07:54 05/01/2024

Những “biến số” của chứng khoán châu Á năm 2024

Hoài Thu

Tình hình kinh tế Trung Quốc mới là “biến số” quyết định sức mạnh của chứng khoán khu vực so với các thị trường khác trong năm 2024...

BOJ được dự báo có thể sẽ có động thái thay đổi chính sách tiền tệ sớm nhất vào tháng 4 - Ảnh: Bloomberg
BOJ được dự báo có thể sẽ có động thái thay đổi chính sách tiền tệ sớm nhất vào tháng 4 - Ảnh: Bloomberg

Theo hãng tin Bloomberg, thị trường chứng khoán châu Á có thể trông đợi vào cú huých từ việc giảm lãi suất hay xu hướng mất giá của đồng USD. Tuy nhiên, tình hình kinh tế Trung Quốc mới là “biến số” quyết định sức mạnh của chứng khoán khu vực so với các thị trường khác trong năm 2024.

Liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể phục hồi và thoát khỏi cuộc khủng hoảng bất động sản hay không là hai trong số những câu hỏi lớn nhất đối với giới đầu tư năm nay. Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa có năm thứ ba giảm điểm kỷ lục và góp phần khiến Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng kém hơn so với chỉ số toàn cầu 11 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, năm nay, thị trường chứng khoán Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan đứng trước tác động của các cuộc bầu cử, sau năm 2023 tăng trưởng ở mức hai con số. Tại Nhật Bản, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có đảo ngược chính sách lãi suất âm hay không sẽ có tác động lớn tới thị trường chứng khoán, đặc biệt là với các cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu – nhóm vừa có một năm tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2013.

Dưới đây là 5 “biến số” quan trọng của thị trường chứng khoán châu Á năm 2024 mà Bloomberg đưa ra:

SỰ PHỤC HỒI CỦA TRUNG QUỐC

Sau năm 2023 ảm đạm, các nhà đầu tư vào Trung Quốc đang đổ dồn quan tâm vào kỳ họp Quốc hội và Hội nghị Trung ương 3 – cuộc họp chính sách kinh tế quan trọng nơi các nhà lãnh đạo nước này sẽ đặt ra mục tiêu tăng trưởng cũng như chủ trương về chính sách tài khóa năm 2024.

Kỳ họp Quốc hội và Hội nghị Trung ương 3 của Trung Quốc nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư toàn cầu - Ảnh: Getty Images
Kỳ họp Quốc hội và Hội nghị Trung ương 3 của Trung Quốc nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư toàn cầu - Ảnh: Getty Images

Dù triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt nhiều thách thức, Bắc Kinh đã không tung ra được các gói kích thích tăng trưởng trên diện rộng như kỳ vọng của thị trường. Giới đầu tư đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa, dù đến nay tác động của việc này lên thị trường không kéo dài lâu.

Trong khi đó, dự thảo quy định cho ngành game bất ngờ được đưa ra vào tháng 12 làm dấy lên lo lắng về lập trường của Bắc Kinh đối với giới doanh nghiệp tư nhân. Cùng với đó, ngành bán dẫn và năng lượng sạch tại nước này được dự báo có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng nếu căng thẳng địa chính trị ở phương Tây bùng lên.

XOAY TRỤC CHÍNH SÁCH

Động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sức khỏe của nền kinh tế Mỹ là hai yếu tố đặc biệt quan trọng đối với xu hướng của đồng USD và lãi suất tại châu Á. Hai yếu tố này cũng sẽ quyết định xu hướng mua cổ phiếu châu Á của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang trông chờ tín hiệu từ Thống đốc BOJ Kazuo Ueda về việc chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm tại Nhật. Những phát biểu vào tháng trước của ông Ueda cho thấy BOJ có thể sẽ có động thái sớm nhất vào tháng 4. Lãi suất tăng có thể đẩy giá đồng Yên tăng lên và ảnh hưởng tới cổ phiếu các các doanh nghiệp xuất khẩu – vốn là nhóm dẫn đầu trong chỉ số chứng khoán Nhật Bản. Điều này có thể cản trở đà tăng hiện tại của chứng khoán Nhật Bản.

MỘT LOẠT CUỘC BẦU CỬ

Một loạt cuộc bầu cử tại các thị trường gồm Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Đài Loan dự kiến diễn ra trong nửa đầu năm nay đang khiến các nhà đầu tư chuyển hướng quan tâm tới rủi ro chính trị.

Cuộc bầu cử tại Đài Loan trong tháng 1 được dự báo sẽ có tác động tới quan hệ Mỹ-Trung. Còn tại Ấn Độ và Indonesia, các nhà đầu tư đang kỳ vọng chính sách hỗ trợ tăng trưởng của Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Joko Widodo sẽ tiếp tục được duy trì.

Ở Hàn Quốc, thị trường đã bắt đầu ghi nhận tác động từ cuộc bầu cử quốc hội – dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4 – với lệnh cấm bán khống nhằm bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân. Tổng thống Yoon Suk Yeol cam kết loại bỏ một cơ chế thuế mới nhằm thúc đẩy đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước, cùng với đó là một loạt cải cách, bao gồm thay đổi hệ thống hưu trí và ngăn chặn hành vi thao thúng thị trường.

ĐỘNG LỰC TỪ ẤN ĐỘ

Quốc gia Nam Á vẫn là một điểm sáng tại châu Á khi thị trường chứng khoán lập kỷ lục trong năm 2023. Các nhà đầu tư toàn cầu đang đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Ấn Độ khi quốc gia này giành được nhiều hợp đồng sản xuất chất lượng cao, thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng và nổi lên là một thị trường thay thế cho Trung Quốc.

Quốc gia Nam Á vẫn là một điểm sáng tại châu Á với các chỉ số chứng khoán lập kỷ lục - Ảnh: Getty Images
Quốc gia Nam Á vẫn là một điểm sáng tại châu Á với các chỉ số chứng khoán lập kỷ lục - Ảnh: Getty Images

Đảng của Thủ tướng Modi được dự báo sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới, đặc biệt là sau các cuộc thăm dò toàn quốc gần đây. Theo Jefferies LLC, thị trường có thể đối mặt sự điều chỉnh lớn lên tới 25% hoặc hơn nếu đảng cầm quyền không giành chiến thắng.

MỐI LO NGẠI VỀ NGÀNH CHIP

Sự thành công của phần mềm trí tuệ nhân tạo ChatGPT đã tạo ra một cơn sốt bất ngờ của cổ phiếu chip trong năm 2023. Mọi ánh mắt giờ đây đổ dồn vào hai nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) và Samsung Electronics Co., để xem liệu nhu cầu liên quan tới trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp như thế nào.

Nhu cầu tăng lên từ Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ là yếu tố quan trọng để duy trì tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đối với cổ phiếu chip. Tháng 11/2023, sản lượng sản xuất và xuất khẩu con chip của Hàn Quốc ghi nhận mức tăng kỷ lục nhiều năm – một dấu hiệu cho thấy chu kỳ đi lên của ngành bán dẫn đã bắt đầu.