12:26 21/01/2013

“Quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân”

Nguyễn Lê

Theo quy định tại Hiến pháp 1992 thì “chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp”

<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">Đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - Ảnh: N.H.</span>
<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">Đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - Ảnh: N.H.</span>
Dù không cùng diễn đàn và thời điểm, song nhiều ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đều gặp nhau về đề nghị trao cho dân quyền lập hiến.

Theo quy định tại Hiến pháp 1992 thì “chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”.

Với dự thảo sửa đổi, việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp được quy định như sau:

1. Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành;

2. Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định;  

3. Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và trình Quốc hội về dự thảo Hiến pháp;  

4. Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.

Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012, một số vị đại biểu đề nghị Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua thì phải trưng cầu ý dân trước khi có hiệu lực. Việc trưng cầu ý dân phải được Hiến pháp khẳng định như một quyền cơ bản của công dân, thay vì cách quy định có thể hiểu là khi nhà nước hay Quốc hội tổ chức thì công dân được trưng cầu dân ý.

Ngay sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp chính thức được công bố lấy ý kiến nhân dân vào đầu tháng 2 vừa qua, tại địa chỉ thu nhận ý kiến nhân dân của Quốc hội trên trang http://duthaoonline.quochoi.vn cũng như ở các diễn đàn được tổ chức để lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo đã có nhiều đề xuất về quyền phúc quyết của dân với Hiến pháp.

Doanh nhân Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Văn Khoa Sài Gòn, tại hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra cuối tuần qua cho rằng, cần làm sao để nhân dân cảm thấy mình là chủ thể xây dựng và quyết định Hiến pháp chứ không phải là người làm theo Hiến pháp.

“Tôi đề nghị Hiến pháp cần có sự phúc quyết cuối cùng của nhân dân, cho dù Hiến pháp có thể được hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán nhưng Quối hội không phải ở trên nhân dân, nên khi Quốc hội đã thông qua thì phải đưa ra để dân phúc quyết, đây là điểm mấu chốt để nhân dân thực hiện quyền dân chủ cao nhất của mình”, ông Khoa phát biểu.

Cũng do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, diễn đàn dành riêng cho đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng ghi nhận đề xuất về quyền phúc quyết của nhân dân.

Nhất thiết phải trưng cầu ý dân về Hiến pháp chứ không nên để Quốc hội quyết định việc này như dự thảo, bà Phan Bích Thiện (Việt kiều Hungary) bày tỏ quan điểm.

Tại trang http://duthaoonline.quochoi.vn, kiến nghị bổ sung về chủ thể lập hiến của bạn đọc Nguyễn Hữu Chót cũng nhận được nhiều sự tán đồng.

Bạn đọc Nguyễn Hữu Chót phân tích, bản chất của Nhà nước ta là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân (điều 2 Hiến pháp đã khẳng định). Xuất phát từ bản chất đó mà nhân dân có quyền lực tối cao trong việc quyết định các vấn đề hệ trọng của quốc gia trong đó có vấn đề xây dựng Hiến pháp.

Tất cả mọi người, ai cũng biết rằng lập hiến là vấn đề quan trọng nhất của một quốc gia cần phải được thực hiện bằng con đường dân chủ trực tiếp nhằm tranh thủ trí tuệ và nắm bắt nguyện vọng của toàn dân tộc. Việc lập hiến bằng con đường dân chủ đại diện (thông qua Quốc hội) như hiện nay, phần nào hạn chế chủ quyền của nhân dân, chưa phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp theo hướng, quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân thông qua trưng cầu dân ý.

Từ phân tích trên, kiến nghị của bạn đọc này là dự thảo cần bổ sung một điều khoản riêng trong Hiến pháp, với nội dung như sau: “Hiến pháp và những việc hệ trọng của quốc gia phải được đưa ra trưng cầu ý dân để toàn dân phúc quyết”.

Nhận xét bạn đọc Nguyễn Hữu Chót đã phân tích logic từ Nhà nước của dân đến quyền lực thuộc về nhân dân và như vậy hình thức dân chủ trực tiếp của người dân rất quan trọng trong vấn đề phúc quyết Hiến pháp, bạn Hoàng Nam “ủng hộ ý kiến này và đề nghị Ban soạn thảo cần ghi nhận bổ sung điều khoản này vào Hiến pháp. Lúc đó mới thể hiện được đầy đủ quyền lập hiến là của người dân Việt Nam”.

“Tôi đề nghị lấy Hiến pháp 1946 làm gốc, xây dựng Hiến pháp của dân, mang tính dân tộc. Dân vạn đại nên Hiến pháp sẽ trường tồn. Phải thông qua toàn dân bỏ phiếu phúc quyết Hiến pháp như quy định của Hiến pháp 1946”, bạn đọc Đỗ Văn Tuân góp ý.