15:39 08/10/2021

"Phá băng" đường bay, khôi phục nền kinh tế, địa phương không thể "cửa đóng, then cài"

Ánh Tuyết

“Các địa phương không phải là một đất nước, một quốc gia có thể tự cung tự cấp toàn bộ, thoát ly với liên kết vùng. Việc kết nối lại giao thông vận tải nói chung và hàng không nói riêng cần làm ngay", ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nói...

Bước đầu có thể làm ở quy mô nhỏ, sau 10 ngày mở cửa, sẽ rà soát, đánh giá lại để bổ sung, điều chỉnh.
Bước đầu có thể làm ở quy mô nhỏ, sau 10 ngày mở cửa, sẽ rà soát, đánh giá lại để bổ sung, điều chỉnh.

Tại toạ đàm “Điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn” được tổ chức ngày 8/10, ông Võ Huy Cường khẳng định: “Việc di chuyển bằng đường hàng không cho đến nay là an toàn nhất". 

Theo thống kê chính thức của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) trong cuộc họp về các giải pháp phòng chống lây lan dịch bệnh bằng đường hàng không, đến thời điểm cuối tháng 8/2020, có hơn 1 tỷ lượt khách quốc tế di chuyển bằng đường hàng không, chỉ phát hiện và xác định 41 hành khách lây nhiễm chéo.

KÍCH HOẠT ĐƯỜNG BAY, TỪNG BƯỚC THỬ "SỐNG CHUNG VỚI DỊCH"

Sau thời gian ưu tiên số 1 cho phòng, chống dịch, đặt sức khoẻ, tính mạng của nhân dân lên trên hết, phải hy sinh một phần kinh tế. Những tháng cuối năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và chiến lược khôi phục và phát triển kinh tế.  

Bộ Giao thông vận tải cũng đã có Hướng dẫn tạm thời vận tải hành khách đối với 5 lĩnh vực để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc mở lại các đường bay còn không ít khó khăn, một số địa phương chưa đồng ý đón khách qua đường hàng không.

Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sau khi lấy ý kiến 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 22 cảng hàng không, tính đến chiều ngày 7/10, có 19/21 địa phương đã phản hồi văn bản chính thức, còn lại 2 tỉnh chưa có ý kiến là Quảng Ninh và Quảng Ngãi.

Trong đó, còn 16 địa phương đồng ý “khởi động” lại đường bay nội địa, còn lại 3 tỉnh, thành phố chưa đồng tình. Trong đó, Hải Phòng khẳng định không mở đường bay nội địa và không nói rõ thời gian. Gia Lai bày tỏ, trong giai đoạn trước mắt do yêu cầu phòng chống dịch nên tạm thời chưa mở, xem xét từ sau ngày 15/10. Hà Nội cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chưa mở lại đường bay nội địa.

 

"Việc kích hoạt này là bước thử quan trọng để chúng ta đánh giá lại năng lực phòng chống dịch, cũng như năng lực chỉ đạo điều hành của các địa phương đối với dịch bệnh và sẵn sàng phục hồi kinh tế", ông Cường nhấn mạnh.

“Việc Bộ Giao thông vận tải đơn phương quyết định mở đường bay sẽ là phi lý, không hiệu quả, không đảm bảo yêu cầu chống dịch, không bền vững nếu không có sự ủng hộ của các địa phương”, ông Cường nói.

Hiện mỗi ngày hàng không thiệt hại lên đến 500 tỷ đồng. Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các tỉnh có quyết định khôi phục lại hàng không nói riêng, giao thông vận tải nói chung để mở lại các đường bay nội địa. 

Là một trong những địa phương đồng ý “phá băng” đường bay giai đoạn đầu, ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phú Yên thừa nhận: “Dù đã tham mưu UBND tỉnh mở lại đường bay theo yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam, nhưng thực sự, chúng tôi vẫn còn những vấn đề lo ngại và thận trọng trong việc tiếp đón người”.

