Nhóm ngân hàng xứng đáng được định giá cao hơn, KBSV gọi tên hai cổ phiếu tiềm năng cho cả năm 2024
Trải qua 1 năm nhiều khó khăn, mặt bằng giá cổ phiếu của ngành ngân hàng được đại diện bởi chỉ số P/B đã điều chỉnh xuống dưới mức bình quân 10 năm, về mức -1 độ lệch chuẩn và đang được giao dịch ở vùng 1.4x – gần với mức đáy 1.3x năm 2020 và 2022.
KBSV trong báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2024 đã bày tỏ kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ vẫn quanh mức 12-13% trong bối cảnh triển vọng kinh tế chung chưa hồi phục quá mạnh.
RỦI RO NỢ XẤU ĐƯỢC KIỂM SOÁT QUANH MỨC NĂM 2023
Động lực tăng trưởng chủ yếu sẽ đến từ mặt bằng lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu tín dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất; kỳ vọng các chính sách hỗ trợ của chính phủ phát huy tác dụng, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước những vướng mắc về pháp lý trong lĩnh vực Bất động sản tiếp tục được tháo gỡ, giúp thị trường này sớm đi qua giai đoạn suy thoái; thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần thêm thời gian từ 2-3 năm nữa để quay trở lại tăng trưởng mạnh như trước đây, trong khi đó kênh huy động vốn qua ngân hàng sẽ vẫn được ưu tiên.
Dù vậy, tăng trưởng tín dụng với mỗi ngân hàng sẽ có sự khác biệt tuỳ thuộc
vào hạn mức được cấp, cũng như chiến lược cho vay của ngân hàng đó. Những ngân hàng đáp ứng tiêu chí như: tham gia tái cấu trúc tổ chức tín dụng yếu kém; có tỷ lệ an toàn vốn cao, thanh khoản dồi dào, danh mục cho vay ít phơi nhiễm với các loại rủi ro, có lãi suất cho vay ưu đãi để hỗ trợ nền kinh tế… sẽ là “điểm cộng” khi được NHNN phân bổ hạn mức tín dụng.
Theo đó, KBSV dự kiến MBB, VPB, HDB sẽ là những ngân hàng tiếp tục được cấp hạn mức cao hơn mức trung bình ngành.
Rủi ro suy giảm chất lượng tài sản trong năm 2024 có thể đến từ những khoảng trống pháp lý khi thông tư 02 về việc tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ sẽ hết hiệu lực vào tháng 6/2024.
Giai đoạn trước khi các thông tư tái cơ cấu nợ (TT14/2021, TT03/2021) hết hiệu lực, chất lượng tài sản ngành ngân hàng có sự suy yếu nhẹ. Do vậy, diễn biến tương tự có thể xảy ra trong năm sau, song vẫn chưa phải là rủi ro quá đáng lo ngại bởi: Quy mô nợ tái cơ cấu đợt này không lớn như đợt tái cơ cấu do Covid. Tổng dư nợ tái cơ cấu theo TT02 chỉ chiếm 0,2-0,5% trên quy mô tín dụng của một số ngân hàng theo dõi (trừ BID, VPB, MBB), và chiếm hơn 1% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Nếu những khoản này được phân loại lại vào nhóm 3,4,5 khi thông tư hết hiệu lực; tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể sẽ nhích nhẹ lên. Dù vậy, việc gia tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu cũng sẽ hỗ trợ giảm áp lực cho các ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đang xem xét việc gia hạn thời gian triển khai TT02 trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi, doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ từ chính phủ. KBSV cho rằng việc kéo dài thời hạn hiệu lực của thông tư giúp cho quá trình trích lập và xử lý nợ xấu của các ngân hàng diễn ra từ từ, không ảnh hưởng đến nền tảng tài chính. Từ đó, áp lực suy giảm chất lượng tài sản được giảm bớt trong 2H2024 và 2025. Kỳ vọng NPL của ngành sẽ được kiểm soát quanh mức hiện tại trong năm 2024.
BẤT ĐỘNG SẢN VÀ TRÁI PHIẾU LÀ "CHÌA KHÓA" MỞ CỬA CHO CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG
Rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản sẽ vẫn còn hiện hữu trong năm 2024 nếu mức độ phục hồi của các lĩnh vực này không như kỳ vọng.
Áp lực đáo hạn trái phiếu hiện hữu khi bước sang năm 2024, tổng giá trị đáo hạn sẽ lên đến 329,5 nghìn tỷ đồng - cao nhất trong 3 năm gần đây (năm 2022 là 144,5 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là 271.4 nghìn tỷ đồng), trong đó có khoảng 123,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.
Ngoài ra, lượng trái phiếu chậm trả trong năm nay đã lên tới con số 195 nghìn tỷ, trong đó có những lô chuẩn bị đáo hạn “lần 2” vào năm sau. Do vậy, không loại trừ khả năng rủi ro tập trung có thể xảy ra ở một số ngân hàng sở hữu tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp lớn trong cơ cấu tín dụng, tạo nên ảnh hưởng lan truyền trong hệ thống như giai đoạn năm 2022.
Trải qua 1 năm nhiều khó khăn, mặt bằng giá cổ phiếu của ngành ngân hàng được đại diện bởi chỉ số P/B đã điều chỉnh xuống dưới mức bình quân 10 năm, về mức -1 độ lệch chuẩn và đang được giao dịch ở vùng 1.4x – gần với mức đáy 1.3x năm 2020 và 2022.
KBSV cho rằng ngành ngân hàng sẽ còn phải đối diện với một vài khó khăn trong thời gian tới, tuỳ thuộc vào mức độ hồi phục của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, nhưng tựu chung lại bức tranh tổng thể của toàn ngành đã xuất hiện những điểm sáng để cổ phiếu của nhóm này xứng đáng được tái định giá ở mức cao hơn.
Trong số những ngân hàng nằm trong danh mục theo dõi, VCB và ACB vẫn là những lựa chọn hàng đầu bởi chiến lược an toàn, thận trọng với rủi ro, bộ đệm vững chắc, triển vọng dài hạn tiềm năng sẽ phù hợp với các nhà đầu tư mua và nắm giữ lâu dài.
Những ngân hàng có mức tăng trưởng tốt, sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh và được hưởng lợi nếu lĩnh vực bất động sản hồi phục như MBB, TCB, VPB cũng là những lựa chọn đáng để cân nhắc cho nhóm nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn; bên cạnh một số cơ hội đầu tư tiềm năng mới ở các ngân hàng năng động như STB, VIB.