12:20 15/03/2024

Làn sóng xuất khẩu lao động Việt Nam, Indonesia sang Nhật

Trang Linh

Từ năm 2018-2023, số lao động Việt Nam ở Nhật tăng 63,6% lên 518.364 người, trở thành nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lực lượng lao động nước ngoài tại quốc gia này...

Các doanh nghiệp Nhật đang đồng loạt tăng lương để thu hút lao động - Ảnh: Nikkei Asia
Các doanh nghiệp Nhật đang đồng loạt tăng lương để thu hút lao động - Ảnh: Nikkei Asia

Cơ cấu lao động nước ngoài ở Nhật Bản đang có những thay đổi lớn khi vào năm 2023, lao động Việt Nam đã vượt qua lao động Trung Quốc trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất. Trong khi đó, số lao động Indonesia tại Nhật cũng tăng gấp gần 3 lần so với năm 2018.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2023, tổng số lao động nước ngoài tại Nhật tăng 40,3% lên 2,05 triệu người. Dù mức tăng chậm lại sau khi đại dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới vào năm 2020, số lao động nước ngoài ở Nhật vẫn tăng 12,4% trong năm 2022-2023 khi dịch bệnh lắng xuống.

Trong 5 năm nói trên, số lao động Việt Nam làm việc tại Nhật tăng 63,6% lên 518.364 người, trở thành nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lực lượng lao động nước ngoài tại Nhật. Nhiều người trong số này tham gia Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật của Nhật - chương trình được thiết kế để tuyển dụng lao động từ các nước đang phát triển.

Trong khi đó, số lượng lao động Trung Quốc chỉ tăng 2,3% trong giai đoạn trên. Mức lương tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng lên, trong khi đồng yên yếu khiến xuất khẩu lao động sang Nhật trở thành lựa chọn kém hấp dẫn hơn.

Trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu lao động từ Việt Nam sang Nhật cũng chậm lại khi mức lương tại Việt Nam tăng lên. Nhóm lao động này chỉ tăng 12,1% trong năm 2022-2023, gần tương đương với mức tăng tổng lao động nước ngoài ở Nhật.

Theo tờ báo Nikkei Asia, các doanh nghiệp Nhật cũng đang đồng loạt tăng lương để thu hút lao động. Mức tương cơ sở tháng cho thực tập sinh kỹ thuật – với khoảng 50% đến từ Việt Nam – đã tăng 8% trong năm 2022, lên mức 117.800 yên (tương đương 1.200 USD).

Trong khi đó, giai đoạn trên Nhật chứng kiến số lượng lao động từ Indonesia tăng vọt 192,2%, lên 121.507 người, trong đó năm 2022-2023 tăng 56%. Mức lương thấp tại Indonesia khiến người lao động nước này vẫn xem Nhật là một điểm đến hấp dẫn. Công dân Indonesia hiện chiếm hoảng 56% lực lượng lao động có chuyên môn ở Nhật. Với mục tiêu trở thành một trong những nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, Chính phủ Indonesia đang muốn học hỏi chuyên môn thông qua người lao động từng làm việc ở Nhật.

“Tiềm năng lao động của Indonesia rất lớn với dân số 270 triệu người. Tôi cho rằng nước này có thể sẽ vượt qua Việt Nam để chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động nước ngoài ở Nhật”, ông Motoki Yuzuriha, chủ tịch công ty tuyển dụng thực tập sinh Mynavi Global của Nhật, nhận định.

Nhóm lao động nước ngoài đứng thứ ba về số lượng ở Nhật là Nepal, với tăng trưởng 78,5% trong 5 năm trên, lên 145.587 người. Hơn 41% trong số này đang vừa học vừa làm ở Nhật, tỷ lệ cao hơn so với các nhóm lao động khác.

Lao động Myanmar ở Nhật cũng tăng đáng kể với mức tăng 49,9% trong năm 2022-2023 lên 71.188 người. Nhiều người Myanmar tìm kiếm việc làm ở nước ngoài trong bối cảnh bất ổn chính trị trong nước. Nhật Bản là một điểm đến hấp dẫn với lao động có trình độ đại học từ quốc gia Đông Nam Á này.

Trong khi đó, nền kinh tế trì trệ và đồng yên yếu đang là rào cản với dòng lao động từ các nền kinh tế phát triển vào Nhật. Số lượng lao động Mỹ ở Nhật tăng 5,7% trong giai đoạn 5 năm trên lên 34.861 người, trong khi lao động Anh tăng 5,8% lên 12.945 người. Tuy nhiên, theo khảo sát của công ty tuyển dụng Robert Walters Japan, không ít người vẫn chọn Nhật bởi chi phí sinh hoạt ở đây rẻ hơn so với tại các thành phố lớn tại Mỹ và châu Âu.