Hải quan TP HCM đề nghị công an khởi tố vụ nhập lậu cá ngựa, xương hổ, vảy tê tê… với số lượng lớn
7 tháng năm 2022, Cục Hải quan TPHCM phát hiện 1.565 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 2.121 tỷ đồng. Đơn vị này cũng đã hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan công an 27 vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự...
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) vừa thông tin, trong 7 tháng năm 2022, Cục Hải quan TPHCM, đã chủ trì, phối hợp phát hiện 1.565 vụ vi phạm (tăng gần 83.69% so với cùng kỳ năm 2021) với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 2.121 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số các vụ vi phạm nêu trên, sau khi trao đổi ý kiến với Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, Cục Hải quan TPHCM đã hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP HCM 27 vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự.
Các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự, nhiều vụ doanh nghiệp cố tình nhậu lậu mặt hàng là sản phẩm động vật hoang dã vi phạm Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Điển hình có lô hàng do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu KLT đứng tên làm thủ tục nhập khẩu. Theo khai báo hải quan, lô hàng nhập khẩu gồm trên 13 tấn vỏ ốc đã xử lý sạch khô (nguyên liệu làm hàng thủ công mỹ nghệ).
Qua công tác điều tra, thu thập thông tin nghiệp vụ hải quan, kết hợp thông tin từ nhóm kiểm soát cảng biển PCU, Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TPHCM phát hiện có dấu hiệu bất thường, nên đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 dừng thông quan, thực hiện kiểm tra trọng điểm đối với lô hàng này.
Mở container hàng kiểm tra thực tế, cơ quan Hải quan phát hiện, ngoài số vỏ ốc đúng khai báo hải quan được để phía ngoài container, phía trong cất giấu nhiều hàng hóa không khai báo hải quan, gồm: Gần 600 kg cá ngựa khô, 38 xương động vật được xác định là xương hổ, báo, 86 kg vảy tê tê. Toàn bộ số hàng này vi phạm Công ước CITES.
Theo cơ quan chức năng, lô hàng này có giá trị rất lớn, vi phạm công ước CITES, các đối tượng nhập lậu dùng thủ đoạn rất tinh vi, được tính toán kỹ lưỡng. Họ dùng vỏ ốc - mặt hàng được khai báo trên tờ khai hải quan để ngụy trang hàng trăm thùng hàng nhập lậu ở phía cuối container nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Cùng với đó, toàn bộ hàng hóa được đóng trong các thùng carton đồng nhất nhằm vô hiệu hóa máy soi hàng hóa.
Ngoài vụ việc nêu trên, trong thời gian gần đây, Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật hải quan với nhiều thủ đoạn tinh vi, như: Tự ý tiêu thụ hàng hóa khi được giải quyết cho mang hàng về bảo quản, chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành; nhập khẩu hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép...