11:09 31/08/2015

Nhật biểu tình lớn phản đối chính sách quốc phòng mới

Ngọc Diệp

Dự thảo chính sách quốc phòng mới cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia vào các cuộc chiến

Số lượng các bà mẹ Nhật và sinh viên, đối tượng xưa nay được xếp vào nhóm thờ ơ với các vấn đề chính trị, lên tiếng phản đối dự thảo chính sách quốc phòng ngày một nhiều hơn - Ảnh US News.<br>
Số lượng các bà mẹ Nhật và sinh viên, đối tượng xưa nay được xếp vào nhóm thờ ơ với các vấn đề chính trị, lên tiếng phản đối dự thảo chính sách quốc phòng ngày một nhiều hơn - Ảnh US News.<br>
Hôm Chủ Nhật (31/8), khoảng 120 nghìn người Nhật đã tập trung biểu tình phản đối dự luật an ninh mới dự kiến được thông qua trong tháng 9.

Tờ Japan Times đưa tin, từ đầu năm đến nay, công chúng Nhật đã tỏ ra không hài lòng với dự thảo tăng ngân sách quốc phòng lên mức cao kỷ lục của Thủ tướng Shinzo Abe. Đã có một số cuộc biểu tình nổ ra, tuy nhiên đều ở quy mô nhỏ.

Thế nhưng từ tháng 7, khi dự thảo được Hạ viện Nhật Bản thông qua, tần suất và quy mô các cuộc biểu tình ngày một gia tăng.

Bộ Quốc phòng Nhật muốn ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2016 tăng lên mức 5 nghìn tỷ Yên, tương đương khoảng 40,3 tỷ USD, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử Nhật Bản. Số tiền tăng thêm chủ yếu sẽ được dùng để mua máy bay tiếp nhiên liệu và sản xuất thêm tàu khu trục tên lửa Aegis.

Quá trình chấp thuận tăng ngân sách quốc phòng bao gồm hai bước. Cuối tháng 8, Chính phủ Nhật kết thúc đàm phán về ngân sách. Sau đó, các ý kiến được thu thập và dự kiến Chính phủ sẽ thông qua dự thảo ngân sách vào cuối năm nay.

Ngoài ra, lần đầu tiên từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, dự thảo chính sách quốc phòng mới cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia vào các cuộc chiến với lý do phòng vệ tập thể khi đồng minh của Nhật bị tấn công.

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và rủi ro khủng bố quốc tế gia tăng, việc thay đổi chính sách quốc phòng là hoàn toàn cần thiết. Thủ tướng Nhật Bản cũng tin rằng chính sách quốc phòng mới sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình.

Cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật đã thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp, từ lãnh đạo các đảng đối lập, cựu chính trị gia, nhà ngoại giao, công chức, nghệ sỹ, sinh viên…

Theo báo Nikkei, tại Nhật, người dân nhìn chung hiếm khi muốn thể hiện quan điểm chính trị ở nơi công cộng. Chính vì vậy, số lượng các cuộc biểu tình ở Nhật thấp hơn rất nhiều so với các nước phương Tây. Số lượng người tham gia cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật vừa qua là cao nhất kể từ thập niên 1960, cao hơn cả số lượng người tham gia biểu tình khi Nhật đối diện với khủng hoảng hạt nhân năm 2011.

Cũng trong ngày Chủ Nhật, một số cuộc biểu tình nhỏ khác cũng diễn ra ở một số tỉnh thành khác. Kết quả các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy phần đông người Nhật phản đối tăng ngân sách quốc phòng.

Tuy nhiên, không chắc liệu các cuộc biểu tình có tạo ra được thay đổi nào đối với chính sách của ông Abe hay không, bởi các ý kiến phản đối suốt thời gian qua đã không có tác dụng.

Số lượng các bà mẹ Nhật và sinh viên, đối tượng xưa nay được xếp vào nhóm thờ ơ với các vấn đề chính trị, lên tiếng phản đối dự thảo chính sách quốc phòng ngày một nhiều hơn. Một nhóm hoạt động xã hội có tên “Mothers Against War”(Các bà mẹ phản đối chiến tranh) đã tiến hành thu thập chữ ký của hơn 20 nghìn người.

Cách đây nửa thế kỷ, 300 nghìn sinh viên Nhật từng biểu tình phản đối kế hoạch điều chỉnh hiệp định hợp tác an ninh Mỹ - Nhật, góp phần khiến Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Nobusuke Kishi - ông nội của Thủ tướng Shinzo Abe - mất chức.