Phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm du lịch sinh thái văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 63/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040...
Theo đó, phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh Quy hoạch chung gồm phạm vi đồ án Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 và bổ sung mở rộng khu vực lập quy hoạch về phía Tây đến khu vực sông Bến Đang và quốc lộ 12B bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh, xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Khánh Hòa, Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình, thuộc thành phố Tam Điệp; xã Sơn Lai, xã Sơn Hà, xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan.
Ranh giới phía Bắc giáp huyện Gia Viễn; phía Nam giáp thành phố Tam Điệp, huyện Yên Mô và huyện Yên Khánh; phía Tây giáp sông Bến Đang, quốc lộ 12B và phần còn lại của huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp; phía Đông giáp sông Đáy và tỉnh Nam Định. Quy mô lập quy hoạch khoảng 23.242 ha.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Ninh Bình phù hợp với định hướng phát triển chung của toàn tỉnh, hướng tới phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An.
Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị để đáp ứng các yêu cầu mới thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai. Tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương và các yêu cầu phát triển ở giai đoạn tiếp theo.
Đô thị Ninh Bình có tính chất là Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An; Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh Ninh Bình; Trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; là Đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh.
Dự báo dân số đô thị Ninh Bình đến năm 2040 khoảng 540.000 - 560.000 người (trong đó: Dân số thường trú 430.000 - 440.000 người, dân số quy đổi khoảng 110.000 - 120.000 người).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung điều chỉnh phạm vi quy mô và thời hạn lập quy hoạch; tính toán quy mô diện tích, dân số, đất đai phù hợp với giai đoạn lập quy hoạch đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị loại I, mở rộng đô thị gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An.
Rà soát tình hình thực hiện, kế thừa các định hướng chiến lược, đề xuất điều chỉnh các tồn tại bất cập của Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An được phê duyệt năm 2016; các Quy hoạch ngành của vùng và tỉnh; các Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư. Xác định các yêu cầu quản lý phát triển đô thị, bảo vệ di sản trong giai đoạn mới để đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục; nghiên cứu các đề xuất dự án mới để lập quy hoạch chung theo định hướng tổng thể, chiến lược, có tầm nhìn phát triển dài hạn, bền vững.
Điều chỉnh định hướng quy hoạch Quần thể danh thắng Tràng An theo hướng ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị vùng lõi di sản đồng thời thực hiện song song các mục tiêu phát triển du lịch và ổn định an sinh xã hội khu vực; khai thác phát triển khu vực vùng đệm, khu vực nông thôn xung quanh vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An để phát triển dịch vụ du lịch, công viên chuyên đề, nông nghiệp công nghệ cao.