08:52 27/07/2021

Nội thất bespoke: khi không gian cũng yêu cầu độc bản

Tường Bách

Giới thượng lưu tinh hoa mong muốn mái ấm của họ là độc nhất  và mỗi món đồ trong đó đều phải có cá tính, thể hiện cái tôi riêng. Hàng nội thất xa xỉ  đang trở thành một "biểu tượng ngầm” thể hiện hành vi tiêu dùng của giới siêu giàu Việt...

Điều này được chứng minh qua giá trị nhập khẩu nội thất của Việt Nam. Trong ba năm qua, giá trị này tăng trưởng khoảng 33%, theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Concetti. Trong đó, Italy dẫn đầu khu vực châu Âu và đứng thứ ba toàn cầu với khoảng 7% thị phần.

Theo KTS. Nguyễn Viết Khim – CEO & Founder Thước Tầm Group, ở phân khúc khách hàng cao cấp, khá nhiều người Việt sẵn sàng chi trả 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng cho một bộ nội thất bếp nhập khẩu từ Italy, từ 300 - 500 triệu đồng cho một giường ngủ nhập khẩu từ châu Âu…

NHỮNG KHÔNG GIAN XA XỈ

Hiện nay tại Việt Nam, các nhãn hiệu nội thất danh tiếng nhất của giới thượng lưu đều đến từ Italy như Minotti, Fendi Casa, Misonni Home, Fornasetti, Arclinea… Cũng giống như những món hàng thời trang xa xỉ như LV, Hermes hay đồng hồ Rolex, Hublot… đồ nội thất có thương hiệu là một sự khẳng định đẳng cấp của gia chủ. Một người được coi là giàu có khi bỏ hàng chục tỷ đồng mua một căn biệt thự, nhưng chắc chắn phải là người siêu giàu mới sẵn sàng chi 5 tỷ đồng cho một bộ đèn phòng khách.

Ông Phạm Cao Đông, Tổng Giám đốc chuỗi CDC Home Design Center chia sẻ quan sát của mình qua hơn 12 năm kinh nghiệm trong ngành hàng nội thất hàng hiệu nhập khẩu. "Số lượng những người siêu giàu có nhu cầu mua sắm những món đồ nội thất cao cấp mang vẻ đẹp tinh thần, in đậm dấu ấn cá nhân, và có tính đồng bộ cao với không gian nội thất của họ ngày một gia tăng". Ông Đông phân tích: "Họ chú trọng phẩm chất của những món đồ hàng hiệu. Họ cực kỳ e ngại và từ chối tiếp cận các món đồ có dấu hiệu đạo nhái nên rất cẩn thận mỗi khi mua hàng, bởi nó ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và giá trị  của bản thân họ khi sử dụng".

Một ngôi nhà được coi là đạt chuẩn mực phong cách sống thượng lưu là nhờ các chi tiết cầu kỳ, nguyên bản.
Một ngôi nhà được coi là đạt chuẩn mực phong cách sống thượng lưu là nhờ các chi tiết cầu kỳ, nguyên bản.

Lạc bước trong gian phòng khách với điểm nhấn đắc ý từ chiếc đèn chùm danh giá Serip làm thủ công tại Bồ Đào Nha, hay những đồ gỗ, kệ sách, gương… chế tác đỉnh cao của Christopher Guy Harrison thương hiệu CG, hoặc một phòng ngủ như showroom thời trang kiểu Italy với thương hiệu Gianfranco Ferre Home; một không gian bếp với kiểu dáng và đường nét kiêu sa của hãng nội thất danh tiếng từ Mỹ Caracole..., bạn sẽ biết chủ nhân của ngôi nhà không chỉ là người giàu có về vật chất, mà còn là người có tri thức và biết trân trọng đời sống tinh thần, am hiểu hàng hiệu và rất sành điệu.

Nhớ lại những tháng ngày đầu tiên lựa chọn đưa các dòng sản phẩm nội thất cao cấp từ châu Âu về Việt Nam, ông Vincent Au, Giám đốc Phát triển kinh doanh Eurasia Concept, đã lựa chọn rất nhiều thương hiệu đẳng cấp quốc tế. Thời điểm đó, các khách hàng đều có một câu hỏi chung: thị trường Việt Nam đã sẵn sàng với những sản phẩm nội thất nguyên bản từ những nhà thiết kế lừng danh thế giới chưa? Giờ đây, sau 5 năm, bạn hàng quốc tế đều công nhận, Eurasia Concept đã mở ra một cánh cổng mới cho những thiết kế nguyên bản mang tầm quốc tế tiến vào thị trường tiềm năng như Việt Nam. Đây là mảnh đất đã chờ đợi từ rất lâu những giải pháp thuận tiện để cải thiện phong cách sống lên một tầm thẩm mỹ cao hơn.

