16:00 01/11/2023

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế Thanh Hóa

Song Khánh

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh Thanh Hóa giảm sâu những tháng đầu năm... Đến nay, bức tranh kinh tế địa phương này cơ bản đã đã hoàn thành với gam màu tươi sáng là chủ đạo. Trong đó, một số mục tiêu chính đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra...

Một góc thành phố Thanh Hóa
Một góc thành phố Thanh Hóa

Sản xuất công nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng đã đạt được trong 9 tháng đầu năm, Nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn bảo dưỡng xong và đưa vào vận hành sản xuất.

SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TĂNG TRƯỞNG 

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 10/2023 tăng 17,52% so với tháng trước, tăng 3,28% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 5,06% so với cùng kỳ.

Một số sản phẩm chủ yếu tháng 10/2023 so với tháng trước và tháng cùng kỳ như: Xi măng 1,45 triệu tấn, tăng 2,9% so tháng trước, tăng 7,0% so tháng cùng kỳ; sắt thép 122,2 nghìn tấn, tăng 4,9% so tháng trước, tăng 1,4% so tháng cùng kỳ; điện sản xuất 980 triệu kwh, tăng 10,2% so tháng trước, tăng 78,4% so tháng cùng kỳ; nước máy 4,85 triệu m3, giảm 7,4% so tháng trước, tăng 1,8% so tháng cùng kỳ…

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10/2023 dự kiến giảm 0,05% so với tháng trước, tăng 6,33% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,11% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10/2023 dự kiến tăng 5,73% so với tháng trước, tăng 44,63% so với tháng cùng kỳ. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 10/2023 dự kiến tăng 1,90% so với tháng trước, giảm 10,98% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 12,16% so với cùng kỳ.

NÔNG NGHIỆP DUY TRÌ ĐÀ PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH

Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục duy trì phát triển ổn định, đến ngày 15/10/2023, các loại cây trồng vụ thu mùa năm 2023 đã cơ bản thu hoạch xong; trong đó, lúa 108.827 ha, đạt 97,2% diện tích gieo trồng; ngô 11.536 ha, đạt 94,7% diện tích gieo trồng; khoai lang 1.266 ha, đạt 97,0% diện tích gieo trồng; rau, đậu các loại 13.490 ha, đạt 98,2% diện tích gieo trồng; cây trồng khác 9.974 ha, đạt 84,8% diện tích gieo trồng.

Trong tháng 6/2023, số lô vải không hạt của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm trồng tại Thanh Hóa đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh. Đây được xem là bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Thanh Hóa.

Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành chăn nuôi của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có sự chuyển dịch từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp của Thanh Hóa tiếp tục duy trì phát triển ổn định
Hoạt động sản xuất nông nghiệp của Thanh Hóa tiếp tục duy trì phát triển ổn định

Toàn tỉnh Thanh Hoá hiện có hơn 1.000 trang trại và hơn 7.000 hộ chăn nuôi. Sản lượng thịt hơi các loại 9 tháng năm 2023 ước đạt 215,8 nghìn tấn, trong đó: thịt trâu, bò 26,7 nghìn tấn; thịt lợn hơi 125,2 nghìn tấn; thịt gia cầm 57,9 nghìn tấn; thịt hơi khác khoảng 06 nghìn tấn); sản xuất sữa tươi đạt 43,5 nghìn tấn; sản lượng trứng đạt 240,3 triệu quả.

Lĩnh vực khai thác thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, ngư trường cạn kiệt… Thế nhưng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tại Thanh Hóa vẫn tăng trưởng khá. Cụ thể, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 18.401 tấn, giảm 1,3% so với tháng trước, tăng 3,2% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt 178.747 tấn, tăng 3,8% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 116.728 tấn, tăng4,1%; sản lượng nuôi trồng 62.021 tấn, tăng 3,1%.

DU LỊCH ẤN TƯỢNG, THƯƠNG MẠI BỨT TỐC

Tháng 10/2023, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 186,4 tỷ đồng, giảm 13,6% so với tháng trước, tăng 17,9% so với tháng cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước, tăng 12,7% so vớitháng cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 21,7 tỷ đồng, giảm 1,5% so với tháng trước, tăng 11,3% so với tháng cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.517 tỷ đồng, tăng2,3% so tháng trước, tăng 0,1% so tháng cùng kỳ.

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 2.009,5 tỷ đồng,  tăng 35,3% so vớicùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 15.099,9 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 216,8 tỷ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 14.258 tỷ đồng, tăng 0,3% so cùng kỳ.

Khu du lịch Pù Luông, huyện Bá Thước
Khu du lịch Pù Luông, huyện Bá Thước

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 11.608 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 16,1% so với tháng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 110.639 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2023 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,76% so với tháng 12/2022 và tăng 2,14% so với tháng 10/2022. Bình quân 10 tháng năm 2023, CPI tăng 3,87% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động vận tải, nhất là vận tải hành khách tăng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 4.062 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ, hành khách vận chuyển 31,3 triệu người, hành khách luân chuyển 2.057,5 triệu người. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 3.581,8 tỷ đồng, tăng 39,1% so cùng kỳ; doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 60,3 tỷ đồng, tăng 27,2% so cùng kỳ.

TỤT HẠNG TRONG THU HÚT VỐN FDI

Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa thu hút 13 dự án, với tổng vốn đăng ký 187 triệu USD tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ. Lũy kế tới quý 3/2023, tỉnh Thanh Hóa có 150 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD.

Mặc dù vậy, theo số liệu công bố từ UBND tỉnh Thanh Hóa về thu hút FDI trong những năm gần đây cho thấy, địa phương này đang có dấu hiệu chững lại trong hoạt động thu hút FDI, sau nhiều năm dẫn đầu khu vực miền Trung.

Cụ thể, năm 2021, Thanh Hóa thu hút được 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng kí mới đạt 112,7 triệu USD và 14,8 triệu USD vốn điều chỉnh; năm 2022, Thanh Hóa thu hút được 7 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký vỏn vẹn 71,2 triệu USD, thuộc diện thấp nhất khu vực Bắc Trung Bộ.

Trong tổng số 14,6 tỷ USD đăng ký (còn hiệu lực) lũy kế mà tỉnh Thanh Hóa thu hút được, phần lớn tới từ một số dự án trọng điểm, đã được đầu tư từ nhiều năm trước như: Xi măng Nghi Sơn vốn 650 triệu USD từ năm 1997, Lọc Hóa dầu Nghi Sơn hơn 9,3 tỷ USD từ năm 2008, hay mới đây như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn với số vốn 2,8 tỷ USD cũng đã từ trước năm 2018... Chỉ tính riêng 3 dự án nói trên đã chiếm tới khoảng 90% số vốn FDI lũy kế mà địa phương này thu hút được từ trước tới nay.