Thủ tướng yêu cầu Ninh Bình tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng
Chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với Ban thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Bình về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo...
Phát biểu tại cuộc họp, ý kiến của các bộ nhất trí cho rằng Ninh Bình có vị trí địa lý quan trọng, chiến lược, trọng yếu về an ninh, quốc phòng, là điểm kết nối 3 khu vực địa lý Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; nằm trong tứ giác tăng trưởng: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, gắn kết với Thanh Hóa.
Các ý kiến "hiến kế" hướng đi cho Ninh Bình là tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc gia, có ý nghĩa quốc tế và là hạt nhân của vùng du lịch Đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh những thuận lợi, trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, thách thức: Ninh Bình là vùng phân lũ, chậm lũ bảo vệ Thủ đô Hà Nội và các vùng xung quang, chịu tác động chính ở 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn và thành phố Tam Điệp, đây cũng là nơi còn có dư địa, không gian phát triển, được định hướng tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu điểm phát triển dịch vụ du lịch, khu đô thị của tỉnh.
Việc giải quyết xử lý vướng mắc, mâu thuẫn trong quá trình phát triển còn nhiều bất cập, khó khăn; phải đảm bảo cân đối, hài hòa giữa bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử thiên nhiên thế giới với phát triển kinh tế-xã hội nhanh.
PHÁT TRIỂN CHƯA TƯƠNG XỨNG TIỀM NĂNG
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Ninh Bình là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử "địa linh nhân kiệt", nơi "cửa ngõ ra Bắc, vào Nam", nơi có non cao, đất rộng, biển dài. Đây là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hoá giữa châu thổ sông Hồng với Bắc Trung Bộ, giữa vùng Đồng bằng Bắc Bộ với vùng rừng núi Tây Bắc.
Quy mô GRDP xếp thứ 44/63 (ước 9 tháng năm 2022). Sản phẩm chủ lực của địa phương khá toàn diện, nghề thủ công truyền thống địa phương có: Thêu Văn Lâm, đá mỹ nghệ Ninh Vân ở Hoa Lư, dệt chiếu và làm hàng cói mỹ nghệ ở Kim Sơn, Yên Khánh..., làng nghề mộc Phúc Lộc, gốm Bồ Đát.
Đây cũng là nơi hội tụ hàng trăm di tích lịch sử, văn hoá. Cố đô Hoa Lư gắn liền với 3 triều đại: Đinh, tiền Lê, Lý và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng.
Thủ tướng nhìn nhận, 10 tháng vừa qua, kinh tế của Ninh Bình phục hồi, phát triển, GRDP đạt 8,32%. Riêng quý III/2022 tăng 12,64%. Năm 2022 là năm đầu tỉnh Ninh Bình thực hiện tự cân đối ngân sách.
Xuất nhập khẩu tăng khá. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7/8 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới..).
Dịch vụ, du lịch phục hồi, phát triển tốt. Ninh Bình là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. 9 tháng năm 2022 đã giải ngân đạt hơn 3.900 tỷ đồng, bằng 77,6% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, xếp 5/63 tỉnh thành.
Ninh Bình dự kiến hoàn thành và vượt kế hoạch 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra (vượt 12/15).
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả quan trọng mà lãnh đạo, nhân dân Ninh Bình đã đạt được; đóng góp tích cực vào kết quả chung của đất nước; nâng cao uy tín và vị thế của Ninh Bình-vùng đất Cố đô, địa linh nhân kiệt.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế, khó khăn, thách thức đối với Ninh Bình. Quy mô kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực. Đô thị hóa thấp (dân số thành thị mới chiếm 21,5%, dân số nông thôn chiếm 78,5%).
"Phát triển kinh tế-xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Kinh tế biển và vùng sinh thái đồi núi phía Tây Nam chưa đươc khai thác hết. Thời gian tới, thời cơ, thuận lợi đang xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn thách thức lớn hơn", Thủ tướng nói.
Quán triệt các quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phải luôn bám sát đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác chỉ đạo, điều hành, phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời. Đồng thời, xác định một số trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu thì phải dứt điểm đến đó, việc nào phải xong việc đó. Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình.
Khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; trong đó nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định (với 3 trụ cột là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử); nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá (gồm nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản trị…).
Thống nhất nhận thức và hành động với phương châm: Suy nghĩ phải kỹ, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm chắc, bình tĩnh, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi bảo đảm điều kiện cần thiết, gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.
NINH BÌNH PHẢI VỪA ĐẸP VỪA GIÀU
Định hướng nhiệm vụ thời gian tới đối với Ninh Bình, Thủ tướng cho rằng tỉnh cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển.
Thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; 3 "khâu đột phá" của tỉnh (chuyển đổi số, nguồn nhân lực, hạ tầng).
Đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng (tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường Đông Tây, cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh...)
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số, đặc biệt là Chỉ số PCI.
Thủ tướng lưu ý tỉnh không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, thiếu xăng dầu. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hoà với phát triển kinh tế; triển khai tích cực, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong tỉnh.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiếp tục tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
"Ninh Bình phải vừa đẹp vừa giàu, vùng đất địa linh nhân kiệt phải làm được điều này", Thủ tướng nêu rõ.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đã cho ý kiến đối với các kiến nghị cụ thể của Ninh Bình với tinh thần tạo mọi điều kiện cho tỉnh phát triển.
Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, động viên lãnh đạo, người lao động tham gia sản xuất tại Tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô, dịch vụ logistics Huyndai Thành Công tại Khu công nghiệp Gián Khẩu; dự án xây dựng tuyến đường Đông-Tây tỉnh Ninh Bình.