14:30 03/10/2022

Nhiều địa phương đề xuất xây đường gom, xóa lối đi tự mở qua đường sắt

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải vừa phản hồi đề xuất để các địa phương được phép xây dựng công trình đường gom, hàng rào bảo vệ trong phạm vi đất dành cho đường sắt, xoá lối đi tự mở tràn lan...

Hiện, còn 3.668 vị trí lối đi tự mở, chiếm tỷ lệ 71% tổng số giao cắt trên cả nước.
Hiện, còn 3.668 vị trí lối đi tự mở, chiếm tỷ lệ 71% tổng số giao cắt trên cả nước.

Ngành giao thông vận tải đặt mục tiêu đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt, theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực đường bộ giao cắt với đường sắt.

Cùng với đó, cơ quan này cũng rà soát các điểm đường ngang giao cắt với quốc lộ trên toàn quốc, để đề xuất các hạng mục xử lý như bổ sung vạch giảm tốc, vạch dừng xe, đèn tín hiệu; sửa chữa mặt đường khu vực giao cắt; bổ sung đèn cảnh báo (nháy vàng) và chuông cảnh báo tự động; sửa chữa hư hỏng mặt đường...

Dù vậy, thời gian qua, tình hình an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có nhiều diễn biến phức tạp, gây nên các vụ tai nạn nghiêm trọng ở các vị trí đường ngang.

 

Tuy nhiên, theo thống kê, hiện trên đường sắt Việt Nam, lối đi tự mở vẫn còn đến 3.668 vị trí, chiếm tỷ lệ 70,89% tổng số giao cắt, giảm 137 vị trí so với thời điểm 31/12/2021. Cùng với đó, còn tồn tại 12 điểm đen, 1.993 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

Lo ngại tình trạng một số lối đi tự mở gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đặc biệt ở những đoạn tuyến đi qua khu vực dân cư đông đúc, tỉnh Quảng Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, xem xét chấp thuận việc xây dựng công trình đường gom, hàng rào bảo vệ trong phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ: “Xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt”, trong một số trường hợp cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình thực hiện, góp phần đảm bảo an toàn giao thông. 

Theo tỉnh Quảng Nam, tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh dài 91,5 km, hiện có 58 đường ngang hợp pháp và 61 lối đi tự mở.

Để xóa toàn bộ lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh, theo Quyết định số 2044/QĐ-UBND ngày 30/7/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về phê duyệt phương án đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên địa bàn tỉnh, cần xây dựng khoảng 3km đường gom trong khu đô thị và khu đông dân cư, 23km đường gom khu vực ít dân cư và một số cầu vượt, hầm chui.

Tuy nhiên, "việc xây dựng đường gom trong khu đô thị và khu đông dân cư ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định sẽ gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chi phí đền bù, giải tỏa rất lớn", tỉnh Quảng Nam nêu rõ khó khăn.

Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao UBND tỉnh Quảng Nam chủ động xây dựng và phê duyệt phương án đảm bảo an toàn giao thông tại các đoạn đường gom trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, đường bộ theo quy định tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt được phê duyệt tại Quyết định số 358/QĐTTg ngày 10/3/2020.

Đối với đề nghị xây dựng đường gom nằm trong phạm vi đất dành cho đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đề nghị: "UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, lập hồ sơ xây dựng đường gom và đề xuất giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 và các quy định khác có liên quan, gửi bộ xem xét, quyết định".

Trước đó, UBND TP. Nam Định cũng đề nghị cho phép xây dựng đường gom song song đường sắt, giáp đường sắt Bắc Nam đoạn từ Km83+100 đến Km83+500 thuộc địa phận phường Lộc Hòa, TP Nam Định.