19:06 15/10/2022

Nhiều loài rùa có nguy cơ tuyệt chủng do tình trạng mua bán trái phép trên "chợ mạng"

Chu Khôi

Các loài rùa cạn và rùa nước ngọt là nhóm mặt hàng bị buôn bán phổ biến thứ hai trên mạng xã hội Facebook, chỉ sau các sản phẩm từ voi. Tình trạng này đang đẩy nhiều loài rùa vào tình thế tuyệt chủng. Nếu không hành động quyết liệt, nhiều loài rùa sẽ biến mất mãi mãi…

Nhiều loài rùa đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Nhiều loài rùa đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) vừa tổ chức hội thảo công bố Báo cáo “Chợ rùa trên mạng: Sôi động thị trường rùa trên Facebook và Youtube ở Việt Nam năm 2021”. 

Báo cáo này được tài trợ bởi Chương trình do Liên minh Châu Âu trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã” do Tổ chức WCS điều phối và PanNature là đối tác thực hiện dự án tại Việt Nam.

NHIỀU LOÀI RÙA ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

Ông Hoàng Văn Hà, thành viên Chương trình bảo tồn Rùa châu Á (ATP) cho biết Việt Nam hiện là nơi cư trú của 31 loài rùa (bao gồm 26 loài rùa cạn, rùa nước ngọt và 5 loại rùa biển), chiếm 8,68% trong tổng số 357 loài rùa hiện còn được ghi nhận trên thế giới. So sánh ở Châu Á, Việt Nam có tới 34,83% loài rùa bản địa của khu vực này.

Trong khi đó, Danh lục Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê 24 loài rùa cạn và rùa nước ngọt cùng 5 loài rùa biển của Việt Nam vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, 1 loài sắp bị đe dọa và 1 loài chưa được đánh giá (IUCN, 2021).

 

"Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) liệt kê 4 loài rùa cạn và rùa nước ngọt; cùng tất cả 5 loài rùa biển của Việt Nam trong Phụ lục I và 21 loài rùa cạn, rùa nước ngọt còn lại trong Phụ lục II - bị cấm và hạn chế khai thác các quần thể hoang dã vì mục đích thương mại".

Ông Hoàng Văn Hà, thành viên Chương trình bảo tồn Rùa châu Á (ATP).

Cụ thể: trong 24 loài rùa cạn và rùa nước ngọt có nguy có tuyệt chủng, có tới 15 loài ở mức độ rất nguy cấp (CR), 8 loài ở mức độ nguy cấp (EN), và 1 loài ở mức sắp nguy cấp (VU); 5 loài rùa biển có 1 loài rất nguy cấp (CR), 1 loài nguy cấp (EN) và 3 loài sắp nguy cấp (VU).

Theo ông Hà, nạn săn bắt và buôn bán trái phép được coi là nguyên nhân chính dẫn tới sự nguy cấp của nhiều loài rùa bản địa của Việt Nam.

Trong hơn 180 loài động vật hoang dã bị các đối tượng vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt… bất hợp pháp bị bắt giữ, qua phân tích số lượng cá thể động vật hoang dã bị tịch thu, cho thấy các loài thuộc nhóm rùa bị vi phạm nhiều nhất, chiếm gần 1/3, tương đương 31,23% (8.118/26.221), tổng số cá thể bị tịch thu trong giai đoạn 2013 – 2017.

Chỉ tính riêng trong năm 1993, theo báo cáo Điều tra về tình trạng buôn bán rùa tại Việt Nam, ước lượng đã có khoảng 200.000 cá thể, tương đương với 165-270 tấn rùa đã bị buôn bán trái phép từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Năm 2020, rùa cũng là nhóm động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất tại Việt Nam với số lượng cá thể được giải cứu lên tới 377 trên tổng số 1.132 cá thể động vật hoang bị tịch thu và chuyển giao về Vườn quốc gia Cúc Phương (ATP, dữ liệu chưa công bố).

Kiểm lâm tái thả rùa về rừng.
Kiểm lâm tái thả rùa về rừng.

Các loài rùa cạn và rùa nước ngọt là nhóm mặt hàng bị buôn bán phổ biến thứ hai trên mạng xã hội Facebook, chỉ sau các sản phẩm từ voi trong năm 2015 – 2016.

Với các ưu điểm như giao dịch không trực tiếp, khả năng kết nối từ xa, có thể che giấu danh tính, mạng xã hội trở thành một kênh phổ biến cho việc trao đổi, giao dịch các mặt hàng cấm, bao gồm động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng.

"Cuộc khủng hoảng rùa Châu Á diễn ra từ năm 1980 kéo dài dai dẳng tới tận hiện tại và được dự đoán sẽ kéo dài trong vài chục năm tới. Nếu không hành động quyết liệt, nhiều loài rùa sẽ mãi mãi không còn nữa", ông Hà nhấn mạnh.

NHỨC NHỐI “CHỢ RÙA TRÊN MẠNG”

Nhằm cung cấp các khuyến nghị cho các bên liên quan, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) phối hợp thực hiện khảo sát thực trạng buôn bán rùa trên mạng xã hội tại Việt Nam trên hai nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam là Facebook và YouTube.

Nghiên cứu tập trung vào hoạt động buôn bán rùa sống trong năm 2021, không đánh giá các hoạt động buôn bán các bộ phận từ rùa khác như: trứng, da, mai, thịt.

Trình bày về kết quả khảo sát, bà Tô Bích Ngọc, đại điện PanNature - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2021 có tới 200 nhóm và 96 trang hoạt động thường xuyên trên Facebook liên quan đến hoạt động nuôi và buôn bán rùa với tổng cộng 337.047 thành viên. 

Trang bìa Báo cáo “Chợ rùa trên mạng: Sôi động thị trường rùa trên Facebook và Youtube ở Việt Nam năm 2021”.
Trang bìa Báo cáo “Chợ rùa trên mạng: Sôi động thị trường rùa
trên Facebook và Youtube ở Việt Nam năm 2021”.

Trong năm 2021 nhóm nghiên cứu phát hiển 143 tài khoản Facebook rao bán rùa, trong đó có 96 trang liên tục cập nhật các mặt hàng rùa để buôn bán.

Còn trên mạng xã hội Youtube kể từ năm 2015 đến nay số lượng các kênh liên quan đến buôn bán rùa được thành lập nhiều nhất. Hầu hết các tài khoản được lập để chia sẻ kinh nghiệm nuôi và buôn bán rùa.

“Facebook và Youtube có cơ chế kiểm soát nội dung, tuy nhiên, các nhóm có nhiều chiêu để lách luật, ví dụ chèn thông tin vào ảnh, chèn vào video…, lập nhóm riêng tư/quy định chặt chẽ đối với thành viên. Theo quan sát, toàn bộ các bài viết, video đều không nhắc tới giấy tờ nguồn gốc hay giấy phép của các cá thể mình đang nuôi hay rao bán”, bà Ngọc nhấn mạnh.

 

"Thống kê có khoảng 3.646 cá thể rùa với 17 loài bản địa bị buôn bán trên các trang nhóm Facebook trong năm 2021. Các loài rùa bị buôn bán chủ yếu là rùa núi vàng, rùa ba gờ và rùa sa nhân, đặc biệt, người ta bán nhiều loài rùa quý hiếm thuộc nhóm nguy cấp và cực kỳ nguy cấp như rùa đất Speng lơ, rùa đất Sê-pôn, rùa đầu to, rùa câm…"

Bà Tô Bích Ngọc, chuyên gia của PanNature.

Bà Ngọc cũng cảnh báo, người nuôi rùa nếu không nắm được các quy định pháp luật liên quan có thể vướng vào vòng lao lý nếu thú cưng của mình thuộc nhóm được ưu tiên bảo vệ. Nhiều bàn luận trên các diễn đàn cho rằng, nuôi nhiều mới vi phạm pháp luật, còn “nuôi một con sẽ không sao”. 

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng cho biết, việc nuôi nhốt rùa, ba ba đang khiến cho các loài thuần chủng dần tuyệt chủng. Công tác cứu hộ và tái thả các cá thể rùa về môi trường tự nhiên cũng như công tác xác định danh tính các tội phạm buôn bán trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn.

Để hạn chế tình trạng này, các chuyên gia cho rằng các cơ quan báo chí truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần hạn chế tình trạng nuôi nhốt, săn bắt rùa.

"Đối với người nuôi, cần chú ý tính pháp lý, không tuỳ ý tái thả, đảm bảo vệ sinh khi nuôi nhốt. Với các cơ quan quản lý, cần coi buôn bán rùa trực tuyến là một phần của buôn lậu rùa; các đơn vị vận chuyển thì cần có phương thức kiểm soát hàng hoá bị buôn lậu bao gồm rùa. Các nền tảng xã hội cần có cơ chế giám sát để tránh tiếp tay buôn bán động vật hoang dã, trong đó có rùa, đồng thời nâng cao nhận thức bảo tồn động vật hoang dã" - bà Tô Bích Ngọc khuyến nghị.