Quy mô các thị trường tài sản tại Mỹ
Tính từ đầu năm tới ngày 6/12, chỉ số S&P 500 tăng 28%, liên tục thiết lập các kỷ lục mới...
Năm qua, hầu hết các thị trường tài sản ở Mỹ đều ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng nhờ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tính từ đầu năm tới ngày 6/12, chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - tăng 28%, liên tục thiết lập các kỷ lục mới. Tương tự, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản nhà ở cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ở một số loại tài sản, tăng trưởng vượt mức bình quân hơn hai thập kỷ qua, phản ánh tâm lý hấp thụ rủi ro dâng cao ở một số lĩnh vực.
Đồ thị thông tin dưới đây thể hiện giá trị của một số loại tài sản tại Mỹ trong năm 2024, dựa trên dữ liệu từ Fed.
Theo đó, thị trường cổ phiếu Mỹ, với tổng vốn hóa 64,4 nghìn tỷ USD, tăng trưởng 20,5% trong giai đoạn từ quý 2/2023 đến quý 2/2024, gấp đôi mức tăng trưởng bình quân năm kể từ năm 1998. Cũng giống như 2 năm qua, các công ty công nghệ lớn thường là động lực chính cho sự tăng trưởng của thị trường cổ phiếu. Hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận dự phóng (P/E) của S&P 500 vượt mức bình quân 15,7 kể từ năm 1989, lên 27,9 vào quý 2/2024.
Với thị trường bất động sản nhà ở, định giá tài sản đang ở gần mức đỉnh vào giữa những năm 2000. Dù giá nhà danh nghĩa tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng có xu hướng thấp hơn so với các mức ghi nhận năm 2022. Tính chung, thị trường nhà ở Mỹ tăng trưởng 6% trong năm tính từ quý 2/2023, thấp hơn mức bình quân kể từ năm 1998. Ngược lại, quy mô thị trường bất động sản thương mại giảm 10,8% do áp lực từ tình trạng trống văn phòng sau đại dịch.