08:32 04/01/2013

Dự thảo sửa Hiến pháp và bước tiến về quyền con người

Nguyên Hà

Trong số 124 điều của dự thảo có nhiều điều mới hoàn toàn

<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative"><a href="http://vneconomy.vn/2013010108153495P0C9920/cong-bo-du-thao-sua-doi-hien-phap.htm">Trong ngày đầu tiên dự thảo được công bố</a>, đã có khá nhiều ý kiến người dân góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992.</span>
<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative"><a href="http://vneconomy.vn/2013010108153495P0C9920/cong-bo-du-thao-sua-doi-hien-phap.htm">Trong ngày đầu tiên dự thảo được công bố</a>, đã có khá nhiều ý kiến người dân góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992.</span>
Bảng so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với dự thảo sửa đổi được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội trong ngày 3/1/2013 đã cho thấy nhiều chỉnh sửa từ lời nói đầu cho đến điều cuối cùng.

Trong số 124 điều của dự thảo có nhiều điều mới hoàn toàn, bắt đầu từ điều 16 của chương 2: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.

Theo ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, việc đổi tên chương 5 của Hiến pháp 1992 về Quyền và nghĩa vụ của công dân thành chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và đưa lên vị trí thứ 2, sau chương Chế độ chính trị là bước tiến quan trọng trong lịch sử lập Hiến của Việt Nam.

Điều 15, điều đầu tiên của chương này viết: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.

Chương 2 cũng có tới 5 điều mới hoàn toàn. Theo đó, Điều 16 quy định: “1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 21 gói gọn ở 5 chữ: “Mọi người có quyền sống”.

 “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa”, điều 44 viết.

“Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp” là nội dung của điều 45.

Quy định tại điều 46 là: “1. Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành.  2. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”.

Bên cạnh các điều mới hoàn toàn, nhiều điều khác của Hiến pháp 1992 cũng được bổ sung các quy định đáng chú ý. Như điều 49 của Hiến pháp hiện hành quy định “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”, đã được sửa đổi thành: “1. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. 2. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho Nhà nước khác. 3. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”.

Với điều 69, Hiến pháp hiện hành viết “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Điều 26 (sửa đổi, bổ sung điều 69) của dự thảo quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Điều này có đồng nghĩa với việc công dân được tự do lập hội, biểu tình mà không phải theo hướng dẫn của thông tư nào không? Bạn Huỳnh Nam Hải đặt câu hỏi trên trên trang http://duthaoonline.quochoi.vn của Quốc hội.

Trang thông tin điện tử - nơi cử tri cùng các đại biểu xây dựng luật - này cũng ghi nhận nhiều góp ý khác liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Bạn Lê Thành Nhân đề nghị sửa điều 30: “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” thành: "1. Công dân có đủ tư cách pháp nhân có quyền biểu quyết và yêu cầu tổ chức trưng cầu ý kiến các vấn đề quan trọng của Tổ quốc. 2. Công dân có quyền tham gia hoặc không tham gia bầu cử, biểu quyết".
 
Với khoản 2 điều 37: "2. Không ai được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định", bạn Nguyễn Văn Bình cho rằng việc tách thành hai ý (không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép) đã làm cho các ý mâu thuẫn nhau. Do đó, nên viết theo một ý như Hiến pháp 1992 và chỉ nên sửa thành: "Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp luật định."

Nên sửa đổi, bổ sung điều 21: “Mọi người có quyền sống” thành: "Mọi người có quyền sống, làm việc, quyền tự do ngôn luận, phát biểu chính kiến” là quan điểm của bạn Lê Minh Sang.

"Điều 21 nên bỏ vì điều này không thực hiện được vì phải thực hiện một số lệnh theo quy định của pháp luật", bạn Nguyễn Văn Binh góp ý.