07:42 28/03/2024

Nhật Bản: Lương và chứng khoán tăng kỷ lục, vì sao nhiều người không được hưởng lợi?

Ngọc Trang

Niềm vui từ những tín hiệu khả quan của nền kinh tế Nhật không dành cho tất cả mọi người...

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Khi công đoàn tại các doanh nghiệp lớn nhất tại Nhật ăn mừng khi đạt được thỏa thuận tăng lương mạnh nhất vòng nhiều thập kỷ hồi đầu tháng này, ông Masuo Ueda vẫn bận rộn hỗ trợ các họa sĩ hoạt hình đang chật vật với mức lương thấp hơn lương tối thiểu.

"Chúng tôi chẳng được hưởng lợi gì khi thị trường chứng khoán lập kỷ lục mọi thời đại vào tháng trước”, ông Ueda, giám đốc đại diện của Hiệp hội Văn hóa Anime & Film Nippon, chia sẻ với tờ báo Nikkei Asia.

Hồi tháng 2, chỉ số Nikkei 225 của Nhật vượt qua mức kỷ lục thiết lập năm 1989 và tiếp tục tăng lên trong tháng này. Tuy nhiên, theo ông Ueda, điều này hoàn toàn không liên quan tới ngành công nghiệp hoạt hình bởi các họa sĩ hoạt hình là những người làm việc tự do.

Ngược lại, các công ty lớn và nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra phấn khích với sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản sau gần ba thập kỷ giảm phát và tăng trưởng trì trệ. Có thể thấy rõ sự hồi sinh này ở việc thị trường chứng khoán tăng mạnh và quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) hôm 19/3.

NIỀM VUI KHÔNG DÀNH CHO TẤT CẢ

Trong một thông báo tuần trước, BOJ nhấn mạnh rằng mức lạm phát 2% ổn định và bền vững mà cơ quan này chờ đợi cuối cùng đã ở trong tầm tay.

“Động lực tăng trưởng cho các tập đoàn cũng như nền kinh tế nói chung là rất lớn”, ông Yue Bamba, giám đốc đầu tư chủ động tại BlackRock Japan, đánh giá.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nhật – nhóm đang duy trì hoạt động của các studio hoạt hình và nhiều ngành công nghiệp khác ở Nhật – triển vọng không mấy lạc quan.

“Vẫn còn rất nhiều người trong ngành hoạt hình đang phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt hơn so với tưởng tượng của tôi”, ông Ueda, cựu chủ tịch của studio hoạt hình Aniplex, cho biết. “Vấn đề là nhiều họa sĩ hoạt hình bắt đầu sự nghiệp với mức lương thấp và vẫn ở mức đó sau nhiều năm làm việc. Điều này thật khắc nghiệt với họ”.

Đây là điều vẫn hiện hữu trong ngành công nghiệp chứng kiến doanh thu tăng gấp đôi trong 10 năm qua nhờ sự quan tâm lớn của người nước ngoài dành cho hoạt hình Nhật Bản.

Cuộc sống khó khăn của giới họa sĩ cho thấy con đường hướng tới mục tiêu “đầu tư vào con người” của Chính phủ Nhật vẫn còn nhiều chông gai. Kể từ khi trở thành Thủ tướng Nhật vào năm 2021, ông Fumio Kishida luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng lương – một trong những yếu tố quan trọng trong cam kết về “chủ nghĩa tư bản mới” của ông.

“Chúng tôi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư vào con người, để tạo điều kiện cho việc tăng lương một cách bền vững”, ông Kishida nhấn mạnh tại phiên khai mạc kỳ họp quốc hội hôm 30/1.

“Nền kinh tế chung” và chi phí sinh hoạt là hai trong số những vấn đề hàng đầu mà cử tri Nhật muốn Đảng Dân chủ Tự do của ông Kishida giải quyết - Ảnh: Bloomberg
“Nền kinh tế chung” và chi phí sinh hoạt là hai trong số những vấn đề hàng đầu mà cử tri Nhật muốn Đảng Dân chủ Tự do của ông Kishida giải quyết - Ảnh: Bloomberg

Trải qua hơn 2 năm trong nhiệm kỳ của ông Kishida, Nhật Bản dường như đang trỗi dậy trở lại vị thế siêu cường kinh tế. Giá đất trên khắp nước này đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1991, trong khi giá chung cư cũng đang ở mức cao kỷ lục. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng ở mức hơn 2% trong hai năm. Trong khi đó, các công đoàn Nhật vừa đạt được thỏa thuận với giới chủ về mức tăng lương cho người lao động lớn nhất trong 33 năm.

Tuy nhiên, nhiều người Nhật, đặc biệt là những người không sống tại các thành phố lớn, không cảm nhận được sự thay đổi nhờ những động lực mới của nền kinh tế.

“Tôi cố gắng kiềm chế bản thân và không chi tiêu phóng tay”, Emi Kanai, 37 tuổi, một nhân viên bệnh viện, sống tại thị trấn Nagareyama thuọc tỉnh Chiba.

Kanai là một trong nhiều người Nhật vẫn chưa được tăng lương bất chấp lạm phát gia tăng thời gian qua. Trên thực tế, số liệu chính thức cho thấy chỉ 16% người lao động tại Nhật tham gia công đoàn. Theo kết quả khảo sát thực hiện từ ngày 22-24/3 của Nikkei Asia, 77% người Nhật tham gia nhận định thỏa thuận tăng lương mà các công đoàn vừa đạt được không giúp cuộc sống của họ tốt hơn, ít nhất tới mùa hè năm nay.

Giống nhiều người tiêu dùng khác ở Nhật, Kanai đã cảm thấy áp lực của lạm phát trong cuộc sống hàng ngày.

“Tôi cho rằng mọi người bắt đầu chọn lọc hơn trong chi tiêu, đặc biệt là với những mặt hàng như áo khoác, túi, giày”, cô nhận xét.

Sự lo lắng của công chúng về kinh tế đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông Kishida tụt xuống mức thấp kỷ lục 26%, theo thăm dò của Nikkei Asia. Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Nhật tụt xuống dưới 30% kể từ tháng 12 năm ngoái, từ mức 66% vào giữa năm 2022. “Nền kinh tế chung” và chi phí sinh hoạt là hai trong số những vấn đề hàng đầu mà cử tri Nhật muốn Đảng Dân chủ Tự do của ông Kishida giải quyết.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương nước này cũng đang hành động thận trọng. Sau quyết định tăng lãi suất hôm 19/3, khi được hỏi liệu Nhật Bản đã thoát khỏi ba “thập kỷ lạc lối”, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda nói rằng “vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng. Mục tiêu đó hiện mới chỉ ở trong tầm tay thôi”.  

Mục tiêu dài hạn của BOJ không phải là tăng lạm phát mà là thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng kinh tế của đất nước trong bối cảnh tăng trưởng GDP của nước này ở mức dưới 0,5% trong phần lớn thời gian của thập kỷ qua. Các biện pháp để đạt mục tiêu này gồm thúc đẩy đầu tư nội địa, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó tiền lương tiếp tục tăng lên và người tiêu dùng có thể chi tiêu nhiều hơn.

LẠC QUAN MỘT CÁCH THẬN TRỌNG

Từ đầu năm đến nay, trong số các nền kinh tế lớn, thị trường chứng khoán Nhật đang tăng trưởng mạnh nhất nhờ kỳ vọng nước này hồi sinh sau thời kỳ giảm phát. Chỉ số Nikkei hiện tăng gần 50% so với một năm trước, cao hơn mức tăng 32% của S&P 500 ở Mỹ, 22% của DAX tại Đức, âm 17% của chỉ số Hang Seng Hồng Kông. Tokyo cũng đã giành lại vị trí thị trường chứng khoán chỉ số lớn nhất châu Á từ Thượng Hải.

“Chứng khoán Nhật đã tăng nhanh hơn nhiều so với dự báo của tôi”, ông Yuichi Murao, giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Nomura Asset Management. "Tuy vậy, tôi cho rằng giá cổ phiếu vẫn ở mức hợp lý. Tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) của Nikkei hiện là khoảng 16, trong khi tỷ lệ này của S&P 500 là khoảng 23”.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng chỉ số Nikkei mới chỉ trở lại mức của 34 năm trước, trong khi chỉ số S&P 500 hiện cao gấp 14 lần so với năm 1990.

