06:50 10/11/2012

Chống tham nhũng: 7 năm qua tựa như “đánh trận giả”

Nguyễn Lê

Cả Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành cũng như dự thảo luật sửa đổi đều không quy định chi tiết về kiểm soát thu nhập

Đại biểu Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng kiểm soát tài sản và thu nhập phải là điều, khoản cốt lõi của dự thảo luật.<br>
Đại biểu Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng kiểm soát tài sản và thu nhập phải là điều, khoản cốt lõi của dự thảo luật.<br>
Để sửa luật lần này phải đánh giá cho đúng luật đã thông qua năm 2005 và nếu dũng cảm nhận rằng đã thất bại thì mới mong sửa thành công, đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 9/10.

Trọn ngày thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), từ ý kiến đầu tiên đến phát biểu sau cùng của 48 vị đại biểu, nhiều bất cập của dự thảo luật đã được chỉ ra.

“Đánh trận giả”


Nhắc đến thành ngữ “vừa đá bóng vừa thổi còi” đã được nhắc đến rất nhiều ngay trong lúc Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, khi đưa ra cơ chế đứng đầu cơ quan chỉ đạo phòng chống tham  nhũng lại chính là cơ quan hành pháp, đại biểu Quốc than thở, “vậy mà chính Quốc hội khóa ấy vẫn bấm nút thông qua”.

Nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan lập pháp trong sự lãng phí thời gian 7 năm với biết bao nhiêu tổn hại, đại biểu Quốc cho rằng “nếu luật năm 2005 làm tốt thì đã không có Vinashin, Vinaline”.

Theo ví von của vị đại biểu này, thì việc chống tham nhũng 7 năm qua tựa như “đánh trận giả”, kế hoạch tác chiến rất hoành tráng, lực lượng huy động rất hùng hậu, mệnh lệnh ra quân rất dứt khoát và lại được nhân dân cổ vũ mạnh. Vậy mà khi lâm trận thì súng nổ rất to mà không sát thương được, vì đạn không có... đầu.

Chống tham nhũng: 7 năm qua tựa như “đánh trận giả” 1Lẽ ra kiểm soát tài sản và thu nhập (điều 65) phải là điều, khoản cốt lõi của dự thảo luật, quyết định hiệu lực và hiệu quả của luật. Đại biểu Quốc hội Trần Văn (Cà Mau)

Quan trọng hơn, cũng theo phân tích của đại biểu Quốc thì “quân xanh hay quân đỏ đều là quân ta cả. Chỉ có một số vị vụng về nên bị lộ hay bị dư luận báo chí phát hiện mới bị xử lý như là phạt, không những thế chúng ta từng phải chứng kiến người đã bị kết án vào tù lại trở ra như người giải oan, người hăng hái đánh phá tham nhũng lại bị phát hiện là kẻ tội đồ”.

Điểm mấu chốt để sửa đổi lần này, theo quan điểm của ông Quốc là “phải có một đầu não trong sạch, kiên cường” và phải củng cố được lòng tin thì mới vào trận được, song “đáng tiếc đó là điều chưa thấy rõ lắm trong dự thảo luật”.

Phải kiểm soát được thu nhập

Bên cạnh sự cần thiết phải lập cơ quan độc lập để chống tham nhũng, kiểm soát và công khai thu nhập cũng là vấn đề được tập trung thảo luận.

Nhiều đại biểu phê phán lâu nay kiểm soát và công khai thu nhập chỉ là hình thức. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phân tích, do chưa thấy ai bị xử lý khi kê khai sai, nên anh em công chức thậm chí còn mách nhau một “chiêu” là cứ khai vống lên đến lúc tài sản gia tăng thêm là vừa.

Đại biểu Trần Văn (Cà Mau) nhận xét, cả luật hiện hành cũng như dự thảo luật sửa đổi đều không quy định chi tiết về việc kiểm soát thu nhập, trong khi kiểm soát được thu nhập thì mới chống được tham nhũng.

"Lẽ ra kiểm soát tài sản và thu nhập (điều 65) phải là điều, khoản cốt lõi của dự thảo luật, quyết định hiệu lực và hiệu quả của luật", ông Văn nhấn mạnh.

Theo đại biểu Văn, với trên 10 triệu mã số thuế thu nhập cá nhân đã được cấp và hàng triệu hồ sơ thuế thu nhập cá nhân đã được xác lập các cơ quan phòng, chống, tham nhũng cần yêu cầu từ cơ quan thuế những thông tin về thu nhập cá nhân, về nộp thuế, về lệ phí trước bạ, nhà đất và các phương tiện tài sản có giá trị cao của cán bộ công chức.

Thông qua phần mềm tin học để tích hợp các thông tin về tài sản, về thu nhập cá nhân, theo ông Văn, hoàn toàn có thể phát hiện được các dấu hiệu tham nhũng thông qua sự bất hợp lý hay xung đột về chuỗi số liệu kê khai.

Vị đại biểu này cũng đề nghị bổ sung quy định công khai thông tin về tài sản thu nhập của cán bộ công chức trên trang thông tin điện tử của cơ quan phòng, chống tham nhũng để mọi người dân có thể tiếp cận được, để kiểm tra, giám sát.

Nhiều quan điểm về cơ quan chống tham nhũng

Rất phong phú là các đề xuất về mô hình cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng độc lập và đủ mạnh.

Chống tham nhũng: 7 năm qua tựa như “đánh trận giả” 2Tôi đề nghị Quốc hội bầu đại biểu Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - làm chủ tịch ủy ban quốc gia phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM)

Bên cạnh nhiều ý kiến muốn thành lập cơ quan độc lập phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội, một số vị cho rằng nên trực thuộc Trung ương Đảng hoặc Chủ tịch nước. Có ý kiến đề nghị, chuyển cơ quan Thanh tra Chính phủ trở thành cơ quan Thanh tra Nhà nước thuộc Quốc hội.
 
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) đề nghị lập ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng thuộc Quốc hội, là cơ quan phòng, chống tham nhũng tối cao của đất nước, có bộ phận điều tra riêng.

“Tôi đề nghị Quốc hội bầu đại biểu Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - làm chủ tịch ủy ban quốc gia phòng, chống tham nhũng”, ông Nghĩa phát biểu.

Việc Đảng trực tiếp lãnh đạo phòng, chống tham nhũng, theo đại biểu Nghĩa là chính danh và là hợp pháp. Ủy ban này có thẩm quyền điều tra đặc biệt cả về nhà nước và về đảng. Vị đại biểu này cũng lưu ý đây là điều tra phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn đầu với những thẩm quyền đặc biệt, không phải hoặc không thay thế điều tra vụ án hình sự.

Với không ít bất cập cùng nhiều vấn đề chưa đạt được sự thống nhất cao, một số vị đại biểu đã đề nghị chưa nên thông qua dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) ngay trong kỳ họp lần này như dự kiến.