TỪNG MÓN ĐỒ ĐƯỢC CÁ NHÂN HÓA

Không chỉ cầu kỳ trong việc lựa chọn thương hiệu, giới tinh hoa Việt Nam còn thể hiện độ giàu có cùng gu thẩm mỹ cao cấp của bản thân qua xu hướng đặt hàng những món nội thất bespoke - độc bản, được “đo ni đóng giày” cho không gian sống của mình.

 
Giới siêu giàu chú trọng phẩm chất của những món đồ hàng hiệu. Họ cực kỳ e ngại và từ chối tiếp cận các món đồ có dấu hiệu đạo nhái nên rất cẩn thận mỗi khi mua hàng, bởi nó ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và giá trị  của bản thân họ khi sử dụng

Một chiếc sofa được mua sẵn dù có đắt tiền thì đẳng cấp vẫn thua xa một chiếc sofa do các nhà thiết kế đến tận nơi đo đạc và thửa riêng cho không gian căn nhà. Theo đại diện thương hiệu đèn trang trí cao cấp Officina Luce - ông Leonardo Cangioli, thì giá của những sản phẩm thiết kế “may đo” theo sở thích riêng có thể cao gấp vài lần với hàng có sẵn. Thương hiệu của ông đã “xác định ngay từ đầu sẽ bán những chiếc đèn chế tác hoàn toàn bằng tay, mạ vàng 24K… cho giới thượng lưu, chiếm khoảng 1 - 2% dân số một quốc gia”.

Theo bà Constance Tew - người sáng lập Công ty thiết kế Creative Mind Design, thị trường Việt Nam gần đây rộ lên hai xu hướng thiết kế nội thất: eco – friendly (thân thiện môi trường) và thiết kế bespoke. Trong đó, một ngôi nhà đạt chuẩn mực phong cách sống thượng lưu phải nằm ở chi tiết cầu kỳ, nguyên bản. Soi tổng thể một ngôi nhà, chính các chi tiết mới thể hiện được sự tận tâm với không gian và trải nghiệm sống theo từng phút giây của gia chủ.

Do vậy không ngạc nhiên khi bespoke là lãnh địa chứng kiến thú chơi không giới hạn cả về sự sáng tạo lẫn giá tiền. Ví như chiếc bồn tắm được làm từ nguyên khối cẩm thạch bên ngoài bọc kính cường lực trong suốt trị giá vài chục nghìn đô la; chiếc giường làm bằng gỗ quý được nghệ nhân danh tiếng chạm khắc kỳ công gắn hàng trăm viên đá quý; hay bộ ghế sofa được bọc bằng da thuộc thủ công, vẫn để nguyên lỗ chân lông nhằm tạo cảm giác êm ái, thông thoáng khi sử dụng… Nội thất độc bản không chỉ là món đồ với công năng sử dụng mà là một tác phẩm nghệ thuật đích thực cho không gian sống.

Việt Nam đã sẵn sàng với những sản phẩm nội thất nguyên bản từ những nhà thiết kế lừng danh thế giới.
Việt Nam đã sẵn sàng với những sản phẩm nội thất nguyên bản từ những nhà thiết kế lừng danh thế giới.

Tại Việt Nam hiện nay, với dòng bất động sản thương hiệu, đi kèm theo không chỉ có nội thất độc bản mà còn cả những dịch vụ đặc quyền, thậm chí với tính năng cá nhân hoá riêng biệt đến từng chi tiết. Từ dịch vụ spa trị liệu cao cấp tại nhà, các bữa tiệc với đầu bếp riêng, cho đến lựa chọn thực phẩm organic, lên thực đơn theo tình trạng sức khoẻ, dịch vụ quản gia, giặt là đồ hiệu, chăm sóc thú cưng...

Có thể nói, gu thẩm mỹ và độ chịu chi của nhà giàu Việt Nam đang có những thay đổi đáng kể. Nếu như trước kia, giá tiền đóng vai trò quan trọng, chỉ cần rẻ hơn một chút là khách hàng sẽ lựa chọn thì giờ đây chất lượng sản phẩm và đẳng cấp của thương hiệu được đề cao. Với cuộc sống đủ đầy cùng sự am hiểu về thế giới xung quanh, những người giàu có đã dám chi để tận hưởng trải nghiệm chứ không còn mua sắm để phô trương nữa. Hay nói cách khác, những lựa chọn của họ đều xứng tầm với vị thế của bản thân.

 
Năm 2020, "Báo cáo Thịnh vượng" (The Wealth Report) của Knight Frank đã công bố, tính đến hết năm 2019, số lượng người siêu giàu (sở hữu giá trị tài sản ròng trên 30 triệu USD) tại Việt Nam đã là 405 người. Tới năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid, số lượng cá nhân siêu giàu này đã giảm xuống còn 390 người. Mặc dù vậy, Knight Frank cũng đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới (khoảng 31%) trong 5 năm tới. Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 511 người có tài sản trên 30 triệu USD.