“Thực thế tôi đang thấy có sự chênh lệch giữa giá cổ phiếu và hiệu quả hoạt động thực tế của các doanh nghiệp”, bà Azusa Owa thuộc công ty tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Co., nói. “Nhà đầu tư đang mua cổ phiếu Nhật vì giá đang thấp hơn giá trị thực hoặc vì họ kỳ vọng giá sẽ tăng lên”.

Cũng giống thống đốc BOJ, giới chuyên gia cũng tỏ ra thận trọng trước tình hình hiện tại.

“Nền kinh tế Nhật, đặc biệt là nhu cầu nội địa, vẫn rất yếu”, ông Ken Matsumoto, nhà kinh tế cấp cao tại Okasan Securities, nhận định "Vì vậy, tôi cho rằng BOJ không nên tăng lãi suất thêm nữa trong năm nay, bởi điều này sẽ gây áp lực với nền kinh tế”.

Trong thông cáo ngày 19/3, BOJ không đề cập tới khả năng tăng lãi suất trong tương lai. Cơ quan này sẽ công bố dự báo lạm phát trong 3 năm tới vào ngày 26/4.

Còn theo nhà kinh tế Yosuke Yasui của Viện Nghiên cứu Nhật Bản, một cựu quan chức BOJ, lạm phát ở Nhật chủ yếu bắt nguồn từ các cú sốc bên ngoài như đại dịch Covid-19, chiến tranh ở Ukraine. Do đó, Nhật vẫn có nguy cơ trở lại thời kỳ tăng trưởng và lạm phát thấp.

"Chẳng có mối liên hệ nào giữa giá cổ phiếu và tăng trưởng kinh tế”, ông Yasui chỉ ra.

Năm 2023, kinh tế Nhật tăng trưởng 1,9% nhưng tốc độ tăng vào giai đoạn cuối năm giảm với quý 4 chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu dùng cá nhân giảm trong 3 quý liên tiếp do lương tăng không kịp lạm phát trong gần 2 năm qua.

“Tăng trưởng kinh tế khó bền vững khi tiêu dùng cá nhân quá yếu”, ông Yasui nói.

Theo các chuyên gia, một rào cản nữa đối với tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Á là nhiều doanh nghiệp lớn không chịu thay đổi.

“Do thị trường nội địa tương đối lớn, doanh nghiệp Nhật không cảm thấy sự cấp bách phải thay đổi như các công ty khác trong khu vực”, các nhà phân tích tại Bain & Co. chỉ ra. “Trong khi đó, doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan biết rằng họ không thể tồn tại nếu không thể cạnh tranh ở nước ngoài. Đây là sự khác biệt lớn”.

Theo ông Takashi Ohara của Bain & Co., các chủ doanh nghiệp Nhật chỉ vừa mới nhớ ra rằng cần phải tăng lương. Từ lâu, họ luôn cho rằng có thể duy trì chi phí lao động ở mức ổn định.

Năng suất lao động tại Nhật hiện cũng ở cuối bảng trong số các nền kinh tế thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Năm 2022, nước này đứng thứ 30/38 quốc gia, giảm ba bậc so với năm trước và là mức thấp nhất của nước này từ trước tới nay.

Điều này xảy ra trong bối cảnh Nhật đang trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Quốc gia châu Á hiện là nền kinh tế lớn già nhất thế giới. Tỷ lệ phụ thuộc của nước này 54,5%, tức là mỗi 100 người lao động phải hỗ trợ 55 người đã về hưu. Đây là tỷ lệ cao nhất và vượt xa mức bình quân 33% của các nước OECD.

Bà Mayumi Suzuki, 75 tuổi, sống tại Nagareyama, cho biết bà “cá nhân không cảm nhận được lợi ích từ việc thị trường chứng khoán lập đỉnh”.

Bà Suzuki, hiện sống chủ yếu nhờ lương hưu, có thói quen tới siêu thị vào buổi tối để mua đồ ăn sẵn hạ giá.

“Cuộc sống rất khó khăn khi giá cả hàng hóa tăng lên trong khi tôi phải sống nhờ lương hưu”, bà Suzuki chia sẻ và nói rằng chính sách tiền tệ của BOJ “quá khó hiểu”.

Như nhiều người cùng thế hệ, bà Suzuki luôn hoài niệm về thời kỳ tăng trưởng nhanh của Nhật thời hậu chiến.

“Đó là những ngày tuyệt vời nhất. Giờ đây cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn”, bà chia sẻ.