Theo kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam, đối với chuyến bay Tuy Hoà - Hà Nội là 3 chuyến/ngày, hoặc đến TP. Hồ Chí Minh là 4 chuyến/ngày. Tỉnh Phú Yên sẽ tính toán lại và đề nghị giảm tần suất xuống cho phù hợp lưu lượng khách.

Theo lý giải của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phú Yên, nếu mở đường bay Tuy Hòa - Hà Nội, việc phòng chống dịch sẽ “nhẹ gánh” hơn rất nhiều so với đường bay Tuy Hoà - TP. Hồ Chí Minh. Bởi liên quan đến việc phòng chống dịch, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tất cả những người đi từ vùng dịch từ các tỉnh, thành phía Nam về đều phải cách ly từ 7-14 ngày.

Vừa qua, Phú Yên đã tổ chức đón hơn 16.000 người dân ở các tỉnh phía Nam về cách ly tập trung và làm các thủ tục y tế, đảm bảo cho bà con hoà nhập cộng đồng.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, các trường học ở Phú Yên đang xây dựng kế hoạch cuối tháng 10 sẽ mở lại, nên việc chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung sẽ rất khó khăn. Nếu lượng người di chuyển về quá lớn sẽ tạo áp lực cho địa phương.

"HÀNG RÀO" QUÁ CHẶT, TRỞ NGẠI CHO HỒI PHỤC

Trước lo ngại của của nhiều địa phương, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho hay: “Gánh nặng khi mở cửa đường bay nội địa sẽ dồn về các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Họ sợ bùng phát dịch, không có khu cách ly, sợ vỡ trận y tế do tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam còn thấp, không đồng đều”.

 

“Nếu cứ mở chỗ này, nghẽn chỗ kia thì không ổn. Do đó, trong vấn đề liên quan tới nhiều địa phương như vậy, chúng ta cần có quy định hợp lý, linh hoạt và thống nhất. Để kiểm soát dịch có hiệu quả, phải tính đến nguy cơ và tỷ lệ tiêm vaccine. Chúng ta cần xác định vùng nào có nguy cơ".

PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng.

Nếu những người đã tiêm chủng nếu nhiễm bệnh, đến những vùng đã có tỷ lệ tiêm chủng cao, như Phú Quốc sắp tiêm đủ 2 mũi vaccine, thì những người làm nhiễm bệnh đến những người ở Phú Quốc không quá nghiêm trọng. Bởi người dân ở đó đã tiêm đủ 2 mũi, có nhiễm bệnh cũng chỉ như cúm mùa.

"Những người đi từ vùng xanh không có ca bệnh thì thoải mái. Còn những vùng có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, kể cả đã tiêm vaccine nhưng nguy cơ mang mầm bệnh vẫn cao”, ông Phu cho biết.

Dù vậy, giao thông vận tải như mạch máu, tắc nghẽn hay đứt chỗ này, chỗ khác sẽ tổn thương. Càng những chỗ quan trọng, như các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực giao thông đầu mối chính, thì tổn thương càng lớn. "Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều địa phương tạo hàng rào quá chặt, không có sự linh hoạt", ông Phu thẳng thắn. 

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines, nếu không mở cửa giao thông sẽ gây tắc nghẽn rất lớn, gây trở ngại cho việc giao thương kinh tế và giao lưu các vùng miền. “Việc chưa mở cửa ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội là do còn tâm lý e ngại, lo lắng khi có sự luân chuyển giữa các dòng người”, ông Kỳ nhìn nhận.

Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh là một trong những vùng dịch cao nhất trong thời gian vừa qua, nhưng đến giờ này rất an toàn, với gần như 100% người dân đã tiêm mũi một và gần 70% đã tiêm mũi hai. Như vậy, không có lý gì là không an toàn, vì chỉ cần đạt 75% đã là miễn dịch cộng đồng.

