Thanh Hóa đã khởi tố, điều tra 142 bị can về tội tham nhũng
Tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghiêm minh việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức theo quy định, các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực...
Thông tin từ Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa cho biết, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng vừa ký ban hành báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thanh Hóa đã khởi tố, điều tra 166 vụ liên quan đến 385 bị can về tội tham nhũng, kinh tế trong đó có 58 vụ, 142 bị can về tội tham nhũng. Qua đó, Thanh Hóa đã đưa ra xét xử 148 vụ, với 338 bị cáo trong đó có 29 vụ và 78 bị cáo về tội tham nhũng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã lựa chọn 16 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đưa vào diện chỉ đạo, xử lý nghiêm. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hiện nghiêm minh việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức theo quy định; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Quy định số 02-QĐ/BCĐTU quy định về tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Ban Chỉ đạo. Quy định gồm 3 chương, 11 điều, quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm, nội dung, quy trình tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo.
Về nguyên tắc tiếp nhận, xử lý đơn, Quy định nêu 3 nguyên tắc. Đầu tiên, việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn phải tập trung về một đầu mối là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo và phải tuân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp nhận, xử lý đơn thư. Tiếp đến, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo chỉ xử lý những đơn thuộc phạm vi, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo theo Điều 3, Điều 5 Quy định số 67-QĐ/TW ngày 02/6/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII). Nguyên tắc thứ ba là việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn phải bảo đảm trung thực, khách quan, khoa học, chính xác, kịp thời và bảo mật thông tin.
Thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chuyển đơn có nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của cá nhân đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo đến Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo để đăng ký, phân loại, tham mưu xử lý. Giải quyết đơn có nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đủ điều kiện xử lý và thuộc thẩm quyền giải quyết của cá nhân đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo; đồng thời báo cáo Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo kết quả giải quyết.
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tiếp nhận, đăng ký, theo dõi, tổng hợp, phân loại, tham mưu xử lý đơn thuộc phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Cơ quan này cũng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo các chủ trương, giải pháp có liên quan đến công tác chỉ đạo xử lý, giải quyết đơn của tổ chức, công dân gửi đến Ban Chỉ đạo; đôn đốc, theo dõi việc xử lý, giải quyết đơn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
Về thời hạn xử lý đơn, quy định nêu rõ, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chuyển đơn đến Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo để tham mưu xử lý. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đơn, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thông báo bằng văn bản đến người gửi đơn về việc tiếp nhận, xử lý đơn. Nếu đơn có nhiều nội dung, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương cần có thêm thời gian xem xét, xử lý thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 12 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp nhận đơn.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi nhận đơn do Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển; cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết phải có văn bản báo cáo Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo và thông báo bằng văn bản cho người gửi đơn biết về kết quả tiếp nhận, xử lý đơn.