10:09 04/02/2013

Phòng, chống tham nhũng sang trang mới

Lê Châu

Hôm nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng họp phiên họp đầu tiên

Sự đổ vỡ của Vinashin, Vinalines đã gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế đất nước - Ảnh: Quang Tuấn.<br>
Sự đổ vỡ của Vinashin, Vinalines đã gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế đất nước - Ảnh: Quang Tuấn.<br>
Từ ngày 1/2, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực. Hôm nay, ngày 4/2, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng họp phiên họp đầu tiên và ra mắt cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo là Ban Nội chính Trung ương.

Trong lịch cử công tác lập pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng gần như là dự án luật duy nhất được sửa đổi và thông qua chỉ trong một kỳ họp, với thời gian từ khi thông qua đến khi có hiệu lực cũng chỉ trong vòng 2 tháng.

Nhiều đại biểu Quốc hội khi biểu quyết thông qua luật này, đều đã bày tỏ quan điểm rằng tình hình tham nhũng đã trở thành quốc nạn và đối với “giặc” tham nhũng, cần diệt ngay, không cần phải phòng hay chống.

Vào ngày 23/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, lần đầu tiên, Quốc hội dành riêng một phiên họp được truyền hình trực tiếp, với một trong hai nội dung chính của phiên họp này là để khẩn trương triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đi vào cuộc sống.

Trong cả phát biểu khai mạc và kết luận phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều nhấn mạnh đến một nội dung rằng yêu cầu rất cấp bách của Quốc hội và của nhân dân cả nước hiện nay với các ngành công an, tòa án, tư pháp, thanh tra và các cơ quan hữu quan là phải tạo cho được chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng...

Trước đó, tại kỳ họp thứ 4, diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, lần đầu tiên, Quốc hội dành hai ngày liên tục, với khoảng 16 giờ đồng hồ được truyền hình trực tiếp để thảo luận, đánh giá về tình hình tham nhũng cũng như sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, với các phát biểu “nóng” hiếm thấy.

Đây cũng là kỳ họp mà lần đầu tiên, có tới 5 báo cáo đề cập đến phòng chống tham nhũng được trình bày liên tục ngay tại phiên khai mạc. Nói như Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: “Quốc hội thấy rằng phải tăng cường đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng theo Nghị quyết Trung ương 4”.

Thực tế, vấn đề phòng chống tham nhũng, vốn vẫn luôn là nỗi bức xúc, trăn trở của đại biểu Quốc hội trong nhiều nhiệm kỳ Quốc hội.

Đỉnh cao của nỗi bức xúc này được thiết lập lần đầu tại hai kỳ họp áp chót của Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, khi sự đổ vỡ của Vinashin “nổ” ra trong dư luận, với quá nhiều lỗi lầm tưởng như không thể được tha thứ như các món nợ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, những sai phạm trong điều hành dẫn đến thất thoát ở tập đoàn này và vấn đề mập mờ trong trách nhiệm.

Khi đó, đã có một số đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội biểu quyết thành lập một ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Trên cơ sở đó, cuối kỳ họp Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ liên quan. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chưa trình Quốc hội thành lập ủy ban này, với lý do Vinashin đang được các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước xem xét.

Câu chuyện Vinashin, cũng như những nỗi bức xúc về phòng chống tham nhũng tạm lắng xuống, khi bộ máy nhà nước bước vào thời kỳ chuyển giao, kết thúc nhiệm kỳ cũ và bước sang nhiệm kỳ mới.

Gần hai năm sau, nó bắt đầu trở lại nóng khi Quốc hội khóa XIII tiến hành kỳ họp thứ ba, diễn ra vào tháng 5/2012 và lý do đáng kể cho sự “châm ngòi” trở lại của những nỗi bức xúc này, là sự đổ vỡ của Vinalines, tuy tổn thất không nghiêm trọng như Vinashin, nhưng lại phản cảm hơn, khi “Vinalines thua lỗ, Chủ tịch bỏ chạy, công an không bắt không được. Nói ra cứ như chuyện đùa, cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào” - như phát biểu của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tại kỳ họp đó.

Không giống như nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, đại biểu Quốc hội không đề nghị thành lập ủy ban lâm thời để điều tra, cũng không đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, bởi vì quy trình này đã được tính đến bằng một đề án bài bản hơn nhiều.

Theo chỉ đạo từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (tháng 1/2012) sớm thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, Quốc hội đến nay đã sẵn sàng triển khai thực hiện công việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm này vào tháng 5 tới.

Theo dự cảm của nhiều đại biểu Quốc hội, thì đây cũng chính là thời điểm mà đỉnh cao của nỗi bức xúc về phòng chống tham nhũng, sẽ được tái thiết lập, thông qua các kết quả lấy phiếu tín nhiệm, nhất là khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng luôn nung nấu một quyết tâm sẽ dẫn dắt Quốc hội tiến hành quy trình này thành công.

Một trong những lý do dẫn đến mối liên hệ giữa lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với việc qua đó sẽ thiết lập được đỉnh cao mới trong phòng chống tham nhũng, là, trong Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa có hiệu lực, đã rất nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu, trong việc để xảy ra tham nhũng.

Chẳng hạn, khoản 4 điều 55 được sửa đổi, bổ sung: “Trong kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán, kết luận điều tra vụ việc, vụ án tham nhũng phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng theo các mức độ sau đây: a) Yếu kém về năng lực quản lý; b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý; c) Bao che cho người có hành vi tham nhũng. Kết luận phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý cán bộ”.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)