"Những khu vực này được Nhà nước quan tâm, đã đầu tư nhiều cho công tác tiêm chủng. Chúng ta sẽ lãng phí nguồn lực, cả thời gian và tiền bạc khi toàn bộ nguồn lực đã đầu tư vào việc đưa hoạt động của xã hội trở lại bình thường mới thông qua việc chống dịch thành công và an toàn nhưng không mở cửa để phát triển kinh tế trở lại", ông Kỳ quả quyết.

“Bộ Y tế cần ban hành thận trọng, kỹ lưỡng bộ tiêu chí mà chúng tôi gọi là “On Hot” với bốn cấp độ mà Bộ Y tế đã ban hành đưa ra vấn đề này”, Chủ tịch Vietravel Airlines nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp tại toạ đàm, có lẽ để điều hành, giải toả tất cả, Chính phủ phải vào cuộc. Bởi nếu mỗi tỉnh ban hành quy định riêng, điều này vô hình biến mỗi địa phương là một lãnh thổ và gây cản trở việc mở cửa lại kinh tế.

Cũng theo ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, hoạt động trở lại như thế nào phải có sự nhất trí của tất cả địa phương, không phải chỉ có sân bay và các hãng hàng không. "Chúng ta mở cửa thì phải hoàn toàn, đồng đều, khách không thể bay xuống Nội Bài chỉ để đi về các địa phương khác được cho phép”, ông Quang nhấn mạnh.

Liên quan đến câu chuyện mở đường bay, hiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã họp với các hãng hàng không, đưa ra 4 tiêu chí: Hành khách xanh, quy trình phục vụ xanh, nhà ga - cơ sở hạ tầng xanh, máy bay - phương tiện vận chuyển xanh.

“Quan điểm của chúng tôi là sẽ thực hiện nghiêm quan điểm chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không là mở từ từ, từng bước, có lộ trình, có kiểm soát”, ông Quang nhấn mạnh.

 
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

“Cấm xe máy thì dân đi bộ, rất nhiều người dân đi tới 2.000 km để ra Bắc. Quốc lộ bị chặn, họ sẽ đi vòng, đi lối tắt, qua đồng, qua ruộng. Những người này không mang mầm bệnh, nhưng có thể lây nhiễm trên đường đi, tại các chốt tụ tập đông người khai báo, xét nghiệm. Cùng đó, là nguy cơ tai nạn trên đường, ốm đau, mưa gió. Doanh nghiệp, người kẹt lại ở các địa phương đang rất mong chờ. Do đó, cần sớm mở lại các đường bay nội địa. Bước đầu có thể làm ở quy mô nhỏ, sau 10 ngày mở cửa, chúng ta sẽ rà soát, đánh giá lại để bổ sung, điều chỉnh.

Thời gian qua, Vietnam Airlines, Vietjet tổ chức bay vào vùng dịch đưa công dân về mà không ai bị lây nhiễm. Đây chính là sự khẳng định an toàn trong vận tải hàng không. Các địa phương không phải là một đất nước, một quốc gia có thể tự cung tự cấp toàn bộ, thoát ly với liên kết vùng của các tỉnh lân cận, của quốc gia lân cận. Để khởi động lại các đường bay nội địa cần có sự ủng hộ, quyết đoán của lãnh đạo các địa phương”.

 

 
Ông Nguyễn Quốc Phương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Ông Nguyễn Quốc Phương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

“Thực tế phục vụ chuyến bay giải cứu, các chuyến bay thương mại, bay chở hàng hoá vừa qua, cán bộ công nhân viên trên toàn bộ 21 cảng hàng không, 100% không bị lây nhiễm từ các chuyến bay. Tôi khẳng định, di chuyển bằng đường hàng không là an toàn nhất.

ACV đã và đang triển khai hệ thống công nghệ để giảm thiểu tiếp xúc của hành khách tại khu vực sân bay. Khi tích hợp chung với các hãng và Bộ Y tế, hành khách khi đến sân bay được kiểm soát rõ khách nào đã tiêm, khách nào xét nghiệm. Chúng ta có quy trình, hành lang xanh cho hành khách đi lại, đủ cơ sở để báo cáo Chính phủ để có hồi phục lại mạng bay trong giai đoạn 1”.