

Tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới vào nước ta trong thời gian vừa qua vẫn diễn ra phức tạp, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi trong nước, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm đến các đàn gia súc, gia cầm...

Chợ trâu bò ở Campuchia sát biên giới với Việt Nam, đây là nguồn nhập lậu vào Việt Nam.
Chợ trâu bò ở Campuchia sát biên giới với Việt Nam, đây là nguồn nhập lậu vào Việt Nam.

Chiều 17/10/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức "Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Quốc phòng, Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389, Văn phòng Chính phủ, các Bộ Công Thương, Tài chính, các tỉnh biên giới, các hiệp hội, doanh nghiệp chăn nuôi.

GIA CẦM NHẬP LẬU TỪ PHÍA BẮC, BÒ VÀ LỢN NHẬP LẬU QUA BIÊN GIỚI TÂY NAM

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký 2 Công điện chỉ đạo. Cụ thể: Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam; và Công điện số 694/CĐ-TTg ngày 1/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.

 

“Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, địa hình thuận lợi, các đoạn sông biên giới hẹp hoặc khu vực biên giới đất liền vắng người qua lại, móc nối với phía Campuchia và thuê mướn cư dân biên giới chia nhỏ gia súc lậu thành từng tốp 3 - 5 con để vận chuyển qua biên giới, sau đó sử dụng xe ô tô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ”.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. VIPA cũng cho biết mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.

“Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân”, ông Minh cảnh báo.

Quanh cảnh hội nghị tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Quanh cảnh hội nghị tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết về phía Campuchia, cách biên giới thuộc xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng khoảng 2 km có một điểm thu gom trâu bò hoạt động mang tính chất như chợ địa phương (thuộc xã Chàm, huyện Kumpong Trabek, tỉnh Prey Veng). Các trường hợp trâu bò nhập lậu vào Việt Nam trên địa bàn huyện Tân Hưng đa số có nguồn từ chợ này.

"Cư dân biên giới thường có hoạt động trao đổi, mua bán động vật qua lại biên giới nhất là trâu, bò với mục đích để nuôi vỗ béo và sau đó bán vào nội địa. Do không có quy định về kiểm dịch vận chuyển trong tỉnh nên khó kiểm soát được việc trao đổi, mua bán, vận chuyển trâu bò giữa các địa phương trong tỉnh", bà Khanh nêu thực trạng.

KHÔNG ĐƯỢC ĐỂ NGÀNH CHĂN NUÔI BỊ PHÁ HOẠI TỪ BÊN NGOÀI

Thiếu tướng Bùi Trọng Thế, Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) cho biết tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm thời gian qua hết sức phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới ngành chăn nuôi trong nước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,45 triệu con gia súc gia cầm (giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong thời gian qua, lực lượng chức năng Lạng Sơn đã bắt giữ 31 vụ vi phạm liên quan tới kinh doanh và vận chuyển gia cầm nhập lậu, xử phạt hành chính hơn 214 triệu đồng, thu tiêu hủy trên 100.000 con giống gia cầm các loại.

Thiếu tướng Bùi Trọng Thế: "Việc kiểm soát chất lượng con giống tại các chợ đầu mối chưa tốt, ý thức của bộ phận người dân chưa cao".
Thiếu tướng Bùi Trọng Thế: "Việc kiểm soát chất lượng con giống tại các chợ đầu mối chưa tốt, ý thức của bộ phận người dân chưa cao".

Tại Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã bắt 3 vụ với trên 50.000 con giống gia cầm các loại, trên 19.000 quả trứng. Tại Long An, Công an Long An đã bắt giữ 2 vụ, khởi tố 4 đối tượng có hành vi buôn lậu trên 50 con lợn, trị giá trên 188 triệu đồng. Tại Tây Ninh bắt 7 đối tượng nhập lậu trên 50 con bò, trị giá trên 300 triệu đồng.

"Càng về cuối năm, nhu cầu thực phẩm tăng cao, nguồn cung con giống trong nước hạn chế, giá bán có sự chênh lệch. Khu vực biên giới có địa hình phức tạp dẫn tới khó khăn trong công tác xử lý. Việc kiểm soát chất lượng con giống tại các chợ đầu mối chưa tốt, ý thức của bộ phận người dân chưa cao... dẫn đến tình trạng nhập lậu và vận chuyển trái phép gia súc gia cầm vẫn diễn ra”, ông Thế nêu thực tế.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng khẳng định quyết tâm chính trị cao của lực lượng làm công tác kiểm soát liên quan đến vấn đề nhập lậu gia súc, gia cầm. Công tác đấu tranh chống buôn lậu gia cầm, gia súc đã chuyển biến nhiều, hạn chế tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc và các nước khác.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp: "Tất các các ngành cần chia sẻ trách nhiệm, tập trung chống buôn lậu".
Đại tá Nguyễn Văn Hiệp: "Tất các các ngành cần chia sẻ trách nhiệm, tập trung chống buôn lậu".

“Công tác đấu tranh chống buôn lậu không hề đơn giản do phạm vi kiểm soát, quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp, do vậy cần có cái nhìn đa chiều hơn trong vấn đề này. Tất các các ngành cần chia sẻ trách nhiệm, tập trung chống buôn lậu, song ngành chăn nuôi và thú y cần có giải pháp căn cơ như xây dựng các trang trại lớn, quy mô công nghiệp, sự tham gia của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để giải quyết tình trạng nhập lậu này.

Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: Ngành chăn nuôi phải lớn mạnh, đứng vững, không để bị phá hoại từ bên ngoài. Thứ trưởng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị ngành chăn nuôi chiếm 26,7% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp. Trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi tăng trưởng 4,5 – 6%, ngành thủy sản 4 - 8%. Quy mô và tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi với hơn 6 triệu hộ nông dân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của toàn ngành nông nghiệp.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng hiện tại các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả. Do đó, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Còn trâu bò lậu, lợn lậu, gà vịt lậu thì ngành chăn nuôi không thể phát triển. Do đó, đề nghị các lực lượng phối hợp chặt chẽ, xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, không nói chung chung, hằng năm có sơ kết tổng kết, rút kinh nghiệm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Để giải quyết dứt điểm vấn nạn nhập lậu gia súc gia cầm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Bộ Công an tăng cường chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ điều tra nắm bắt tình hình các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên buôn bán, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Đề nghị Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) tổ chức kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phạm vi địa bàn quản lý.

Đề nghị Tổng cục Hải quan Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới trong phạm vị địa bàn quản lý của Hải quan. Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép.