13:52 15/09/2021

Nhiều nhóm ngành tiếp tục bị hạ thấp triển vọng tăng trưởng vì siêu biến thể Delta

Thu Minh

Hầu hết các nhóm ngành đều bị điều chỉnh giảm tăng trưởng so với dự báo trước đó mà VnDirect đưa ra. Báo cáo phân tích vừa công bố không kỳ vọng quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế sẽ diễn ra nhanh chóng do số ca mắc mới hàng ngày vẫn duy trì ở mức cao, tỷ lệ tiêm chủng thấp và tác động tiêu cực của gián đoạn chuỗi cung ứng...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế vĩ mô 8 tháng năm 2021, hầu hết các dự báo của các công ty chứng khoán cũng dựa vào đó mà hạ dự báo tăng trưởng GDP cho nền kinh tế trong quý 3/2021. Hôm qua (14/9), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 9/2021 và nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới từ quý 4/2021, tăng trưởng GDP cả năm có khả năng đạt 3,5-4%.

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4 đã tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của nền kinh tế Việt Nam. Bức tranh vĩ mô thậm chí còn xấu đi nhanh chóng trong tháng 8 do nhiều địa phương trên cả nước phải siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.

Để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế, Chính phủ đã lên kế hoạch mở cửa dần các hoạt động kinh doanh không thiết yếu kể từ giữa tháng 9.

Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật triển vọng vĩ mô vừa công bố, VnDirect không kỳ vọng quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế sẽ diễn ra nhanh chóng do số ca mắc mới hàng ngày vẫn duy trì ở mức cao, tỷ lệ tiêm chủng thấp và tác động tiêu cực của gián đoạn chuỗi cung ứng.

VnDirect cho rằng quá trình phục hồi chậm có thể kéo dài sang quý 4 năm nay cho đến khi số ca mắc mới hàng ngày giảm đáng kể so với mức hiện tại và tỷ lệ tiêm chủng tăng cao hơn. Và điều chỉnh dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021.

Trong kịch bản cơ sở, VnDirect hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 3,9% so với dự báo trước đó là 5,0-5,5%. Dự báo dựa trên các giả định chính sau: Số ca nhiễm mới hàng ngày sẽ giảm dần kể từ giữa tháng 9/2021. Việt Nam có thể đẩy nhanh triển khai vắc xin cho đến cuối năm 2021. Hà Nội và TP.HCM sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho toàn bộ người trên 18 tuổi trong tháng 9 và khoảng 60% dân số Việt Nam sẽ được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19 vào cuối năm 2021.

Hà Nội có thể nới lỏng giãn cách xã hội kể từ cuối tháng 9/2021 và TP.HCM bắt đầu mở cửa trở lại một số hoạt động kinh tế kể từ đầu tháng 10. TP.HCM đã đặt mục tiêu mở cửa toàn bộ nền kinh tế kể từ giữa tháng 1/2022.

Đồng thời, các chuyến bay nội địa có thể được cấp phép trở lại kể từ cuối tháng 9/2021. Việt Nam có thể thí điểm mở cửa trở lại một số khu du lịch như đảo Phú Quốc cho khách du lịch quốc tế kể từ tháng 10/2021.

Về dự báo theo quý, dự phóng GDP quý 3/2021 của Việt Nam suy giảm 1,2% so với cùng kỳ trước khi phục hồi trở lại và tăng trưởng 5,7% so với cùng kỳ trong quý 4/2021.

Nhiều nhóm ngành tiếp tục bị hạ thấp triển vọng tăng trưởng vì siêu biến thể Delta - Ảnh 1

Trong kịch bản cơ sở, theo VnDirect, ngành dịch vụ giảm nhẹ 0,02% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm 2021, thấp hơn mức tăng trưởng 2,4-3,2% trong dự báo trước đó và mức tăng 4,0% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021. Một số phân ngành dịch vụ, bao gồm; các hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải và kho bãi; nghệ thuật và giải trí; các hoạt động dịch vụ hỗ trợ hành chính, có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm trong nửa cuối năm nay.

VnDirect cũng hạ dự báo tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng xuống 5,1% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm 2021, từ mức tăng trưởng 7,3-8,3% so với cùng kỳ trong dự báo trước đó và mức tăng 8,4% so với cùng kỳ trong 6 thángđầu năm 2021, do các tác động tiêu cực của đứt gãy chuỗi cung ứng và giãn cách xã hội.

Đối với ngành nông, lâm, ngư nghiệp, VnDirect hạ dự báo tăng trưởng xuống mức 3,6% trong 6 tháng cuối năm 2021, từ dự báo trước đó là tăng 3,7-4,0% so với cùng kỳ và mức tăng 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2021, do nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm trong nửa cuối năm nay trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài